Cách tính án phí lao động theo Nghị quyết 326

Khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động, người lao động, cũng có thể là doanh nghiệp phải trả cho Tòa án một khoản tiền được gọi là án phí để bù đắp các chi phí mà cơ quan này đã bỏ ra khi giải quyết vụ án, vụ việc.

Án phí lao động - Ai phải chịu?

Theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, án phí lao động là một trong những loại án phí thuộc lĩnh vực dân sự. Do đó, có thể xác định người có nghĩa vụ chịu án phí như sau:

Án phí lao động sơ thẩm:

- Đương sự (người lao động, doanh nghiệp, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) chịu án phí đối với yêu cầu không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn.

- Bị đơn chịu toàn bộ án phí khi toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.

- Nguyên đơn chịu toàn bộ án phí khi toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.

- Nguyên đơn chịu án phí tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận.

- Bị đơn chịu án phí tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.

- Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí đối với phần yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận. Nguyên đơn phải chịu án phí theo phần yêu cầu phản tố của bị đơn được Tòa án chấp nhận.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập chịu án phí theo phần yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận. Người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chịu án phí theo phần yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận.

Cách tính án phí lao động theo Nghị quyết 326 (Ảnh minh họa)

Án phí lao động phúc thẩm:

- Người kháng cáo chịu án phí nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí.

- Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm thì người kháng cáo liên quan đến phần bản án, quyết định phải sửa không phải chịu án phí; Tòa án xác định lại nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm.

- Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử sơ thẩm lại thì nghĩa vụ chịu án phí xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

- Đương sự rút kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm chịu 50% mức án phí phúc thẩm. Trường hợp rút kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm thì chịu toàn bộ án phí.

- Trường hợp các bên thỏa thuận giải quyết được vụ án tại phiên tòa phúc thẩm thì đương sự kháng cáo chịu toàn bộ án phí phúc thẩm.

Về án phí sơ thẩm, nếu các bên tự thỏa thuận được với nhau thì nghĩa vụ chịu án phí theo thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án xác định lại án phí theo nội dung thỏa thuận về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm.

- Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm và được bị đơn đồng ý thì các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm và 50% mức án phí phúc thẩm.

Mức án phí lao động mới nhất

Mức án phí này được quy định chi tiết tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 326 nêu trên như sau:

STT

Tên án phí

Mức thu

1

Án phí lao động sơ thẩm

1.1

Đối với tranh chấp lao động không có giá ngạch

300.000 đồng

1.2

Đối với tranh chấp lao động có giá ngạch

a

Dưới  06 triệu đồng

300.000 đồng

b

Từ 06 - 400 triệu đồng

3% giá trị tranh chấp, nhưng không thấp hơn 300.000 đồng

c

Từ 400 triệu - 02 tỷ đồng

12 triệu đồng + 2% của phần giá trị có tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng

d

Từ 02 tỷ đồng trở lên

44 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị có tranh chấp vượt 02 tỷ đồng

2

Án phí lao động phúc thẩm

300.000 đồng

>> 7 lưu ý quan trọng về án phí, lệ phí Tòa án theo Nghị quyết 326

Thùy Linh

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục