Lương tối thiểu vùng 2020 tăng: 3 việc doanh nghiệp phải làm ngay

Từ ngày 01/01/2020, mức lương tối thiểu vùng “đến hẹn lại tăng”. Thời điểm này, các doanh nghiệp phải lập tức bắt tay vào việc rà soát thang lương, bảng lương cũng như mức đóng bảo hiểm xã hội đang áp dụng để điều chỉnh theo đúng quy định.

1. Lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng như thế nào?

Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ ấn định mức lương tối thiểu vùng năm 2020 như sau:

Đơn vị: đồng/tháng

Vùng

Mức lương tối thiểu vùng 2020

Mức tăng so với năm 2019

Vùng I

4.420.000

240.000

Vùng II

3.920.000

 210.000

Vùng III

3.430.000

180.000

Vùng IV

3.070.000

150.000

2. Doanh nghiệp phải làm gì khi lương tối thiểu vùng 2020 tăng?

Thứ nhất: Xây dựng lại thang lương, bảng lương

Theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP, việc xây dựng lại thang lương, bảng lương của doanh nghiệp phải được thực hiện dựa trên nguyên tắc:

“Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng;

Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;

Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường”.

Do đó, khi mức lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng mà mức lương của người lao động tại doanh nghiệp đang ở dưới mức lương tối thiểu vùng theo nguyên tắc nêu trên thì doanh nghiệp đó phải xây dựng lại thang lương, bảng lương.

Thứ hai: Tăng mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Tại điểm 2.6, khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu:

“Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường".

Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;

Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường”.

Để phù hợp với quy định nêu trên, khi mức lương tối thiểu vùng tăng từ ngày 01/01/2020, các doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động dưới mức lương tối thiểu vùng phải tăng mức đóng.

Thứ ba: Tăng tiền nộp kinh phí công đoàn

Nộp kinh phí công đoàn là trách nhiệm của mọi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp đó đã có Công đoàn cơ sở hay chưa.

Theo Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP:

“Mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”.

Như vậy, khi mức lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trong doanh nghiệp tăng như phân tích ở trên, doanh nghiệp phải điều chỉnh mức đóng kinh phí công đoàn.

3. Kết luận

Khi mức lương tối thiểu vùng tăng từ ngày 01/01/2020, không phải mọi doanh nghiệp đều cần phải thực hiện 03 công việc nêu trên.

Chỉ những doanh nghiệp đang trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định thì mới cần phải điều chỉnh.


Lan Vũ

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục