Việc bố trí ca làm việc hợp lý không chỉ đem lại hiệu quả về năng suất lao động mà còn góp phần đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Hiện nay, để đảm bảo tính liên tục trong sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã sắp xếp người lao động làm việc 12 giờ/ngày. Bố trí như vậy có trái luật?
Có được thỏa thuận làm việc 12 giờ/ngày trong hợp đồng lao động?
Căn cứ Điều 105 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019, thời gian làm việc của người lao động được xác định như sau:
Làm việc bình thường | Thời gian tối đa | |
Theo ngày | 08 giờ/ngày | 48 giờ/tuần |
Theo tuần | 10 giờ/ngày |
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 63 Nghị định 145/2020/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 01/02/2021), ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.
Từ những căn cứ trên, người sử dụng lao động có thể sắp xếp ca làm việc bình thường cho người lao động tối đa là 8 giờ/ngày (làm việc theo ngày) và 10 giờ/ngày (làm việc theo tuần).
Theo đó, việc thỏa thuận làm việc 12 giờ/ngày trong hợp đồng lao động sẽ vi phạm quy định về giờ làm việc. Kéo theo đó, nội dung này sẽ bị vô hiệu theo quy định tại Điều 49 BLLĐ năm 2019. Căn cứ khoản 1 Điều 9 Nghị định 145/2020, các bên buộc phải sửa đổi nội dung về thời gian làm việc cho phù hợp với quy định pháp luật.
Doanh nghiệp có được bố trí ca làm việc 12 giờ/ngày? (Ảnh minh họa)
Bố trí ca làm việc 12 giờ/ngày, doanh nghiệp có vi phạm?
Như đã phân tích, ca làm việc bình thường của người lao động chỉ diễn ra trong 8 giờ hoặc 10 giờ. Tuy nhiên, để đảm bảo quá trình sản xuất, người sử dụng lao động có thể yêu cầu người lao động làm thêm giờ. Và như vậy, thời gian của ca làm việc có thể kéo dài hơn so với thông thường.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ nếu người đó đồng ý, đồng thời phải đảm bảo số giờ làm thêm theo quy định tại Điều 60 Nghị định 145/2020:
1. Tổng số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày bình thường;
2. Trường hợp làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày.
3. Trường hợp làm việc không trọn thời gian thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày.
4. Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày, khi làm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hàng tuần.
Theo đó, tính cả thời gian làm thêm, người sử dụng lao động chỉ được yêu cầu người lao động làm việc tối đa 12 giờ/ngày. Như vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có thể bố trí ca làm việc 12 giờ/ngày nhưng phải trả thêm tiền lương làm thêm giờ cho người lao động.
Lưu ý: Theo điểm b khoản 2 Điều 107 BLLĐ năm 2019, thời gian làm thêm giờ cần đảm bảo không quá 40 giờ/tháng và 200 giờ/năm, trừ trường hợp làm được làm thêm đến 300 giờ/năm với công việc sản xuất da, giày, điện, cấp thoát nước,…
Chính vì vậy, khi bố trí ca làm việc, doanh nghiệp cần lưu ý:
- Chế độ làm việc theo ngày: chỉ được sắp xếp ca làm việc 12 giờ/ngày trong tối đa 10 ngày/tháng;
- Chế độ làm việc theo tuần: chỉ được sắp xếp ca làm việc 12 giờ/ngày trong tối đa 20 ngày/tháng.
Làm việc 12 giờ/ngày, người lao động được trả lương như thế nào?
Tại Điều 90 BLLĐ năm 2019, tiền lương do người lao động và người sử dụng lao động tự thỏa thuận nhưng không được thấp hơn lương tối thiểu.
Theo đó, người lao động làm việc theo số giờ làm việc bình thường sẽ được hưởng lương theo thỏa thuận. Nếu làm việc 12 giờ/ngày thì ngoài tiền lương làm việc bình thường, người lao động còn được hưởng lương làm thêm tương ứng với số giờ như sau:
- Làm việc theo ngày: được tính 04 giờ làm thêm/ngày;
- Làm việc theo tuần: được tính 02 giờ làm thêm/ngày;
Căn cứ khoản 1 Điều 98 BLLĐ năm 2019, người lao động làm thêm giờ sẽ được trả lương như sau:
* Làm thêm giờ ban ngày:
Tiền lương làm thêm giờ | = | Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường | x | Mức ít nhất 150% | x | Số giờ làm thêm |
Trong đó:
- Mức 150% áp dụng với làm thêm vào ngày thường;
- Mức 200% áp dụng với làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần;
- Mức 300% áp dụng với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
* Làm thêm vào ban đêm:
Ngoài việc tiền lương làm ban đêm và tiền lương làm thêm giờ ban ngày, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc đó.
Xem thêm: Cách tính lương làm thêm giờ mới nhất
Trên đây là giải đáp thắc mắc liên quan đến ca làm việc 12 giờ/ngày. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900 6192 để được hỗ trợ.