Trang /
Tiêu chuẩn TCVN 9247:2012 Yêu cầu đối với dịch vụ viễn thông hỗ trợ người khuyết tật, người cao tuổi
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Lưu
Theo dõi văn bản
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Báo lỗi
Đang tải dữ liệu...
Đang tải dữ liệu...
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9247:2012
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9247:2012 Sản phẩm và dịch vụ viễn thông hỗ trợ người khuyết tật và người cao tuổi-Các yêu cầu cơ bản
Số hiệu: | TCVN 9247:2012 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | Khoa học-Công nghệ, Thông tin-Truyền thông |
Năm ban hành: | 2012 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 9247:2012
SẢN PHẨM VÀ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG HỖ TRỢ NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ NGƯỜI CAO TUỔI – CÁC YÊU CẦU CƠ BẢN
Telecommunications products and services for people with disabilities and old people - General requirements
Lời nói đầu
TCVN 9247 : 2012 được xây dựng trên cơ sở Khuyến nghị F.790 (01-2007) của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).
TCVN 9247 : 2012 do Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
SẢN PHẨM VÀ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG HỖ TRỢ NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ NGƯỜI CAO TUỔI – CÁC YÊU CẦU CƠ BẢN
Telecommunications products and services for people with disabilities and old people - General requirements
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này bao gồm các hướng dẫn chung cho việc chuẩn hóa, lập kế hoạch, phát triển, thiết kế và phân phối tất cả các loại thiết bị, phần mềm viễn thông và các dịch vụ viễn thông liên quan (sau đây gọi chung là sản phẩm và dịch vụ viễn thông) để đảm bảo khả năng tiếp cận tốt nhất có thể cho tất cả mọi người đặc biệt là người khuyết tật và người cao tuổi.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau đây là cần thiết để áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
ISO/IEC Guide 71:2001, Guidelines for standards developers to address the needs of older persons and persons with disabilities (Các hướng dẫn dành cho người phát triển tiêu chuẩn tính đến các nhu cầu của người khuyết tật và người cao tuổi).
ISO 13407:1999, Human-centred design processes for interactive systems (Quy trình thiết kế các hệ thống tương tác lấy con người làm trung tâm)
3. Thuật ngữ và định nghĩa
3.1. Người sử dụng (user)
Người, nhóm người và tổ chức sử dụng hoặc tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ viễn thông.
3.2. Khuyết tật (disability)
Trong tiêu chuẩn này, “Khuyết tật” được định nghĩa là trạng thái người sử dụng bị hạn chế khi sử dụng thiết bị và dịch vụ viễn thông.
3.3. Thiết bị viễn thông (telecommunications equipment)
Bất kỳ máy tính, thiết bị, dây chuyền hoặc bất kỳ hình thức khác của thiết bị được sử dụng để thực hiện các hoạt động viễn thông.
3.4. Dịch vụ viễn thông (telecommunications services)
Dịch vụ cung cấp cho người thông qua việc sử dụng thiết bị viễn thông.
3.5. Dịch vụ viễn thông tương tác (interactive telecommunications services)
Dịch vụ cho phép trao đổi thông tin hai chiều giữa nhiều người sử dụng tại nhiều địa điểm thông qua thiết bị viễn thông như tổng đài và máy chủ mạng (ví dụ: điện thoại, fax, điện thoại thấy hình, e-mail và tin nhắn dịch vụ).
3.6. Dịch vụ viễn thông nền tảng (telecommunications platform services)
Dịch vụ hỗ trợ quản lý thiết bị viễn thông và người sử dụng, xác thực người dùng, quản lý nội dung, tính cước và thanh toán, cũng như cung cấp thông tin về dịch vụ thông qua thiết bị viễn thông.
3.7. Khả năng tiếp cận viễn thông (telecommunications accessibility)
Khả năng sử dụng các sản phẩm dịch vụ viễn thông của người dùng.
3.8. Công nghệ trợ giúp (assistive technology)
Các công nghệ hỗ trợ người khuyết tật và người cao tuổi nâng cao khả năng tiếp cận viễn thông.
