1. Quay lén, chụp trộm người khác là xâm phạm quyền hình ảnh
Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, mỗi cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Nếu sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ chỉ được thực hiện trong 02 trường hợp:
- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc hoặc lợi ích công cộng;
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Như vậy, hành vi tự ý quay phim, chụp ảnh người khác trong khi chưa được đồng ý là trái pháp luật.
Người bị quay, chụp trộm có quyền yêu cầu người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
2. Quay trộm người khác đăng lên mạng xã hội bị phạt thế nào?
Theo khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, việc xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên Internet mà không được sự đồng ý có thể bị phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng.
Đây là mức phạt áp dụng với tổ chức, trường hợp cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt bằng ½ mức phạt đối với tổ chức.Theo đó, nếu tự ý quay lén, chụp trộm người khác sau đó đăng lên mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok... cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng.
Với trường hợp lợi dụng hình ảnh quay chụp lén đăng lên mạng nhằm mục đích xúc phạm, vu khống hay cưỡng đoạt tài sản của người khác... người thực hiện hành vi phạm thậm chí còn có thể bị xử lý hình sự về một trong các tội:
- Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt là cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Trường hợp tăng nặng có thể phạt tù đến 07 năm.
- Tội vu khống quy định tại Điều 156 với mức phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Trường hợp tăng nặng có thể phạt tù đến 07 năm.
- Tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 với mức phạt nặng nhất lên đến 20 năm tù.
...
Nhìn chung, việc sử dụng hình ảnh của người khác khi chưa được cho phép thường chỉ xử phạt hành chính.
Việc truy cứu hình sự chỉ xảy ra khi hành vi vi phạm được thực hiện nhằm vu khống, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người bị quay, chụp trộm hoặc hình ảnh do quay, chụp trộm được dùng để uy hiếp cưỡng đoạt tài sản.3. Làm sao để kẻ quay lén, chụp trộm bị pháp luật xử lý?
Mặc dù pháp luật đã có quy định để xử lý hành vi sử dụng trái phép hình ảnh của người khác, tuy nhiên không phải lúc nào người vi phạm cũng bị phạt.
Trên thực tế, các cơ quan chức năng rất khó để kiểm soát hay nhận biết một người có bị xâm phạm quyền hình ảnh hay không. Chính vì vậy, để tự bảo vệ hình ảnh của bản thân, nếu phát hiện hình ảnh mình bị quay lén bị người khác đăng lên mạng xã hội, người bị hại phải tự mình tố giác, báo cáo thông tin này với cơ quan chức năng để được xử lý.
Đặc biệt, với hai tội làm nhục người khác và vu khống, cơ quan có thẩm quyền sẽ chỉ khởi tố vụ án khi có yêu cầu của bị hại.
Trên đây là quy định về: Quay trộm người khác đăng lên mạng xã hội có bị phạt? Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.