4 điều cần biết về công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp

Ai cũng biết, công đoàn cơ sở là tổ chức gần gũi nhất, tham gia đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế, không phải ai cũng hiểu rõ về tổ chức này.

Có bắt buộc doanh nghiệp thành lập công đoàn?

Theo Điều 7 Luật Công đoàn 2012, hệ thống tổ chức công đoàn hiện nay gồm có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp. Trong đó, công đoàn cơ sở là cấp được tổ chức trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có sử dụng lao động.

Ngoài ra, Điều 6 Luật này nêu rõ, công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Chính vì vậy, việc doanh nghiệp có thành lập công đoàn hay không hoàn toàn xuất phát từ sự tự nguyện của tập thể lao động mà không phải là nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Thực tế, trong mỗi doanh nghiệp, việc có một tổ chức đại diện cho tập thể lao động thực sự là cần thiết, bởi không phải lúc nào cũng có thể lấy được ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân công.

Đồng thời, tổ chức này sẽ thay mặt cho người lao động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng trước người sử dụng lao động.

Những điều cần biết về công đoàn cơ sở

Những điều cần biết về công đoàn cơ sở (Ảnh minh họa)

Điều kiện thành lập công đoàn cơ sở

Theo Hướng dẫn 238/HD-TLĐ, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có sử dụng lao động được thành lập công đoàn cơ sở khi có đủ 02 điều kiện:

- Có ít nhất 05 đoàn viên công đoàn hoặc 05 người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam;

- Có tư cách pháp nhân.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị được thành lập công đoàn cơ sở ghép khi:

- Các cơ quan, đơn vị có đủ tư cách pháp nhân nhưng có dưới 20 đoàn viên hoặc dưới 20 người lao động tự nguyện gia nhập công đoàn;

- Các cơ quan, đơn vị có trên 20 đoàn viên hoặc trên 20 người lao động tự nguyện gia nhập công đoàn nhưng không có tư cách pháp nhân hoặc, tư cách pháp nhân không đầy đủ.

- Các doanh nghiệp có đủ điều kiện về đoàn viên, tư cách pháp nhân nhưng có chung chủ sở hữu hoặc cùng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động trên địa bàn nếu tự nguyện liên kết thì thành lập công đoàn cơ sở có tổ chức công đoàn cơ sở thành viên.

Xem chi tiết thủ tục thành lập công đoàn tại đây.

Mức đóng đoàn phí, kinh phí công đoàn

* Đối với doanh nghiệp

Dù không bắt buộc thành lập công đoàn nhưng hàng tháng, doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn cùng thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.

Cụ thể theo Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp phải đóng với mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động.

Nếu doanh nghiệp chậm đóng, đóng không đúng mức, không đủ số người thuộc diện phải đóng thì doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền với mức từ 12% - 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản và tối đa không quá 75 triệu đồng.

* Đối với người lao động là đoàn viên

Một trong những nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu của đoàn viên công đoàn là đóng đoàn phí. Theo đó, hàng tháng, đoàn viên đóng đoàn phí bằng 1% tiền lương và tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở (hiện tại, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng).

Lưu ý, theo Hướng dẫn 238/HD-TLĐ, đoàn viên không đóng đoàn phí liên tục 06 tháng mà không có lý do chính đáng sẽ bị kỷ luật.

Xem chi tiết: Mức đóng kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn năm 2019

Gia nhập công đoàn

Người lao động nên gia nhập công đoàn (Ảnh minh họa)

Quyền lợi của người lao động khi gia nhập công đoàn

Dù quan hệ lao động được xây dựng trên nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, tuy nhiên, thực tế, người lao động vẫn được coi là bên yếu thế trong mối quan hệ này.

Do đó, được đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng là quyền lợi thiết thực của người lao động khi gia nhập công đoàn.

Xem thêm: Mẫu Đơn xin gia nhập công đoàn 2019 mới nhất

Quyền của đoàn viên công đoàn được quy định chi tiết tại Điều 18 Luật Công đoàn 2012 và Nghị định 43/2013/NĐ-CP. Theo đó, đoàn viên công đoàn sẽ được:

- Yêu cầu công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm;

- Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của công đoàn; được thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công đoàn, người lao động; quy định của công đoàn;

- Ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn; chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm;

- Được công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn;

- Được công đoàn hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn;

- Tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch do công đoàn tổ chức;

- Đề xuất với công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.

Trên đây là 04 điều về công đoàn cơ sở mà mọi người lao động đều cần biết cũng như doanh nghiệp nên biết để duy trì môi trường lao động hài hòa, lợi ích và tiến bộ.

>> Luật Công đoàn: Người lao động cần biết những thông tin gì?

Thùy Linh

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR [Cập nhật mới nhất]

Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR [Cập nhật mới nhất]

Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR [Cập nhật mới nhất]

Quản trị nhân sự (HR) là lĩnh vực đòi hỏi người phụ trách phải liên tục cập nhật các quy định pháp luật nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp. Cùng LuatVietnam cập nhật Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR mới nhất (tính tới ngày 11/12/2024) tại bài viết dưới đây.