4. Nguyên tắc chung
Để đảm bảo và cải thiện khả năng tiếp cận viễn thông, việc phát triển thiết bị và dịch vụ viễn thông được thực hiện theo nguyên tắc chung sau đây:
a) Khi lập kế hoạch, phát triển, thiết kế, phân phối các thiết bị và dịch vụ viễn thông, cần cân nhắc sao cho người khuyết tật và người cao tuổi có thể sử dụng thiết bị và dịch vụ càng nhiều càng tốt.
b) Nếu cấu hình tiêu chuẩn của thiết bị và dịch vụ viễn thông không thể cung cấp khả năng tiếp cận đầy đủ, thì cần cung cấp khả năng tiếp cận bằng cách sử dụng sản phẩm hoặc công nghệ hỗ trợ từ nhà sản xuất khác, để đảm bảo cung cấp dịch vụ tương đương hoặc gần giống với dịch vụ cần cung cấp ban đầu.
c) Cần đảm bảo an toàn cho những người sử dụng thiết bị và dịch vụ viễn thông.
d) Các chức năng liên quan đến khả năng tiếp cận viễn thông cần đảm bảo an toàn đối với người dùng.
e) Thiết bị viễn thông và dịch vụ nên dễ sử dụng và không cần đòi hỏi trình độ và khả năng nhận thức cao.
Thiết bị và dịch vụ viễn thông cũng cần dễ sử dụng ngay cả khi có sự khác biệt về văn hóa hoặc ngôn ngữ hay khi người dùng sử dụng chúng lần đầu tiên.
5. Yêu cầu đối với lập kế hoạch, phát triển và thiết kế
Để đảm bảo và cải thiện khả năng tiếp cận viễn thông, các nhà sản xuất và cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông cần tuân thủ các yêu cầu của tiêu chuẩn này khi lập kế hoạch, phát triển và thiết kế tất cả các thiết bị và dịch vụ viễn thông
Các thiết kế mới của các thiết bị nên sử dụng các tiêu chuẩn hiện có, để đảm bảo có thể tương thích với các thiết bị hiện tại. Ngoài ra cần xem xét để cho thiết bị có thể tương thích với các tiêu chuẩn sắp được ban hành.
5.1. Các chính sách cơ bản
Để đảm bảo và cải thiện khả năng tiếp cận viễn thông, các nhà phát triển cần đảm bảo phương pháp thiết kế lấy con người làm trung tâm. Phương pháp thiết kế lấy con người làm trung tâm có các đặc điểm sau:
a) Cần hiểu rõ người sử dụng cũng như các nhiệm vụ cần đáp ứng;
b) Đảm bảo có giao diện thân thiện cho người khuyết tật và người cao tuổi;
c) Đảm bảo tính lặp lại của giải pháp thiết kế và đánh giá;
d) Thiết kế chặt chẽ.
5.2. Các hoạt động liên quan đến quá trình phát triển
Cho đến khi thiết kế đáp ứng yêu cầu, các nhà phát triển nên lặp quá trình phát triển, bao gồm bốn giai đoạn thiết kế lấy con người làm trung tâm (xem Hình 1):
a) Hiểu biết và xác định rõ các đặc điểm kỹ thuật của ngữ cảnh sử dụng;
b) Xác định rõ đặc điểm kỹ thuật của người sử dụng và các yêu cầu tổ chức;
c) Xây dựng các giải pháp thiết kế;
d) Thẩm định thiết kế
5.2.1. Hiểu biết và xác định rõ các đặc điểm kỹ thuật của ngữ cảnh sử dụng
Các hoạt động sau đây được thực hiện để hiểu và xác định được ngữ cảnh sử dụng:
- Nắm rõ đặc điểm chức năng thể chất và nhận thức của người sử dụng;
- Nắm rõ kiến thức, kinh nghiệm và yêu cầu của người sử dụng liên quan đến việc sử dụng các thiết bị viễn thông;
- Hiểu rõ về môi trường xung quanh người sử dụng khi họ sử dụng thiết bị viễn thông vì môi trường xung quanh thường có ảnh hưởng đến người khuyết tật và người cao tuổi.
