Nghị định mới: Bằng cấp không còn quyết định lương tối thiểu?

Trước nay, bằng cấp vốn là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định tiền lương của người lao động. Tuy nhiên, với quy định mới tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP, quan niệm này phải chăng đã bị thay đổi?

Có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2022, Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định về việc áp dụng lương tối thiểu vùng như sau:

1. Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 3 Nghị định này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:

a) Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;

b) Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Theo đó, mức lương tối thiểu vùng được quy định sẽ áp dụng cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

Trường hợp làm công việc đòi hỏi trình độ người lao động phải qua học nghề, đào tạo nghề, doanh nghiệp phải trả lương tối thiểu cao hơn ít nhất 7% lương tối thiểu vùng.

Quy định về việc trả lương cao hơn 7% so với lương tối thiểu vùng cho người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề đã được quy định trong hàng loạt các Nghị định trước đó về lương tối thiểu vùng, bao gồm:

Có thể thấy, việc trả lương tối thiểu cao hơn cho người lao động có bằng cấp đã được thực hiện xuyên suốt từ ngày 01/01/2008 cho đến nay

bang cap khong con quyet dinh luong toi thieu

Tuy nhiên, đến Nghị định mới về lương tối thiểu vùng là Nghị định 38/2022/NĐ-CP thì lại không có điều khoản nào ghi nhận về việc phải trả lương cao hơn lương tối thiểu vùng cho người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề (tức người có bằng nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học,…).

Thay vào đó, khoản 1 Điều 4 Nghị định 38/2022 chỉ quy định chung như sau:

1. Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Như vậy, mức lương tối thiểu vùng theo tháng theo quy định mới chỉ là mức lương thấp nhất trả lương cho người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng khi đã làm đủ thời giờ làm việc bình thường và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận.

Để giải thích rõ hơn cho việc áp dụng lương tối thiểu vùng, ngày 17/6/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Tổng Liên Đoàn lao động Việt Nam đã ban hành công văn số 2086/BLĐTBXH-TLĐLĐVN chỉ đạo triển khai Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Trong đó, điểm b mục 1.1 của Công văn 2086 đã nêu rõ:

- Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, theo đó, các nội dung đã thực hiện trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật lao động.

Như vậy, với các hợp đồng lao động đã thực hiện trước ngày 01/7/2022 mà có nội dung thỏa thuận về việc trả lương cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng thì doanh nghiệp vẫn phải tiến hành trả lương như đã cam kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Quy định này cũng có thể hiểu rằng, nếu như ký hợp đồng lao động mới sau ngày 01/7/2022 hoặc có thỏa thuận khác thì các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận mức lương đối với công việc đòi hỏi đã qua đào tạo dưới 107% mức lương tối thiểu vùng, miễn là vẫn đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP.

Như vậy, từ ngày 01/7/2022, giữa người lao động phổ thông và người lao động đã qua học nghề trong cùng một vùng có thể sẽ không còn khoảng cách về tiền lương tối thiểu. Người lao động đã qua đào tạo có thể chỉ nhận được mức lương tối thiểu chung quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng

(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ

(Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.680.000

22.500

Vùng II

4.160.000

20.000

Vùng III

3.640.000

17.500

Vùng IV

3.250.000

15.600

Tuy nhiên, về phía pháp luật về bảo hiểm xã hội, điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 (đang có hiệu lực) vẫn quy định như sau:

2.6. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

a) Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;

b) Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Như vậy, lương đóng BHXH tối thiểu của người lao động có bằng trung cấp, cao đẳng, đại học,… vẫn buộc phải cao hơn 7% so với lương tối thiểu vùng.

Mặt khác, tại điều khoản thi hành, Nghị định 38/2022 cũng chỉ quy định về việc chấm dứt hiệu lực của Nghị định 90/2019/NĐ-CP từ ngày 01/7/2022 mà không có nội dung hướng dẫn nào khác về vấn đề trả lương cho người lao động có bằng cấp.

Do đó, kể cả khi nghị định 38/2022/NĐ-CP được chính thức áp dụng thì quy định về tiền lương đóng BHXH của người lao động có bằng nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học,... tại Quyết định 595 cũng không hề mất hiệu lực.

Điều này đang gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong việc quy định tiền lương và thực hiện đóng BHXH cho cơ quan BHXH.

Chính vì vậy, ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thể khẳng định chính xác là từ ngày 01/7/2022 có “cào bằng” lương tối thiểu giữa những người lao động có bằng cấp và người lao động phổ thông khác hay không. Do đó, doanh nghiệp và người lao động vẫn cần chờ đợi thêm các văn bản hướng dẫn khác đến từ Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.

Từ giờ cho đến khi toàn bộ các quy định pháp luật được điều chỉnh rõ ràng, đồng nhất thì doanh nghiệp vẫn cần thận trọng trong việc trả lương và đóng bảo hiểm xã hội. Trong thời gian này, LuatVietnam vẫn khuyến nghị doanh nghiệp vẫn nên trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua đào tạo để đảm bảo an toàn pháp lý.

Trên đây là giải thích cho thắc mắc về việc bằng cấp không còn quyết định lương tối thiểu. Nếu vẫn còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết:
(9 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục