Xử lý mạnh tay với tội phá thai trái phép

Tình trạng nạo, phá thai hiện nay với sự tiếp tay của các cơ sở y tế đang ở mức đáng báo động. Vậy pháp luật đã có những quy định thế nào để xử lý triệt để thực trạng này?

Xử lý hành chính

Tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP 2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có nêu rõ: “Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính”.

Như vậy, nếu cơ sở y tế hoặc cá nhân nào biết rõ việc người mẹ đang có ý định loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính mà vẫn đồng ý thực hiện hành vi phá thai thì sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, các cơ sở y tế hoặc cá nhân này còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.

Xử lý mạnh tay với tội phá thai trái phép (Ảnh minh họa)

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Pháp luật đã quy định rất chi tiết về tội danh này tại Điều 316 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, hình phạt dành cho người thực hiện hành vi phá thai trái phép có thể lên đến 15 năm tù. Cụ thể:

Mức 1. Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm

Theo đó, các trường hợp bị xử lý theo khung hình phạt này là:

- Làm chết hoặc gây tổn hại sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể (viết tắt là TTCT)  61% trở lên của 01 người

- Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ TTCT của mỗi người từ 31% đến 60%;

-  Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ TTCT từ 61% đến 121%;

-  Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

Mức 2. Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm

Theo đó, mức phạt này được áp dụng đối với các trường hợp:

- Làm chết 02 người;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ TTCT của mỗi người 61% trở lên;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ TTCT từ 122% đến 200%.

Phá thai trái phép có thể chịu trách nhiệm hình sự (Ảnh minh họa)

Mức 3. Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm

Theo đó, mức phạt này được áp dụng đối với các trường hợp:

- Làm chết 03 người trở lên;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ TTCT của mỗi người 61% trở lên;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ TTCT là 201% trở lên

Ngoài ra, hành vi này còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

Thậm chí, nếu trong quá trình nạo, phá thai, các cơ sở y tế và các y bác sĩ không tuân thủ đầy đủ các quy tắc nghề nghiệp mà để xảy ra hậu quả chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp, hành chính được quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể:

- Bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

- Bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm nếu làm chết 02 người trở lên

- Bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

Trên đây là quy định xử lý Tội phá thai trái phép trong Bộ luật Hình sự 2015. Tìm hiểu thêm các loại tội phạm khác tại đây.

Nguyễn Hương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục