Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Tờ trình

Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)
Lĩnh vực: Hình sự Loại dự thảo:Tờ trình
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công anTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Tải Tờ trình

Tải dự thảo tiếng Việt (.doc)@du-thao-to-trinh-luat-thahs DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tải dự thảo tiếng Việt (.doc)@Tờ trình DOC DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

  BỘ CÔNG AN

-----

Số:        /TTr-BCA

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
------------

Hà Nội, ngày      tháng        năm 2024

 

        TỜ TRÌNH

Đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

Kính gửi: Chính phủ

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công an kính trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH VĂN BẢN

1. Cơ sở chính trị, pháp lý

Luật Thi hành án hình sự số 41/2019/QH14 được Quốc hội khoá XIV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Luật Thi hành án hình sự năm 2019 được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động phòng, chống tội phạm nói chung, đối với lĩnh vực thi hành án hình sự nói riêng, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với người chấp hành án, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và pháp luật có liên quan; kế thừa những quy định còn phù hợp và bổ sung các quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Việc xây dựng Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) nhằm tiếp tục nâng cao, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án hình sự; tiếp tục cụ thể hóa quy định về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin trong quốc phòng, an ninh; đổi mới phương thức quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng nhằm bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới và bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trên cơ sở đó, Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) được xây dựng dựa trên cơ sở chính trị, pháp lý sau:

- Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó, nêu rõ về định hướng “tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án. Hoàn thiện cơ chế thi hành án hình sự theo hướng nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý giáo dục, cải tạo phạm nhân, quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng; bảo đảm và bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân đối với người chấp hành án theo quy định của pháp luật”.

- Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó, chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm.

- Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, trong đó đề ra giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quốc phòng, an ninh.

- Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, trong đó đề ra nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

- Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bổ sung các quy định nhằm cụ thể hoá quyền con người quy định tại Hiến pháp năm 2013, tuy nhiên, để tiếp tục cụ thể hoá các quy định về quyền con người, bảo đảm nguyên tắc “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013), thì cần nghiên cứu sửa đổi các quy định về thi hành án hình sự, trong đó, bổ sung các quy định về thực hiện chế độ đối với phạm nhân.

2. Cơ sở thực tiễn

Qua 04 năm triển khai thực hiện, công tác thi hành án hình sự từng bước đi vào nền nếp, thống nhất, nghiêm minh, chặt chẽ, các quyền và chế độ của phạm nhân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần phục vụ có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và thể hiện được chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội.

Bên cạnh kết quả đạt được, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quá trình tổ chức, triển khai thực hiện công tác thi hành án hình sự như chưa có cơ sở pháp lý vững chắc trong thực hiện tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam; một số quy định Luật Thi hành án hình sự chưa đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành; việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin chưa được chú trọng, đẩy mạnh; công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng chưa được đổi mới nhằm đạt hiệu quả tốt nhất, chủ yếu vẫn thực hiện theo phương thức “thủ công”. Trước tình hình đó, việc sửa đổi Luật Thi hành án hình sự năm 2019 được đặt ra rất cần thiết, bởi các lý do sau đây:

Một là, đổi mới công tác quản lý đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục với đối tượng này

Thời gian qua, công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng hiện nay đang được thực hiện bằng biện pháp thủ công hành chính, dẫn đến hiệu quả chưa cao, chưa theo kịp và đáp ứng được tình hình, yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, có nơi có lúc đã xảy ra tình trạng người chấp hành án tại cộng đồng bỏ trốn khỏi nơi cư trú, chính quyền địa phương không nắm được tình hình, cá biệt còn có những trường hợp vi phạm pháp luật hình sự ở địa phương khác mà chính quyền địa phương được giao giám sát, giáo dục không biết, không nắm được tình hình. Từ đó, dẫn đến tình trạng giám sát giáo dục người chấp hành án tại cộng đồng không được giám sát, giáo dục dễ quay trở lại con đường phạm tội, làm giảm tính nghiêm minh, răn đe, giáo dục của bản án, từ đó cũng làm phức tạp hơn tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về “giảm hình phạt tù, tăng hình phạt ngoài cộng đồng” và theo cùng với xu thế của thế giới, số người chấp hành án hình sự tại cộng đồng sẽ ngày càng tăng và đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng.

Hai là, áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin trong công tác thi hành án hình sự

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra, việc ứng dụng sâu rộng công nghệ và chuyển đổi số trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là tất yếu và cũng là mục tiêu chiến lược trong tình hình mới, theo đó, bên cạnh những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định pháp luật của thi hành án hình sự, qua thực tiễn triển khai công tác thi hành án hình sự nhận thấy còn một số bất cập hạn chế trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin thực hiện công tác thi hành án hình sự như: (1) Cơ sở vật chất phục vụ công tác thi hành án hình sự chưa được trang bị các công nghệ kiểm soát an ninh, soi chiếu; thiếu hệ thống kiểm soát người ra, vào ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và tích hợp các thông tin từ giấy tờ cá nhân; thiếu hệ thống trung tâm chỉ huy để tập trung chỉ đạo, điều hành, quản lý thống nhất; hệ thống giám sát chưa hoàn thiện, chất lượng chưa đồng đều, mô hình kết nối, chia sẻ, trích xuất dữ liệu chưa hiệu quả; thiếu hệ thống phát hiện và cảnh báo các thiết bị xâm nhập trái phép…; (2) Hoạt động thu thập thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cơ sở giam giữ còn nhiều tồn tại, hạn chế, thủ công, chưa kịp thời, thiếu hiệu quả; các thông tin thiếu tính liên thông, đồng bộ; (3) Việc bố trí cán bộ quản lý, sử dụng hệ thống kiểm soát an ninh còn gặp rất nhiều khó khăn do biên chế cán bộ hạn chế, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, cán bộ thiếu kinh nghiệm trong công tác theo dõi, giám sát, chưa phát hiện kịp thời các hành vi của các đối tượng. Trình độ công nghệ thông tin của cán bộ chưa cao, nhất là tại các trai giam, trong khi biên chế thiếu, việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, vận hành, khai thác hệ thống kiểm soát an ninh còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, đặt ra vấn đề cần nghiên cứu bổ sung chế định mới về việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự là cần thiết.

Ba là, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về công tác thi hành án hình sự nhằm tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đến nay cơ bản đã được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai, tổ chức thực hiện công tác thi hành án hình sự trong thực tiễn, tuy nhiên, qua thời gian 04 năm triển khai thi hành Luật, nhận thấy, một số quy định pháp luật về thi hành án hình sự còn chưa thực sự đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan, một số quy định đã bộc lộ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện như: (1) Các quy định về thực hiện chế độ của phạm nhân, đội phạm nhân (Chưa có quy định về thực hiện khen thưởng đối với đội phạm nhân; chưa có quy định về thời gian thực hiện thăm gặp thân nhân, thời gian thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự; chưa có quy định về việc cho phép phạm nhân thực hiện liên lạc với thân nhân bằng cuộc gọi có hình ảnh...); (2) Các quy định về quản lý, giam giữ phạm nhân (Chưa có quy định về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội trong quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; chưa có quy định về việc xếp loại chấp hành án phạt tù theo tháng đối với phạm nhân; Luật chưa có quy định về việc tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam, hiện nay đang thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 54/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam...); (3) Quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 chưa đồng bộ với quy định Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 (hiện nay, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã bỏ quy định về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước theo tuyến mà quy định theo các cấp khám chữa bệnh).

          Từ những cơ sở nêu trên, việc xây dựng Luật Thi hành án hình sự sửa đổi là cần thiết nhằm tiếp tục nâng cao, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án hình sự; tiếp tục cụ thể hóa quy định về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin trong quốc phòng, an ninh; đổi mới phương thức quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng đáp ứng, phù hợp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

II. MỤC ĐÍCH BAN HÀNH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG VĂN BẢN

1. Mục đích ban hành văn bản

Mục đích xây dựng Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) nhằm tiếp tục nâng cao, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án hình sự; tiếp tục cụ thể hóa quy định về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin trong quốc phòng, an ninh; đổi mới phương thức quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân.