Hình 1 – Các hoạt động thiết kế lấy con người làm trung tâm đáp ứng khả năng truy cập viễn thông (Dựa trên tiêu chuẩn ISO 13.407)
5.2.2. Đặc điểm kỹ thuật của người sử dụng và các yêu cầu tổ chức
Các hoạt động sau đây được thực hiện để xác định người sử dụng và yêu cầu tổ chức:
- Xác định phạm vi của những người dùng là người khuyết tật và người cao tuổi;
- Xác định các yêu cầu phù hợp với người dùng;
- Xác định các ưu tiên mà người sử dụng yêu cầu;
- Nắm rõ các yêu cầu của pháp luật, tiêu chuẩn…
5.2.3. Các giải pháp thiết kế
Các hoạt động sau đây được thực hiện để đưa ra các giải pháp thiết kế:
- Xây dựng giải pháp thiết kế theo sát những đặc điểm chung của người già và người khuyết tật để tạo ra những sản phẩm phù hợp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng;
- Sử dụng kiến thức hiện có về nghiên cứu lao động, kỹ thuật nhận thức, khuyến nghị này;
- Phát triển các giải pháp thử nghiệm bằng cách sử dụng mô phỏng, mô hình, giả-lập…
- Nghiên cứu toàn diện đối với người khuyết tật và người cao tuổi bên cạnh các nghiên cứu khác mà chủ yếu tập trung cho lứa tuổi trẻ hơn.
5.2.4. Thẩm định thiết kế
Các hoạt động sau đây được thực hiện để thẩm định thiết kế:
- Người sử dụng tham gia đánh giá mẫu thử nghiệm;
- Có các hoạt động cải tiến, sửa chữa thích hợp dựa trên kết quả đánh giá và lặp lại cho đến khi thiết kế đáp ứng đúng yêu cầu người sử dụng.
6. Các yêu cầu chung đối với hoạt động và sử dụng các thiết bị và dịch vụ viễn thông
Điều khoản này cho thấy những gì người dùng như người khuyết tật và người cao tuổi cần, để có thể tiếp cận thiết bị và dịch vụ viễn thông.
6.1. Hoạt động
6.1.1. Hoạt động của các chức năng
Các chức năng cần hoạt động tốt và không gây bất kỳ khó khăn gì cho người sử dụng.
6.1.2. Đơn giản quá trình hoạt động
Thiết bị viễn thông và dịch vụ cần đảm bảo không cần yêu cầu cao về trình độ và nhận thức của người sử dụng và việc vận hành thiết bị và sử dụng dịch vụ cần đơn giản nhất có thể.
6.1.3. Nhận biết
Các trạng thái dưới đây cần được nhận biết qua nhiều giác quan (thị giác, thính giác và xúc giác):
- Thiết bị ở chế độ sẵn sàng;
- Đường dây đang ở trạng thái sử dụng được;
- Kết quả của một hoạt động;
- Các thao tác chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành;
- Thiết bị không sử dụng được và thông báo lỗi.
6.1.4. Hạn chế thời gian
Nếu một thao tác yêu cầu người dùng cần đáp ứng trong một khoảng thời gian nhất định, thì người dùng phải có khả năng điều chỉnh thời gian nếu có thể. Bên cạnh đó người sử dụng cần nhận được thông báo về các hạn chế thời gian.
6.1.5. Hạn chế lỗi
Nhà phát triển cần cân nhắc làm thế nào để đảm bảo người dùng không mắc những sai sót khi điều khiển hoạt động.
6.1.6. Hủy bỏ lỗi
Người sử dụng có thể hủy bỏ các hoạt động sai lầm và quay trở lại các thiết lập trước đó hoặc các thiết lập trạng thái xa nhất có thể.
6.1.7. Trở về trạng thái ban đầu
Người sử dụng có thể trở lại trạng thái ban đầu trong bất kỳ quá trình nào.
6.1.8. Reset lỗi
Thiết bị được thiết kế để có thể reset để trở về một trạng thái nào đó. Ở trạng thái này thiết bị cần có khả năng hoạt động tốt và tối thiểu ở chế độ cơ bản. Việc reset lỗi cần đơn giản nhưng cần có cơ chế bảo vệ để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc.
6.1.9. Điều chỉnh đầu ra
Người khuyết tập và người cao tuổi có thể điều chỉnh mức độ và tính chất của kết quả đầu ra sau: âm thanh, độ sáng và độ nhấp nháy, độ rung, kích cỡ vật hiển thị (biểu tượng, biểu trưng, cỡ chữ và số…). Thiết bị điều chỉnh phải được thiết kế đơn giản và dễ sử dụng.
6.1.10. Thông báo lỗi
Thông báo lỗi và hậu quả do lỗi gây nên cần phải rõ ràng.
6.2. Lắp đặt, kết nối và cấu hình
a) Việc đóng gói cần được thiết kế sao cho dễ mở và không làm hư hỏng sản phẩm bên trong.
b) Quá trình cài đặt sản phẩm cần đơn giản và không cần sự trợ giúp.
c) Sản phẩm phải có cấu trúc đơn giản và các đầu nối, cáp tín hiệu, dây nguồn dễ dàng cho người dùng khi lắp đặt. Các đầu nối cần có sự nhận biết dễ dàng và không thể lắp lẫn.
d) Các đầu nối cần đảm bảo an toàn tuy nhiên vẫn phải dễ tháo lắp.
e) Sản phẩm được thiết kế để đảm bảo không bị rung lắc, trôi khỏi vị trí trong quá trình hoạt động.
f) Việc lắp đặt pin và các thiết bị phụ trợ khác cần dễ dàng và đơn giản.
g) Các thủ tục để lưu trữ thông tin như thời gian, tên và số điện thoại trên sản phẩm nếu có cần đơn giản để người dùng có thể cài đặt mà không cần trợ giúp.
6.3. An toàn về vật lý
6.3.1. An toàn
Trong quá trình hoạt động sản phẩm được thiết kế để không gây ra thương tích hoặc gây tổn hại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng.
6.3.2. Nhiễu điện từ
Mức độ nhiễu sóng điện từ (EMI) tạo ra bởi các thiết bị viễn thông, chẳng hạn như sóng phát thanh và nhiễu điện từ cần được giới hạn trong phạm vi cho phép theo các chuẩn quốc tế.
6.3.3. Động kinh cảm quang
Các đèn chiếu sáng nhấp nháy hoặc màn hình nhấp nháy cần được thiết kế cẩn thận để tránh khả năng gây động kinh cảm quang.
6.3.4. Dị ứng
Việc sử dụng các vật liệu có khả năng gây ra dị ứng cần tránh nếu như vật liệu được sử dụng cho thiết bị tiếp xúc với da của người sử dụng. Nếu có bất kỳ lưu ý nào thì thông tin về các vật liệu sử dụng phải được công bố.
6.3.5. Sốc âm thanh
Mức tín hiệu âm thanh không nên để lớn có thể gây nguy hiểm hay khó chịu cho người sử dụng trang thiết bị. Tuy nhiên, cần chú ý người điếc chỉ nghe được mức âm thanh rất lớn.
6.4. An toàn thông tin
6.4.1. Bảo vệ thông tin cá nhân
Các thông tin cá nhân hoặc các thông tin cần bí mật phải được bảo mật trong quá trình sử dụng thiết bị và dịch vụ viễn thông. Bên thứ ba (các nhà khai thác, sản xuất…) biết được các thông tin này trong quá trình khai thác thiết bị và dịch vụ phải có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin này.
6.4.2. Phương pháp thay thế nhận dạng người sử dụng
Khi công nghệ sinh trắc học được sử dụng để xác định người dùng hoặc cho phép sử dụng điều khiển hoạt động, các thiết bị cần cung cấp các chế độ tùy chọn thay thế để nhận biết mà nó không phụ thuộc vào thể chất của người sử dụng.
6.5. Quyền sử dụng nội dung
Dữ liệu được bảo hộ bản quyền hoặc được bảo hộ bởi các lý do khác có thể được chuyển đổi sang phương tiện truyền thông khác, nếu pháp luật cho phép để người khuyết tật và người cao tuổi có thể sử dụng các dữ liệu này.
7. Yêu cầu đối với thiết bị đầu cuối
Điều khoản này đưa ra các yêu cầu đối với các thiết bị đầu cuối, chủ yếu liên quan đến các đặc tính hình ảnh hay âm thanh của thiết bị đầu cuối như cách bố trí các bộ phận, hình dạng của nút bấm và âm thanh báo hiệu.
7.1. Yêu cầu giao diện đầu vào/đầu ra
7.1.1. Giao diện của bảng điều khiển
a) Thiết kế màn hình hiển thị và cách bố trí các phím trên cơ sở tư duy của người sử dụng về các quy trình hoạt động và điều khiển.
b) Tránh sử dụng thông tin hiển thị vượt quá chiều dài màn hình và thông tin quá chi tiết.
c) Tránh hiển thị quá dầy và bố trí phím quá sít nhau.
d) Sắp xếp các phím hoạt động trong các nhóm chức năng theo hình dạng, vị trí, màu sắc hoặc các thuộc tính khác để có thể dễ dàng nhận biết bởi những người có xúc giác hoặc thị giác suy giảm.
7.1.2 Các phím, nút bấm và công tắc
a) Các phím, nút bấm và công tắc được thiết kế để nhận biết bằng cả thị giác và xúc giác.
b) Các phím, nút bấm và công tắc được thiết kế với một kích thước và hình dạng thích hợp để dễ dàng sử dụng.
c) Các phím, nút bấm và công tắc cần được dễ dàng nhận biết cả bằng thị giác và xúc giác khi rất nhiều nút và phím có hình dạng hoặc chức năng tương tự.
d) Khi bị ấn xuống, các phím, nút bấm và công tắc phải cung cấp không chỉ đáp ứng xúc giác mà còn cả đáp ứng hình ảnh và âm thanh.
e) Việc xác nhận bằng thị giác và thính giác của đầu vào phải được cung cấp.
f) Thời gian trễ bấm phím cần điều chỉnh được.
g) Các vị trí, kích thước và hình dạng của các phím và các nút phải được thiết kế để ngăn chặn việc ấn nhầm vào các phím lân cận.
h) Đối với người dùng cần nhiều thời gian để vận hành các thiết bị, cần cung cấp một tổ hợp phím để truy nhập thiết bị.
i) Các phím, nút bấm và công tắc phải hỗ trợ việc điều khiển bằng tay giả hoặc cần điều khiển chuột.
k) Các phím và nút ấn cảm biến cần thân thiện với người dùng chỉ cần chạm tay là có tác dụng và hoạt động không cần nhìn trực tiếp càng nhiều càng tốt.
7.1.3. Hiển thị
a) Văn bản được hiển thị càng dễ đọc càng tốt.
b) Nội dung hiển thị bằng các màu độc lập.
c) Bề mặt phản xạ của màn hình không được tạo ra bất kỳ khó khăn trong việc nhìn thấy màn hình càng xa càng tốt.
d) Độ sáng và độ tương phản có thể điều chỉnh cho thích hợp.
e) Kích thước, kiểu chữ, khoảng cách giữa các ký tự, khoảng cách dòng và màu sắc của văn bản cần được điều chỉnh cho dễ sử dụng.
f) Thông tin hiển thị phải được hiểu bằng những cách cảm giác khác.
g) Vị trí chuẩn (hoặc vị trí bắt đầu) cần được kiểm chứng được bằng cả thị giác và thính giác.
7.1.4. Nhạc chuông
a) Âm lượng và tần số của nhạc chuông cần được thiết kế sao cho giai điệu dễ nghe nhất có thể, tùy thuộc vào các đặc tính âm thanh của tai người sử dụng.
b) Âm lượng chuông có thể được điều chỉnh và tắt được. Ngoài ra, mức âm lượng cần được hiển thị.
c) Có thể chọn âm, mẫu nhạc và giai điệu cho nhạc chuông.
d) Thông tin về âm chuông không chỉ nhận biết bằng thính giác mà còn có thể nhận biết bằng các giác quan khác.
7.1.5. Âm cảnh báo và hệ thống hướng dẫn bằng giọng nói.
a) Âm cảnh báo được thiết kế sao cho giai điệu dễ nghe nhất có thể, tùy thuộc vào các đặc tính âm thanh của tai người sử dụng.
b) Hệ thống hướng dẫn bằng giọng nói phải sử dụng ngôn ngữ phát âm đơn giản, rõ ràng và dùng các thủ tục hợp lý dựa trên các quá trình suy nghĩ của người sử dụng.
c) Âm lượng của hệ thống hướng dẫn bằng giọng nói có thể điều chỉnh và tắt được. Ngoài ra, mức âm lượng cần được hiển thị.
d) Tần số cơ bản và âm thanh có thể điều chỉnh được.
e) Tốc độ nói có thể điều chỉnh được.
f) Thông tin được cung cấp bởi hệ thống hướng dẫn bằng giọng nói có thể được lặp lại nếu cần thiết.
g) Thông tin về âm cảnh báo không chỉ nhận biết bằng thính giác mà còn có thể nhận biết bằng các giác quan khác.
h) Thông tin được cung cấp bằng giọng nói cũng có thể hiển thị trên màn hình.
