9 thay đổi từ 15/4/2020 ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động

Ngày 01/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 95 năm 2013 và Nghị định 88 năm 2015 trước đó. Nghị định sẽ có hiệu lực từ 15/4/2020. Đáng chú ý, có nhiều quy định ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động.

1. Phải ký hợp đồng bằng văn bản với công việc từ đủ 3 tháng trở lên

Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 28 năm 2020, người sử dụng lao động có hành vi không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên sẽ bị phạt tiền với mức:

- Từ 02 đến 05 triệu đồng với vi phạm từ 01  đến 10 lao động;

- Từ 05 đến 10 triệu đồng với vi phạm từ 11 đến 50 lao động;

- Từ 10 đến 15 triệu đồng với vi phạm từ 51 đến 100 lao động;

- Từ 15 đến 20 triệu đồng với vi phạm từ 101 đến 300 lao động;

- Từ 20 đến 25 triệu đồng với vi phạm từ 301 lao động trở lên.

Hiện nay, cùng hành vi này, người sử dụng lao động chỉ bị phạt tối đa 20 triệu đồng.

2. Người sử dụng lao động không phải thông báo trước khi hợp đồng hết hạn

Trước đây, khoản 1 Điều 7 Nghị định 95/2013/NĐ-CP nêu rõ:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không thông báo bằng văn bản cho người lao động biết trước ít nhất 15 ngày, trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn.

Tuy nhiên, Nghị định 28 đã không còn quy định này.

Do đó, người lao động nên lưu ý tới ngày hết hạn hợp đồng lao động của mình để có phương án sắp xếp công việc phù hợp.

3. Người sử dụng lao động bị phạt nặng nếu cưỡng bức, ngược đãi lao động

Khoản 3 Điều 10 Nghị định này quy định người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 75 triệu đồng nếu có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đây là nội dung chưa từng đề cập tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động trước đây.

4. Lương của người lao động không được thấp hơn lương tối thiểu vùng

Theo khoản 3 Điều 16, trong trường hợp có vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 75 triệu đồng tùy theo số người lao động bị vi phạm.

Cụ thể, phạt tiền:

- Từ 20 đến 30 triệu đồng nếu vi phạm từ 01 đến 10 lao động;

- Từ 30 đến 50 triệu đồng nếu vi phạm từ 11 đến 50 lao động;

- Từ 50 đến 75 triệu đồng nếu vi phạm từ 51 lao động trở lên.

Mức phạt này không thay đổi so với trước đây. Tuy nhiên, người lao động nên biết mức lương tối thiểu vùng đang áp dụng hiện nay. Cụ thể:

- Vùng I: Mức 4.420.000 đồng/tháng;

- Vùng II: Mức 3.920.000 đồng/tháng;

- Vùng III: Mức 3.430.000 đồng/tháng;

- Vùng IV: Mức 3.070.000 đồng/tháng.

5. Người lao động được đảm bảo nghỉ hàng tuần, nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết theo đúng quy định

Theo Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động được nghỉ:

- Nghỉ hàng tuần: Ít nhất 24 giờ liên tục trong 01 tuần;

- Nghỉ hàng năm: 12 ngày làm việc trong 01 năm nếu làm đủ 12 tháng trở lên cho 01 người sử dụng lao động;

- Và nghỉ các ngày lễ, tết như Tết Âm lịch, Dương lịch, ngày Giỗ tổ Hùng Vương, ngày Quốc khánh…

Theo khoản 2 Điều 27 Nghị định 28, nếu người sử dụng lao động vi phạm một trong những quy định này sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

So với trước đây, mức phạt này đã tăng lên rất nhiều.

Bởi theo Nghị định 95 năm 2013, trường hợp không đảm bảo ngày nghỉ cho 01 người lao động, doanh nghiệp chỉ bị phạt tiền từ 500.000 đến 01 triệu đồng.

6. Không được áp dụng nhiều hình thức kỷ luật cho 01 hành vi vi phạm kỷ luật lao động

Mặc dù nội dung này đã được đề cập tại Bộ luật Lao động năm 2012, tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, nếu doanh nghiệp vi phạm thì vẫn không có chế tài xử phạt.

Nghị định 28 năm 2020 được ban hành ngày 01/3 vừa qua đã kịp thời bổ sung cho thiếu sót này.

Theo đó, sẽ phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

7. Giúp việc gia đình được trả tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Để đảm bảo sự công bằng với mọi lao động, Nghị định 28 đã đề cập tới việc chủ nhà phải trả cho người giúp việc gia đình một khoản tiền để họ tự đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định.

Nếu không trả khoản tiền này, từ ngày 15/4/2020, chủ nhà sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng.

Người lao động là giúp việc gia đình nên nắm chắc thông tin này để đòi quyền lợi cho mình.

8. Người lao động được biết thông tin đóng bảo hiểm xã hội của mình

Trước thực trạng nhiều lao động không hề biết doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội cho mình hay không, tại Nghị định 28 này, Chính phủ đã bổ sung quy định:

Người sử dụng lao động hàng năm phải niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp.

Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 01 triệu đồng.

Trên cơ sở đó, người lao động có thể chắc chắn biết được doanh nghiệp có đóng bảo hiểm cho mình hay không và đóng với mức bao nhiêu.

9. Người lao động làm giả hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội bị phạt nặng

Một trong những điểm đáng chú ý khác liên quan đến chế độ bảo hiểm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người lao động là việc tăng mức phạt đối với người lao động làm giả hồ sơ hưởng bảo hiểm.

Nếu như trước đây, với hành vi này, người lao động chỉ bị phạt tiền từ 500.000 đến 01 triệu đồng, thì từ 15/4 tới đây, người kê khai không đúng sự thật, hoặc làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng.

Trên đây là tổng hợp của LuatVietnam liên quan đến một số điểm mới về mức xử phạt hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm từ 15/4/2020 tới đây. Người lao động và người sử dụng lao động cần nắm rõ để thực hiện đúng.

Thùy Linh

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục