Đang bị tạm giữ, tạm giam có được gặp người thân?

Khi bị tạm giữ, tạm giam, ai cũng đều mong muốn được gặp người thân. Vậy người đang bị tạm giữ, tạm giam có được gặp người thân không? Nếu có thì cần lưu ý những gì?


Người bị tạm giữ, tạm giam có quyền gặp người thân

Tại điểm d khoản 1 Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định:

"Người bị tạm giữ, tạm giam có quyền gặp người thân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự."

Trong đó, theo khoản 8 Điều 3 luật này, thân nhân của người bị tạm giam, tạm giữ bao gồm:

- Người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại;

- Bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng;

- Vợ, chồng;

- Anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam;

- Cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.

Như vậy, người bị tạm giữ, tạm giam có quyền gặp người thân là vợ, chồng, bố, mẹ, ông bà, con cái, anh chị em... như đã liệt kê trên.
tam giam co duoc gap nguoi thanĐang bị tạm giữ, tạm giam có được gặp người thân? (Ảnh minh họa)

Thời gian gặp người thân khi bị tạm giữ, tạm giam

Thời gian gặp thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam như sau:

- Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ.

- Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý.

- Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.

Trong đó, thời điểm thăm gặp do Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định và thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Ngoài ra, việc thăm gặp phải chịu sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của cơ sở giam giữ; không làm ảnh hưởng đến các hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền.

Đồng thời, tuân thủ quy định về thăm gặp; trường hợp cơ quan thụ lý vụ án có yêu cầu thì phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát, theo dõi việc thăm gặp.

Lưu ý: Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự với số lần thăm gặp được tăng gấp đôi (căn cứ Điều 34 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam).

Cần đem giấy tờ gì để gặp người bị tạm giữ, tạm giam?

Khoản 2 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định:

“Người đến thăm gặp phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong trường hợp là thân nhân của họ.”

Cụ thể, khi đến thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam phải xuất trình một trong các loại giấy tờ được quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 34/2017/TT-BCA như sau:

- Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân, giấy xác nhận là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, người dưới 14 tuổi phải có giấy khai sinh;

- Giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ chứng minh quan hệ thì phải có đơn đề nghị, có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền;

- Trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ tùy thân thì đơn đề nghị thăm gặp phải dán ảnh và đóng dấu giáp lai vào ảnh.

Như vậy, nếu không có một trong các loại giấy tờ trên thì không được thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam.

tam giam co duoc gap nguoi thanĐang bị tạm giữ, tạm giam có được gặp người thân?

10 Trường hợp không được gặp người bị tạm giữ, tạm giam

Theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, các trường hợp không được thăm người bị tạm giữ, tạm giam bao gồm:

- Thân nhân không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam

- Cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án;

- Người bào chữa không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam;

- Trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ hoặc để tổ chức truy bắt người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn;

- Khi có dịch bệnh xảy ra tại khu vực có cơ sở giam giữ;

- Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;

- Khi đang lấy lời khai, hỏi cung hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác;

- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không đồng ý thăm gặp; trường hợp này, người thăm gặp được trực tiếp gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc không đồng ý thăm gặp;

- Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên;

- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang bị kỷ luật.

Nếu thuộc một trong các trường hợp trên, Thủ trưởng cơ sở giam giữ có quyền không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam nhưng phải nêu rõ lý do không cho gặp cho người yêu cầu đến thăm.

Trên đây là các quy định về vấn đề người bị tạm giữ, tạm giam có được gặp người thân? Nếu còn thắc mắc, độc giả có thể liên hệ 1900 6192 để được hỗ trợ và giải đáp.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Những ngày gần Tết, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân đối với các loại bánh kẹo, thực phẩm là rất lớn. Nhân cơ hội này, nhiều người đã sản xuất, buôn bán các loại hàng giả để kiếm lời. Vậy buôn bán hàng giả ngày Tết bị phạt thế nào?