Vứt con mới đẻ, khi nào người mẹ bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Việc vứt bỏ con mới đẻ có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí khiến đứa trẻ mất mạng. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực đạo đức của xã hội. Trong nhiều trường hợp, người mẹ bỏ rơi con còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt rất nghiêm khắc.

Khi nào vứt con mới đẻ bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Thông thường, khi không gây ra hậu quả nghiêm trọng, một người mẹ vứt bỏ con đẻ của mình chỉ bị xử phạt hành chính theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP.

Cụ thể, bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh;

- Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật;

- Cha, mẹ; người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Tuy nhiên, tại Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định như sau:

1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Như vậy, người mẹ vứt con mới đẻ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu:

- Nạn nhân là con đẻ, bị vứt bỏ hoặc bị giết trong 07 ngày tuổi;

- Đứa trẻ chết, đây là hậu quả của việc bị vứt bỏ hoặc bị giết;

- Người mẹ bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt.

Người mẹ ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu được hiểu là người do ảnh hưởng của tư tưởng cũ, không phù hợp với quan niệm lối sống hiện tại (ví dụ không chấp nhận việc đẻ quá nhiều con gái, không chấp nhận việc "không chồng mà chửa"…).

Người mẹ có hoàn cảnh khách quan đặc biệt có thể hiểu là trường hợp sau khi sinh con, người mẹ không có khả năng để nuôi con mình (chẳng hạn: bị bệnh nặng hoặc trong hoàn cảnh khách quan ngặt nghèo khác…).

Vứt con mới đẻ, khi nào người mẹ bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Khi nào người vứt bỏ con mới đẻ bị truy cứu trách nhiệm hình sự? (Ảnh minh họa)

Có thể bị khởi tố tội “Giết người”

Nếu người mẹ không thuộc trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con của mình trong 07 ngày tuổi, dẫn đến đứa trẻ chết, căn cứ vào động cơ, lỗi, người mẹ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Hiện nay, khung hình phạt cao nhất của tội “Giết người” lên đến tù chung thân hoặc tử hình.

Thời gian gần đây, việc mẹ vứt bỏ con mới đẻ, giết con mới đẻ không còn là chuyện hiểm khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ. Đây là thực trạng đáng báo động về việc những chuẩn mực đạo đức đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, đó là hành động trực tiếp xâm phạm quyền sống của con người, xâm phạm quyền trẻ em - quyền đã và đang được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt.

>> Chi tiết cách nhận con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi mới nhất

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Những ngày gần Tết, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân đối với các loại bánh kẹo, thực phẩm là rất lớn. Nhân cơ hội này, nhiều người đã sản xuất, buôn bán các loại hàng giả để kiếm lời. Vậy buôn bán hàng giả ngày Tết bị phạt thế nào?