7.1.6. Hệ thống tiếng nói đầu vào/ đầu ra
a) Âm thanh nhận được cần dễ nghe nhất, tùy thuộc vào đặc điểm thính giác của người sử dụng.
b) Âm lượng thu được có thể điều chỉnh trong khi gọi.
c) Nếu thiết bị được nhiều người sử dụng thì âm lượng thu được phải trở về mức bình thường khi kết thúc cuộc gọi.
d) nếu âm thanh nhận được có thể khuếch đại nên tránh rò rỉ âm thanh.
e) Các thông số liên quan đến âm thanh nhận được có thể điều chỉnh được và phụ thuộc vào đặc điểm thính giác của người sử dụng.
f) Thiết bị cần tương thích với các thiết bị trợ thính được trang bị cuộn cảm ứng.
g) Thiết bị cần tương thích với đầu vào bên ngoài của thiết bị trợ thính và ốc tai điện tử.
h) Thiết bị không gây tiếng ồn cho các thiết bị trợ giúp chẳng hạn như các máy trợ thính.
i) Các cuộc gọi có thể được thực hiện mà không cần nhấc ống nghe lên.
7.2. Hình dạng và cấu trúc
a) Đầu thu hoặc toàn bộ thiết bị (nếu thiết bị phải cầm trong khi hoạt động) cần có hình dạng và cấu trúc thích hợp, được làm từ vật liệu phù hợp và có trọng lượng vừa phải để dễ cầm.
b) Thiết bị đặt tại chỗ cần phải có hình dạng và cấu trúc thích hợp được làm từ vật liệu phù hợp.
c) Thiết bị có thể được điều khiển bằng một trong hai tay.
d) Vị trí và bề ngoài của bảng điều hoạt động cần dễ nhận biết bằng cả thị giác và xúc giác.
e) Thủ tục mở/đóng các bộ phận chuyển động cần dễ dàng và người dùng có thể nhận biết tình trạng của các bộ phận chuyển động (mở hoặc đóng) bằng cả thị giác và xúc giác.
f) Các bộ phận chuyển động có thể được di chuyển mà không cần lực quá mạnh nhưng không được di chuyển quá dễ dàng.
7.3. Cổng kết nối với bên ngoài
a) Cổng kết nối với bên ngoài cần được bố trí ở vị trí thuận tiện.
b) Khi có một số cổng kết nối bên ngoài, thì các cổng đó cần dễ phân biệt được với nhau.
c) Cổng kết nối bên ngoài cần được thiết kế để có thể cắm jăck kết nối chính xác và chắc chắn.
7.4. Thuật ngữ, biểu tượng và biểu tượng đồ họa
7.4.1. Quy định chung về sử dụng từ ngữ và ký hiệu
Các thuật ngữ chuyên ngành, từ ngoài nước và từ viết tắt không được sử dụng thường xuyên. Thay vào đó, cần sử dụng các thuật ngữ và ký hiệu dễ hiểu.
7.4.2. Thông tin in và nhãn hiệu
a) Thông tin bao gồm văn bản và biểu tượng cần dễ đọc ở khoảng cách bình thường dưới điều kiện ánh sáng bình thường. Không chỉ khoảng cách đọc và điều kiện ánh sáng mà sự lựa chọn phông chữ, có hoặc không có chân, ở dạng thẳng đứng hoặc nghiêng và độ đậm nhạt của font chữ có một tác động đáng kể đến mức độ dễ đọc. Cần lưu ý văn bản viết bằng chữ hoa sẽ khó đọc hơn. Điều này rất quan trọng với những người có thị giác suy giảm. Cần cân nhắc để xác định kích thước và kiểu phông chữ và biểu tượng cảnh báo.
b) Nội dung thông tin đươc in bằng các màu độc lập.
c) Màn hình hiển thị cần bố trí gần các phím và nút có liên quan.
d) Thông tin in và nhãn hiệu cần có độ dài thích hợp, dễ hiểu và bền.
