Việc bố trí ca làm việc và thời giờ nghỉ ngơi hợp lý có ý nghĩa quan trọng với sức khỏe của người lao động cũng như chất lượng công việc. Vậy ca làm việc và thời gian nghỉ giữa ca được quy định như thế nào?
Thời gian tối đa của mỗi ca làm việc là bao lâu?
Khoản 1 Điều 63 Nghị định 145/2020 (có hiệu lực ngày 01/02/2021) đã giải thích về khái niệm “ca làm việc” như sau:
Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.
Cùng với đó, Điều 105 BLLĐ năm 2019 cũng nêu rõ về thời gian làm việc của người lao động như sau:
Làm việc bình thường | Thời gian tối đa | |
Theo ngày | 08 giờ/ngày | 48 giờ/tuần |
Theo tuần | 10 giờ/ngày |
Như vậy, ca làm việc bình thường đối với người làm việc theo ngày là không quá 08 giờ/ngày. Trường hợp làm việc theo tuần thì ca làm việc bình thường tối đa là 10 giờ/ngày.
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 107 BLLĐ năm 2019, nếu người lao động đồng ý làm thêm giờ khi có yêu cầu thì thời gian của ca làm việc đó có thể kéo dài. Điều 60 Nghị định 145/2020 đã hướng dẫn cụ thể về giới hạn làm thêm giờ như sau:
1. Tổng số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày làm việc bình thường;
2. Trường hợp làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày.
3. Trường hợp làm việc không trọn thời gian thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày.
4. Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày, khi làm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hàng tuần.
Như vậy, trong trường hợp làm thêm giờ thì người sử dụng lao động chỉ được yêu cầu người lao động làm việc tối đa 12 giờ/ngày (đã bao gồm cả thời gian làm việc bình thường và làm thêm giờ).
Tuy nhiên cũng cần đảm bảo thời gian làm thêm giờ không quá 40 giờ/tháng và 200 giờ/năm, trừ trường hợp làm công việc sản xuất da, giày, điện, cấp thoát nước,…
Xem thêm: 5 quy định mới về giờ làm việc của người lao động
Cách tính thời gian nghỉ giữa ca từ
So với quy định tại BLLĐ năm 2012 và các văn bản hướng dẫn, quy định về thời gian nghỉ giữa giờ theo quy định mới đã có sự thay đổi. Theo đó, thời gian nghỉ giữa ca được xác định tại Điều 109 BLLĐ năm 2019 và Điều 64 Nghị định 145 như sau:
Người lao động | Điều kiện | Thời gian nghỉ giữa ca |
Làm việc từ 06 giờ trở lên/ngày | Vào ban ngày | Ít nhất 30 phút liên tục |
Vào ban đêm hoặc có ít nhất 03 giờ làm việc ban đêm | Ít nhất 45 phút liên tục | |
Làm việc theo ca liên tục 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa ca được tính vào giờ làm việc |
Như vậy, quy định mới đã xác định cụ thể thời gian nghỉ giữa giờ đối với mọi ca làm việc, trong khi BLLĐ năm 2012 chỉ ghi nhận thời gian nghỉ giữa giờ đối với trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ.
Bên cạnh đó, điều kiện để được được tính thời gian nghỉ giữa ca vào giờ làm việc theo quy định mới cũng dễ dàng hơn.
Quy định cũ yêu cầu người lao động phải làm việc theo ca liên tục 08 giờ (điều kiện bình thường) hoặc 06 giờ (công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) thì được tính thời gian nghỉ giữa ca vào giờ làm việc. Nhưng từ năm 2021, người lao động chỉ cần làm ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì đã được hưởng quyền lợi này.
Quy định về ca làm việc và thời gian nghỉ giữa ca (Ảnh minh họa)
Tổ chức ca làm việc như thế nào cho đúng luật?
Quy định về tổ chức ca làm việc là nội dung hoàn toàn mới được ghi nhận tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Cụ thể, Điều 63 Nghị định này quy định:
Tổ chức làm việc theo ca là việc bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong thời gian 01 ngày (24 giờ liên tục).
Theo đó, khi tổ chức làm việc theo ca, người sử dụng lao động phải bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc.
Khi tiến hành làm việc theo ca, doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ giữa giờ theo thời gian theo đúng quy định, đồng thời bố trí lịch nghỉ để đảm bảo người lao động được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác theo Điều 119 BLLĐ năm 2019.
Đặc biệt, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, khoản 3 Điều 64 Nghị định 145 còn quy định, người sử dụng lao động có quyền quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc để đảm bảo người lao động được nghỉ ngơi trong quá trình làm việc.
Không đảm bảo thời gian làm việc, thời gian nghỉ, doanh nghiệp bị phạt nặng
Khi bố trí, sắp xếp ca làm việc cho người lao động, doanh nghiệp phải đảm bảo về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định. Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị phạt hành chính theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Cụ thể:
- Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định: Phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng (theo điểm a khoản 3 Điều 17).
- Phạt tiền từ 02 - 05 triệu đồng: Không đảm bảo về thời gian nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca cho người lao động (theo điểm a khoản 1 Điều 17);
- Không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định, tùy thuộc vào số người lao động bị vi phạm mà doanh nghiệp sẽ bị phạt theo các mức khác nhau tại khoản 4 Điều 17:
+ Từ 05 - 10 triệu đồng: Vi phạm 01 - 10 lao động;
+ Từ 10 - 20 triệu đồng: Vi phạm 11 - 50 lao động;
+ Từ 20 - 40 triệu đồng: Vi phạm 51 - 100 lao động;
+ Từ 40 - 60 triệu đồng: Vi phạm 101 - 300 lao động;
+ Từ 60 - 75 triệu đồng: Vi phạm 301 lao động trở lên.
Xem thêm: 7 lưu ý cho doanh nghiệp khi bố trí làm thêm giờ
Trên đây là những phân tích liên quan đến quy định về ca làm việc và thời gian nghỉ giữa ca từ năm 2021. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900 6192 để được hỗ trợ.
>> Mức lương cơ bản mới nhất? Lương cơ bản có phải là lương đóng bảo hiểm?