Cách tính ngày phép năm theo quy định mới nhất

Phép năm và chế độ trong những ngày nghỉ phép năm luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của nhiều người lao động. Tuy nhiên, liệu người lao động đã biết cách tính ngày phép này để đảm bảo quyền lợi cho mình?


Mỗi năm, người lao động có bao nhiêu ngày phép?

Theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019, tùy vào điều kiện làm việc và đối tượng người lao động mà người lao động làm việc từ đủ 12 tháng trở lên thì mỗi năm được nghỉ hằng năm hưởng nguyên lương như sau:

- 12 ngày làm việc: Người làm công việc trong điều kiện bình thường;

- 14 ngày làm việc: Người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

- 16 ngày làm việc: Người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Ngoài ra nếu làm việc đủ 05 năm cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động sẽ  được tăng thêm tương ứng 01 ngày (theo Điều 114 Bộ luật Lao động năm 2019).

Riêng với người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng thì số ngày nghỉ phép năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc. Căn cứ Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời gian làm việc tính hưởng phép năm bao gồm:

  • Thời gian học nghề, tập nghề nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động;
  • Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc;
  • Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương;
  • Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng/năm;
  • Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 06 tháng;
  • Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng/năm;
  • Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản;
  • - Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc;
  • Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động;
  • Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.

Xem thêm: Từ 2021, thời gian nghỉ phép năm sẽ tăng lên? 

cach tinh ngay phep nam
Cách tính ngày phép năm, ai cũng nên biết (Ảnh minh họa)


Hướng dẫn cách tính ngày phép năm

Căn cứ Điều 113, Điều 114 Bộ luật Lao động và Điều 66 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người lao động có thể dễ dàng tính được số ngày nghỉ phép năm của mình như sau:

* Làm việc chưa đủ 12 tháng:

Số ngày nghỉ

=

(Số ngày nghỉ hằng năm :  12)

x

Số tháng làm việc thực tế

Trong đó:

- Số ngày nghỉ hằng năm của người lao động là từ 12 đến 16 ngày tùy vào điều kiện làm việc và đối tượng lao động.

- Trường hợp làm việc chưa đủ tháng: Nếu tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động chiếm tỷ lệ từ 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng thì được tính là 01 tháng làm việc.

Ví dụ: Chị A làm việc cho công ty X trong điều kiện bình thường. Chị A mới làm việc cho công ty X được 06 tháng. Tương ứng với đó, số ngày phép năm của chị A = 12 ngày : 12 x 6 tháng = 6 ngày.

* Làm việc từ đủ 12 tháng trở lên:

Số ngày nghỉ phép

=

Số ngày nghỉ hàng năm

+

Số ngày nghỉ theo thâm niên
(nếu có)

Trong đó:

- Số ngày nghỉ hằng năm của người lao động là từ 12 đến 16 ngày tùy vào điều kiện làm việc và đối tượng lao động.

- Số ngày nghỉ theo thâm niên được xác định như sau: Cứ 05 năm làm việc cho một chủ sử dụng thì được tăng thêm 01 ngày.

Ví dụ: Anh A làm việc cho công ty X trong điều kiện bình thường, mỗi năm được nghỉ phép 12 ngày. Nếu anh A đã làm việc cho công ty X đủ 5 năm thì từ năm thứ 06 sẽ được nghỉ phép năm 13 ngày.


Thời gian nghỉ phép năm được hưởng những chế độ gì?

Theo Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động khi nghỉ phép năm được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.

Ngoài ra, theo khoản 5 Điều này, nếu chưa đến kỳ trả lương, người lao động nghỉ hằng năm còn được tạm ứng tiền lương. Số tiền ít nhất mà người lao động có thể tạm ứng trong trường hợp này là bằng tiền lương của những ngày nghỉ phép.

Bên cạnh đó, người lao động cũng có thể được hỗ trợ thêm tiền tài xe và tiền lương khi nghỉ phép nếu thuộc khoản 6 Điều 113 Bộ luật Lao động:

6. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

Như vậy, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

Tiền tàu xe, tiền lương những ngày đi đường ngoài ngày nghỉ hàng năm trong trường hợp này sẽ do hai bên thoả thuận (căn cứ khoản 1 Điều 67 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

Theo đó, người lao động cần lưu ý những quy định trên để đòi hỏi quyền lợi chính đáng trong thời gian nghỉ hằng năm của mình.

Xem thêm: Quy định mới về nghỉ phép năm, người lao động cần biết

Trên đây là hướng dẫn về cách tính ngày phép năm. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Quy định về nghỉ phép năm khi chưa làm đủ 12 tháng

>> Quy định mới nhất về nghỉ việc riêng, nghỉ không lương

>> Hướng dẫn cách tính tiền phép năm khi nghỉ việc

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Người nước ngoài cần điều kiện gì để được làm việc ở Việt Nam?

Người nước ngoài cần điều kiện gì để được làm việc ở Việt Nam?

Người nước ngoài cần điều kiện gì để được làm việc ở Việt Nam?

Bên cạnh việc sử dụng lao động tại Việt Nam, do tính chất của công việc, nhiều doanh nghiệp còn phải thuê thêm người lao động ở nước ngoài về để làm việc. Vậy lao động nước ngoài cần điều kiện gì để được làm việc tại Việt Nam?