7.4.3. Các biểu tượng và biểu tượng đồ họa
Các biểu tượng và biểu tượng đồ họa được dễ hiểu và nhất quán.
7.5. Thay thế
a) Các sản phẩm cần được tương thích với các công nghệ trợ giúp cho người khuyết tật và người cao tuổi.
b) Ngay cả khi người sử dụng công nghệ trợ giúp, bất kỳ chức năng chính (bao gồm cả nút bấm, phím và công tắc nguồn) vẫn cần có hiệu lực.
7.6. Tiêu chuẩn đặc tính kỹ thuật giao diện
a) Thông số kỹ thuật của giao diện vào - ra cho các kết nối với các thiết bị ngoại vi chẳng hạn như các thiết bị hỗ trợ cần phải là các chuẩn mở.
b) Giao diện đầu vào - đầu ra cho các kết nối bên ngoài cần tuân theo thông số kỹ thuật của các giao diện được sử dụng rộng rãi trong sản xuất, trừ trường hợp cải tiến sử dụng giao diện kết nối khác với các thiết bị vào - ra bên ngoài.
8. Yêu cầu đối với dịch vụ viễn thông
Phần này quy định các yêu cầu cho các dịch vụ viễn thông như các dịch vụ viễn thông tương tác và các dịch vụ viễn thông nền tảng.
8.1. Dịch vụ viễn thông tương tác
8.1.1. Truyền dẫn thời gian thực
Nếu khả thi về mặt kỹ thuật, các chức năng văn bản, hình ảnh và video thời gian thực cần tuân theo các yêu cầu sau:
- Truyền dữ liệu song công (full duplex);
- Không có trễ hoặc trễ rất nhỏ không ảnh hưởng đến liên lạc;
- Không mất thông tin hoặc mất rất ít thông tin không ảnh hưởng đến liên lạc.
8.1.2. Đa phương tiện
Các dịch vụ viễn thông đa phương tiện (chẳng hạn như tổ hợp văn bản, giọng nói và video) cần được hỗ trợ.
8.1.3. Khả năng tương thích
Liên lạc văn bản, âm thanh và video thời gian thực cần được hỗ trợ bởi các nhà khai thác và các thiết bị khác nhau.
8.1.4. Dịch vụ chuyển đổi
Dịch vụ chuyển đổi (như tiếng nói thành văn bản và văn bản thành tiếng nói) cần được cung cấp.
8.2. Dịch vụ viễn thông nền tảng
8.2.1. Thay thế phương tiện truyền thông
Trong trường hợp, một số loại thông tin không thể chuyển đổi bởi thiết bị đầu cuối thì các nhà cung cấp thông tin cần đảm bảo có thể cung cấp dịch vụ thông tin qua phương tiện truyền thông thay thế.
8.2.2. Dịch vụ chuyển đổi
Dịch vụ chuyển đổi (như tiếng nói thành văn bản và văn bản thành tiếng nói) cần được cung cấp, nếu khả thi về mặt kỹ thuật.
8.2.3. Thay thế nội dung thông tin đa phương tiện
Trường hợp nội dung đa phương tiện được hỗ trợ, cần đảm bảo cho phép các nhà cung cấp thông tin cung cấp văn bản hoặc lựa chọn thay thế khác không phải dưới dạng văn bản để cung cấp nếu khả thi về mặt kỹ thuật.
8.2.4. Nhận dạng thiết bị
Nếu mạng có khả năng nhận biết các đặc tính của thiết bị đầu cuối, cần đảm bảo cho phép các nhà cung cấp thông tin cung cấp nội dung phù hợp với đặc điểm của thiết bị.
8.3. Các cuộc gọi khẩn cấp
Có thể sử dụng nhiều cách để cung cấp các cuộc gọi khẩn cấp và xác nhận tính an toàn cá nhân.
8.4. Đặc tính kỹ thuật của dịch vụ viễn thông
Nếu có thể, các tiêu chuẩn quốc tế cần được sử dụng trong việc lập kế hoạch, phát triển và thiết kế các dịch vụ viễn thông nhằm trợ giúp cho người khuyết tật và người cao tuổi. Nếu các đặc tính không chuẩn hóa cần sử dụng thì nên để mở nếu có thể.
