Ngoài tiền lương, tùy thuộc vào đặc điểm, tính chất của công việc mà người lao động sẽ được hưởng thêm một khoản tiền được gọi là phụ cấp. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cách tính phụ cấp độc hại mới nhất.
Phụ cấp độc hại là gì?
Hiện nay, không có văn bản nào quy định chi tiết phụ cấp độc hại là gì, mà thực tế thường được hiểu và áp dụng đối với những người lao động làm công việc hoặc làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại, đặc biệt nguy hiểm, độc hại.
Đây là khoản phụ cấp mà người sử dụng lao động dành cho người lao động nhằm bù đắp một phần tổn hại về sức khỏe, tinh thần, thậm chí là suy giảm khả năng lao động.
Mỗi ngành nghề, lĩnh vực đều có những tính chất đặc thù riêng. Chính vì vậy, mức phụ cấp sẽ phụ thuộc vào từng đối tượng lao động với những công việc khác nhau.
Cách tính phụ cấp độc hại (Ảnh minh họa)
Cách tính phụ cấp độc hại mới nhất
Đối với cán bộ, công chức, viên chức
Theo quy định tại Thông tư 07/2005/TT-BNV, phụ cấp độc hại đối với cán bộ, công chức, viên chức được chia thành 04 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương cơ sở.
Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng. Do đó, mức phụ cấp độc hại hàng tháng cán bộ, công chức, viên chức nhận được như sau:
- Mức 1: Hệ số 0,1 = 149.000 đồng/tháng;
- Mức 2: Hệ số 0,2 = 298.000 đồng/tháng;
- Mức 3: Hệ số 0,3 = 447.000 đồng/tháng;
- Mức 4: Hệ số 0,4 = 596.000 đồng/tháng.
Loại phụ cấp này được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm và được trả cùng kỳ lương hàng tháng:
Nếu làm việc dưới 04 giờ/ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 04 giờ trở lên thì được tính bằng cả ngày làm việc.
Đối với người lao động trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu
Cách tính phụ cấp độc hại đối với những đối tượng này được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH. Cụ thể tại khoản 1 Điều 11:
- Mức phụ cấp đối với nghề, công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm:
+ Thấp nhất bằng 5%
+ Cao nhất bằng 10%
- Mức phụ cấp đối với nghề, công việc có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm:
+ Thấp nhất bằng nhất 7%
+ Cao nhất bằng 15%.
Các mức phụ cấp nêu trên được so với mức lương của nghề, công việc có độ phức tạp tương đương, trong điều kiện lao động bình thường.
Thời gian tính phụ cấp độc hại cho những lao động này cũng được thực hiện tương tự như đối với cán bộ, công chức, viên chức nêu trên.
Đối với những lao động còn lại
Điều 102 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ, chế độ phụ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động.
Như vậy, nếu người lao động làm việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mức phụ cấp độc hại sẽ tùy theo sự thỏa thuận khi giao kết hợp đồng lao động.
Lưu ý: Về tiền lương, theo điểm c khoản 3 Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP, mức lương của công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
>> Làm việc nặng nhọc, mức bồi dưỡng chỉ bằng cái bánh mỳ?
Thùy Linh