Mua giấy khám sức khỏe có thể đi tù đến 7 năm

Tình trạng sử dụng giấy khám sức khỏe giả hiện nay đang rất phổ biến, đặc biệt khi đi xin việc, thi giấy phép lái xe, thi công chức, viên chức... Nhiều người  “vô tư” sử dụng do sự tiện lợi của loại giấy này mà không biết rằng nếu bị phát hiện sẽ đối diện với những chế tài rất nghiêm khắc.

Thế nào là giấy khám sức khỏe giả?

Hiện nay, rất nhiều công việc, thủ tục theo quy định của pháp luật có yêu cầu phải nộp giấy khám sức khỏe. Tuy nhiên, do quá trình khám sức khỏe trong các cơ sở y tế khá rườm rà, mất thời gian nên nhiều người chọn cách mua sẵn giấy khám sức khỏe và chỉ việc điền thông tin cá nhân.

Theo quy định tại Thông tư 14/2013/TT-BYT về hướng dẫn khám sức khỏe (áp dụng cho khám sức khỏe khi tuyển dụng, khám sức khỏe khi vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề và các đối tượng khác…) thủ tục khám sức khỏe được quy định như sau:

- Đối tượng khám sức khỏe đến cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khoẻ theo quy định, nộp Giấy khám sức khỏe theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 14/2013/TT-BYT; Cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực các thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình trong phần tiền sử của đối tượng khám sức khỏe…

- Cơ sở khám chữa bệnh đối chiếu ảnh trong giấy khám sức khỏe với người đến khám sức khỏe; Đóng dấu giáp lai vào ảnh sau khi đã thực hiện việc đối chiếu ảnh và hướng dẫn quy trình khám sức khỏe cho đối tượng khám sức khỏe sau đó khám sức khỏe theo quy trình;

- Kết luận và trả giấy khám sức khoẻ.

Đối với các trường hợp khám sức khỏe không đúng các trình tự, thủ tục nêu trên hoặc không đến khám sức khỏe thực tế mà mua giấy khám sức khỏe (dù giấy khám sức khỏe đúng là do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp với con dấu và chữ ký chính xác) đều coi là giấy khám sức khỏe giả.


Sử dụng giấy khám sức khỏe giả, đi tù đến 7 năm (Ảnh minh họa)

Mức phạt nào cho người sử dụng giấy khám sức khỏe giả

Việc mua giấy tờ giả trên thị trường có thể giúp người mua tiết kiệm được thời gian đi khám sức khỏe nhưng bản thân người mua sẽ chịu nhiều hệ lụy.

Trước hết, do không đi khám sức khỏe nên không biết được tình trạng sức khỏe bản thân, trong trường hợp nộp hồ sơ xin việc hay tuyển sụng có thể dẫn đến người sử dụng lao động phân công công việc không phù hợp, dễ gây nên nguy cơ tai nạn lao động hoặc mắc các bệnh nghề nghiệp…

Thứ hai, hành vi sử dụng giấy khám sức khỏe giả để bổ sung vào hồ sơ xin việc, hồ sơ tuyển dụng, hồ sơ học sinh, sinh viên… là hành vi thể hiện sự thiếu trung thực nên có thể bị các doanh nghiệp, cơ quan quản lý xử lý kỷ luật như buộc thôi việc, buộc thôi học, không tiếp tục bổ nhiệm hoặc không cho đi học…

Chẳng hạn, theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP, công chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi nâng ngạch công chức sẽ bị phạt cảnh cáo. Trường hợp sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ sẽ bị cách chức. Trường hợp sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ bị buộc thôi việc.

Theo Nghị định 27/2012/NĐ-CP,  viên chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp bị phạt cảnh cáo. Áp dụng hình phạt cách chức đối với viên chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ. Riêng trường hợp sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập sẽ bị buộc thôi việc.

Thứ ba, sử dụng giấy khám sức khỏe giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 341 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 quy định Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Như vậy, đối với người sử dụng tài liệu giả (giấy khám sức khỏe giả) để thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị phạt tiền từ 30 - 60 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Hiện nay, khung hình phạt cao nhất của tội này lên đến 07 năm tù giam đối với hành vi:

- Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

- Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

- Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Những ngày gần Tết, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân đối với các loại bánh kẹo, thực phẩm là rất lớn. Nhân cơ hội này, nhiều người đã sản xuất, buôn bán các loại hàng giả để kiếm lời. Vậy buôn bán hàng giả ngày Tết bị phạt thế nào?

Tù chung thân có phải là đi tù suốt đời?

Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình. Vậy tù chung thân có phải là đi tù suốt đời?

Làm người dưới 16 tuổi có bầu, bị phạt thế nào?

Hiện nay, việc trẻ vị thành niên quan hệ sớm, có bầu,… là những vấn đề thường xuyên·gây xôn xao dư luận xã hội. Theo quy định của pháp luật, làm cho người dưới 16 tuổi có bầu có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.