9. Yêu cầu hỗ trợ người tiêu dùng
Phần này đưa ra các yêu cầu hỗ trợ người dùng để đảm bảo và cải thiện khả năng tiếp cận viễn thông.
9.1. Hướng dẫn sử dụng
Hướng dẫn sử dụng sản phẩm được cung cấp trên các hình thức truyền thông mà người khuyết tật và người cao tuổi có thể tiếp cận.
9.2. Công bố thông tin về khả năng tiếp cận viễn thông
9.2.1. Phạm vi công bố thông tin
Thông tin về khả năng tiếp cận viễn thông cho các sản phẩm nếu có thể nên công bố rộng rãi.
9.2.2. Phương pháp
Thông tin về khả năng tiếp cận viễn thông cần được cung cấp dưới các dạng mà sao cho nhiều người có thể tiếp cận nhất có thể (bao gồm cả người khuyết tật và người cao tuổi).
9.3. Hướng dẫn
9.3.1. Hỗ trợ cho các nhà cung cấp
Thông tin về khả năng tiếp cận viễn thông của một sản phẩm cần được cung cấp cho các nhà bán lẻ, các nhà cung cấp dịch vụ thông tin và nhà cung cấp hỗ trợ càng nhiều càng tốt.
9.3.2. Hỗ trợ cho người sử dụng
Các chỉ dẫn, hướng dẫn cho người sử dụng cần được cung cấp trong các định dạng dễ tiếp cận.
9.4. Trung tâm Hỗ trợ khách hàng
a) Trung tâm hỗ trợ khách hàng có thể cung cấp thông tin theo các định dạng khác nhau phù hợp với các nhu cầu của người dùng. Trung tâm cần đảm bảo có thể giao tiếp với người khuyết tật.
b) Để kiểm tra xem sản phẩm có thể sử dụng tốt không, khách hàng có thể sử dụng thử trước.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] ETSI EG 202 048 V1.1.1 (2002-08): Human Factors (HF); Guidelines on the multimodality of icons, symbols and pictograms
[2] ETSI EG 202 116 V1.2.1 (2002-09): Human Factors (HF); Guidelines for ICT products and services; “Desgin for All”
[3] ETSI TR 101 806 V1.1.1 (2000-06): Human Factors (HF); Guidelines for Telecommunication Relay Services for Text Telephones
[4] ITU-T Recommendation F.790 (01-2007) “Telecommunications accessibility guidelines for older persons and persons with disabilities”
MỤC LỤC
1. Phạm vi áp dụng
2. Tài liệu viện dẫn
3. Thuật ngữ và định nghĩa
4. Nguyên tắc chung
5. Yêu cầu đối với lập kế hoạch, phát triển và thiết kế
5.1. Các chính sách cơ bản
5.2. Các hoạt động liên quan đến quá trình phát triển
6. Các yêu cầu chung đối với hoạt động và sử dụng các thiết bị dịch vụ viễn thông
6.1. Hoạt động
6.2. Cài đặt, kết nối và cấu hình
6.3. An toàn về vật lý
6.4. An toàn thông tin
6.5. Quyền sử dụng nội dung
7. Yêu cầu đối với thiết bị đầu cuối
7.1. Yêu cầu giao diện đầu vào/đầu ra
7.2. Hình dạng và cấu trúc
7.3. Cổng kết nối với bên ngoài
7.4. Thuật ngữ, biểu tượng và biểu tượng đồ họa
7.5. Thay thế
7.6. Tiêu chuẩn đặc tính kỹ thuật giao diện
8. Yêu cầu đối với dịch vụ viễn thông
8.1. Dịch vụ viễn thông tương tác
8.2. Dịch vụ viễn thông nền tảng
8.3. Các cuộc gọi khẩn cấp
8.4. Đặc tính kỹ thuật của dịch vụ viễn thông
9. Yêu cầu hỗ trợ người dùng
9.1. Hướng dẫn sử dụng
9.2. Công bố thông tin về khả năng truy cập viễn thông
9.3. Hướng dẫn
9.4. Trung tâm hỗ trợ khách hàng
Thư mục tài liệu tham khảo
Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.