Trả lại tài sản trộm cắp, vẫn phải ngồi tù?

Hiện nay, nạn trộm cắp đang có xu hướng ngày một tăng. Câu hỏi đặt ra là, nếu người phạm tội đã trả lại tài sản trộm cắp thì còn phải ngồi tù nữa không?

Trộm dưới 2 triệu vẫn có thể phải vào tù

Theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, trộm cắp là việc bí mật, lén lút lấy tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác. Trong khi đó, Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ.

Do vậy, hành vi trộm cắp đã xâm phạm quyền tài sản của cá nhân, tổ chức khác và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật: Xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử lý hành chính: Phạt tiền từ 01- 02 triệu đồng theo Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Truy cứu trách nhiệm hình sự:

- Trộm cắp tài sản có trị giá từ 02 triệu đồng trở lên, tùy từng mức độ, tính chất của hành vi có thể phải ngồi tù đến 20 năm.

- Trộm cắp tài sản có giá trị dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng – 03 năm:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm;

+ Đã bị kết án về tội này hoặc các tội bắt cóc, lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm, sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử nhằm chiếm đoạt tài sản; công nhiên chiếm đoạt tài sản; cưỡng đoạt, cướp, cướp giật tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

+ Tài sản là di vật, cổ vật;

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Do đó, nếu trộm dưới 02 triệu đồng nhưng có các dấu hiệu, hành vi nêu trên thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và bị phạt tù.

trả lại đồ ăn trộm

Trả lại tài sản trộm cắp, vẫn phải ngồi tù? (Ảnh minh họa)

Trả lại tài sản cho người bị trộm còn phải ngồi tù nữa không?

Có nhiều người trộm cắp tài sản nhưng sau đó đã trả lại cho người bị trộm vậy thì còn phải ngồi tù nữa không? Đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.

Theo đó, vụ án chỉ được đình chỉ trong những trường hợp sau đây:

- Người bị hại rút yêu cầu khởi tố.

- Có căn cứ không khởi tố vụ án:

+ Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

+ Đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

+ Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Tội phạm đã được đại xá;

+ Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết

(Điều 282 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

Trong đó, nếu không thuộc trường hợp không khởi tố vụ án và Tội trộm cắp tài sản không thuộc 10 trường hợp chỉ khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại nên dù có trả lại tài sản đã trộm cắp, được người bị hại rút yêu cầu khởi tố thì người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, việc trả lại tài sản đã trộm cắp được coi là một tình tiết giảm nhẹ thuộc trường hợp tự nguyện sửa chữa, khắc phục hậu quả quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Do đó, có thể căn cứ vào việc trả lại tài sản cho người bị trộm để xin giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội.

Như vậy, có thể khẳng định việc trả lại tài sản cho người bị trộm không phải là căn cứ để đình chỉ vụ án, người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và có thể phải ngồi tù tùy vào mức độ, tính chất của vụ án.

Ngoài ra, để tìm hiểu thêm quy định khác về các loại tội phạm, độc giả có thể đọc tại đây.

>> Lấy trộm tiền của bố mẹ có phạm tội không?

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Những ngày gần Tết, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân đối với các loại bánh kẹo, thực phẩm là rất lớn. Nhân cơ hội này, nhiều người đã sản xuất, buôn bán các loại hàng giả để kiếm lời. Vậy buôn bán hàng giả ngày Tết bị phạt thế nào?