2. Quan điểm xây dựng văn bản

1. Thể chế hoá quan điểm của Đảng và Nhà nư­ớc ta về công tác thi hành án hình sự, phải đặt trong tổng thể và bảo đảm đồng bộ với quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

2. Tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đảm bảo đồng bộ thống nhất với các quy định của Luật chuyên ngành có liên quan.

3. Quy định cụ thể, bảo đảm tính minh bạch, tính khả thi của Luật Thi hành án hình sự; góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân; đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.

4. Bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Đáp ứng được xu hướng của thế giới về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội.

6. Kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Thi hành án hình sự hiện hành; bổ sung những quy định mới để khắc phục những tồn tại, khó khăn, vướng mắc sau hơn 04 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự; bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự, quyền con người, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

III. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG CỦA VĂN BẢN

Về cơ bản, dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) với mục đích tiếp tục nâng cao, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án hình sự, cụ thể hóa quy định về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin và đổi mới phương thức quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng, theo đó, phạm vi điều chỉnh và đối tượng của dự thảo Luật được giữ nguyên so với Luật Thi hành án hình sự năm 2019, cụ thể:

1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

2. Đối tượng áp dụng

Với mục đích, quan điểm xây dựng Luật như đã trình bày ở trên, tại dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) tập trung vào đối tượng áp dụng sau:

- Cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành án hình sự.

- Phạm nhân, người bị kết án tử hình, người thi hành các hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp.

IV. MỤC TIÊU, NỘI DUNG CỦA CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TRONG ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG VĂN BẢN

1. Chính sách 1: Quy định thực hiện giám sát điện tử đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng

a) Mục tiêu của chính sách

- Đổi mới, thay đổi biện pháp quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng từ phương pháp thủ công truyền thống sang phương pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật; lấy người chấp hành án hình sự tại cộng đồng vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu trong các hoạt động quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng đảm bảo được tính nghiêm minh của bản án, răn đe, giáo dục người phạm tội, đồng thời khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động.

- Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án tại cộng đồng từ đó tăng cường việc áp dụng hình phạt tại cộng đồng làm giảm số lượng phạm nhân trong các trại giam từ đó giảm áp lực về công tác quản lý,  kinh phí trong hoạt động giam giữ phạm nhân. Phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp ổn định chính trị, xã hội, phục vụ xây dựng. phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Nâng cao hơn nữa việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong công tác thi hành án hình sự mang lại sự tự do một cách tương đối, trong phạm vi giới hạn nhất định đối với người chấp hành án.

b) Nội dung của chính sách

Bổ sung các quy định thực hiện giám sát điện tử đối với một số đối tượng chấp hành án hình sự tại cộng đồng.

c) Các giải pháp thực hiện chính sách

- Giải pháp 1: Giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành (không bổ sung các quy định nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án tại cộng đồng).

- Giải pháp 2: Quy định việc giám sát điện tử đối với người chấp hành tại cộng đồng nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án tại cộng đồng

Nghiên cứu bổ sung một số nội dung sau:

- Quy định giám sát đối với người chấp hành án tại cộng đồng trong đó quy định bao gồm: đối tượng áp dụng hình thức giám sát này (người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, người chấp hành án phạt cấm cư trú, người chấp hành án phạt quản chế trong trường hợp những người này đã vi phạm 01 lần nghĩa vụ của người chấp hành án theo quy định); trình tự, thủ tục, điều kiện, phương thức áp dụng, hình thức thực hiện phương pháp giám sát này; cơ quan có thẩm quyền quyết định giám sát điện tử đối với người chấp hành án tại cộng đồng; tổ chức thực hiện và quản lý.

- Quy định về vị trí pháp lý của Trung tâm giám sát điện tử, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này trong việc quản lý, sử dụng thiết bị giám sát điện tử, máy chủ trung tâm, đường truyền kết nối, bảo đảm an ninh an toàn thông tin.

d) Giải pháp thực hiện chính sách được lựa chọn và lý do lựa chọn

- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Công an đề nghị lựa chọn Giải pháp quy định việc giám sát điện tử đối với người chấp hành tại cộng đồng nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án tại cộng đồng (Giải pháp 1), bởi vì việc lựa chọn chính sách này sẽ khắc phục được toàn diện những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay đối với công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án tại cộng đồng, đồng thời bảo đảm được an ninh trật tự, an toàn xã hội, đồng thời làm giảm số lượng phạm nhân trong các trại giam hiện nay, từ đó giảm gánh nặng chi phí cho ngân sách Nhà nước.

2. Chính sách 2: Hoàn thiện quy định về mô hình cơ sở giam giữ

a) Mục tiêu của chính sách

- Xây dựng và hoàn thiện pháp luật theo xu thế của thời kỳ công nghiệp 4.0, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ cao vào hoạt động quản lý nhà nước, đáp ứng các yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

- Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự, bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở giam giữ phạm nhân; góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý thi hành án hình sự; tạo những điều kiện tốt hơn để bảo vệ cán bộ thực hiện công tác quản lý thi hành án hình sự; bảo đảm quyền của phạm nhân, giúp họ có môi trường cải tạo tốt hơn, an toàn hơn.

- Đảm bảo sự thông suốt, thống nhất trong công tác quản lý các cơ sở giam giữ phạm nhân;

- Xây dựng mô hình cơ sở giam giữ phạm nhân thống nhất, bảo đảm an toàn, an ninh, thân thiện;

- Liên kết, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thi hành án hình sự bảo đảm đồng bộ, cập nhật, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý thi hành án hình sự thời gian tới.

- Đáp ứng tốt hơn các yêu cầu phát hiện, cảnh báo các nguy cơ có thể diễn ra trong cơ sở giam giữ phạm nhân như phá cơ sở giam giữ, phạm nhân trốn, tự tử, mang vật cấm vào cơ sở giam giữ…

b) Nội dung của chính sách

Bổ sung quy định về xây dựng mô hình cơ sở giam giữ trong đó đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự.

c) Các giải pháp thực hiện chính sách

- Giải pháp 1: Giữ nguyên quy định về tổ chức cơ sở giam giữ như Luật Thi hành án hình sự hiện hành.

- Giải pháp 2: Hoàn thiện quy định của Luật Thi hành án hình sự về ứng dụng khoa học công nghệ và mô hình cơ sở giam giữ phạm nhân

+ Bổ sung quy định về ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác thi hành án hình sự.

+ Bổ sung quy định về mô hình cơ sở giam giữ phạm nhân, trong đó quy định cụ thể về các thành phần Trung tâm chỉ huy, điều hành; Trung tâm giám sát an ninh; các công trình phục vụ việc quản lý giam giữ, hoạt động tố tụng hình sự, dân sự; phòng xét xử trực tuyến…;

+ Sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong xây dựng, triển khai mô hình cơ sở giam giữ phạm nhân, xây dựng mẫu thiết kế mô hình cơ sở giam giữ phạm nhân, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho công trình thuộc mô hình cơ sở giam giữ phạm nhân và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý thi hành án hình sự.

d) Giải pháp thực hiện chính sách được lựa chọn và lý do lựa chọn

Bộ Công an đề nghị lựa chọn giải pháp 2 vì để đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện pháp luật theo xu thế của thời kỳ công nghiệp 4.0, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ cao vào hoạt động quản lý nhà nước và nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự, bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở giam giữ phạm nhân; góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý thi hành án hình sự; tạo những điều kiện tốt hơn để bảo vệ cán bộ thực hiện công tác quản lý thi hành án hình sự; bảo đảm quyền của phạm nhân, giúp họ có môi trường cải tạo tốt hơn, an toàn hơn.

3. Chính sách 3: Hoàn thiện quy định về các quy định của Luật Thi hành án hình sự còn vướng mắc, bất cập để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn

a) Mục tiêu của chính sách

- Hoàn thiện quy định về thực hiện chế độ đối với phạm nhân, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong việc triển khai thực hiện các quy định về vấn đề này;

- Hoàn thiện quy định về thực hiện chế độ quản lý giam giữ đối với phạm nhân;

- Đảm bảo quy định pháp luật về thi hành án hình sự đồng bộ, thống nhất đối với các quy định pháp luật chuyên ngành khác có liên quan.

b) Nội dung của chính sách

Sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành

c) Các giải pháp thực hiện chính sách

- Giải pháp 1: Giữ nguyên quy định pháp luật hiện hành.

- Giải pháp 2: Hoàn thiện quy định về các quy định của Luật Thi hành án hình sự còn vướng mắc, bất cập để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định:

- Bổ sung quy định về thân nhân của phạm nhân.

- Bổ sung quy định về mô hình, cơ cấu tổ chức trại giam.

- Sửa đổi quy định về tiêu chí, điều kiện bổ nhiệm Giám thị, Phó Giám thị, Trưởng phân trại, Phó Trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó Đội trưởng.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền phạm nhân.

- Sửa đổi, bổ sung quy định khi tiếp nhận người chấp hành án phạt tù cần thu thập thông tin sinh trắc học của phạm nhân trong trường hợp chưa có thông tin.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức lao động cho phạm nhân.

- Bổ sung quy định về tổ chức, lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về xếp loại chấp hành án phạt tù theo tháng đối với phạm nhân.

- Bổ sung quy định về việc thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc của người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về khen thưởng đối với đội phạm nhân.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ ăn, ở đối với phạm nhân.

- Sửa đổi, bổ sung quy định thời gian thăm gặp thân nhân của phạm nhân.

- Sửa đổi, bổ sung quy định thời gian thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự của phạm nhân.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ liên lạc của phạm nhân.

- Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội trong quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

- Bổ sung quy định về nghĩa vụ của người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thực hiện chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân.

- Bổ sung quy định về giải quyết trường hợp phạm nhân có nguyện vọng hiến mô, một phần bộ phận cơ thể con người.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao trong giải quyết trường hợp người được tha thù trước thời hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, người chấp hành án phạt quản chế trong giải quyết trường hợp những người này có nguyện vọng ra khỏi nơi cư trú để làm việc.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về nghĩa vụ của người được tha thù trước thời hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, người chấp hành án phạt quản chế.

- Bổ sung quy định về giải quyết trường hợp người được tha thù trước thời hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, người chấp hành án phạt quản chế có nguyện vọng ra khỏi nơi cư trú để làm việc.

- Bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu thi hành án hình sự.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong công tác thi hành án hính sự.

V. DỰ KIẾN, NGUỒN LỰC, ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHO VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH

1. Để bảo đảm triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) cần bảo đảm các nguồn lực sau đây:

- Kinh phí ban đầu khi mua thiết bị giám sát điện tử, chi phí xây dựng Trung tâm quản lý thiết bị giám sát điện tử, chi phí duy trì hoạt động của các thiết bị có liên quan.

- Kinh phí thiết kế, xây dựng mô hình cơ sở giam giữ thông minh; trang bị máy móc, hệ thống cơ sở vật chất; vận hành, bảo dưỡng hệ thống quản lý thông minh; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý cơ sở giam giữ thông minh. Tuy nhiên, đây là các khoản chi phí cần thiết để nâng cấp, cải thiện rõ rệt chất lượng quản lý tại các cơ sở giam giữ tại Việt Nam.

- Kinh phí để tổ chức thực hiện các quy định mới về thực hiện quyền và chế độ của phạm nhân như: Mua bảo hiểm y tế cho phạm nhân; tổ chức bếp ăn cho phạm nhân…

- Kinh phí tuyên truyền, phổ biến Luật sau khi được Quốc hội thông qua; kinh phí nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2. Để bảo đảm triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua, về cơ bản, vẫn sử dụng nguồn nhân lực hiện hành, không làm tăng tổ chức bộ máy và biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

VI. THỜI GIAN DỰ KIẾN THÔNG QUA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Thời gian dự kiến trình Quốc hội khóa XV bổ sung đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, đồng thời cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2024) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2025).

Trên đây là Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), xin kính trình Chính phủ xem xét, quyết định.

(Xin gửi kèm theo: .............................................................)./.

Nơi nhận:

- Như trên;

- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và trình Chính phủ);

- Bộ Tư pháp (để phối hợp);

- Lưu: VT, V03.

BỘ TRƯỞNG

 

 

Thượng tướng Lương Tam Quang


 

 

QUỐC HỘI

 

 

Luật số:      /2025/QH15

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAMĐộc lập - Tự do - Hạnh phúc

                                                                                  

ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT LUẬT
THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI)

 

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

 

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 “Giải thích từ ngữ”, theo hướng bổ sung quy định giải thích từ ngữ về thân nhân của phạm nhân; quy định về giám sát điện tử và hệ thống máy chủ giám sát điện tử.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 “Nguyên tắc thi hành án hình sự”, theo hướng bổ sung nguyên tắc về ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác thi hành án hình sự.

Chương II

HỆ THỐNG TỔ CHỨC THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN TRONG THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 Nhiệm vụ, quyền hạn của trại giam, theo hướng lược bỏ quy định khoản 4 Điều 17 quy định về tổ chức của Trại giam.

4. Bổ sung 01 Điều quy định về mô hình, cơ cấu tổ chức của trại giam, theo hướng bổ sung quy định về tổ chức bộ máy quản lý trại giam, tổ chức của trại giam và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong quản lý hệ thống tổ chức, biên chế và hoạt động của trại giam; thành lập, giải thể, sáp nhập, quản lý trại giam, phân trại giam trong trại giam; ban hành danh mục, định mức xây dựng các hạng mục công trình trại giam, hệ thống kiểm soát an ninh và các hệ thống khác phục vụ quản lý cơ sở giam giữ của trại giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý.

Chương III

THI HÀNH ÁN PHẠT TÙ

Mục 1. THỦ TỤC THI HÀNH ÁN PHẠT TÙ VÀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ GIAM GIỮ, GIÁO DỤC PHẠM NHÂN

5. Bổ sung 01 Điều quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội trong quản lý người được hoãn chấp hành án phạt tù, theo hướng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội trong lập hồ sơ, tổ chức quản lý; giải quyết người được hoãn chấp hành án phạt tù được vắng mặt ở nơi cư trú; công tác báo cáo trong quản lý người được hoãn chấp hành án phạt tù…

6. Bổ sung 01 Điều quy định nghĩa vụ của người được hoãn chấp hành án phạt tù, theo hướng bổ sung nghĩa vụ về việc có mặt theo giấy triệu tập; thực hiện cam kết tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; báo cáo về tình hình chấp hành pháp luật theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý; tự giác trình báo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu khi hết thời hạn hoãn chấp hành án phạt tù hoặc khi sức khỏe hồi phục để tiếp tục chấp hành án… đối với người này trong thời gian được hoãn chấp hành án phạt tù.

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 27 “Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân”, theo hướng bổ sung quy định về phạm nhân có quyền được hiến mô, một phần bộ phận cơ thể; phạm nhân có quyền được tham gia bảo hiểm y tế do Ngân sách nhà nước đóng.

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 28 “Tiếp nhận người chấp hành án phạt tù”, theo hướng bổ sung quy định về thu thập thông tin sinh trắc học của phạm nhân trong trường hợp chưa có thông tin.

9. Sửa đổi, bổ sung Điều 33 “Tổ chức lao động cho phạm nhân” theo hướng bổ sung quy định khi xây dựng Kế hoạch tổ chức lao động cho phạm nhân hàng năm phải xây dựng dự kiến chỉ tiêu, định mức lao động cho phạm nhân căn cứ theo tiêu chí, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

10. Bổ sung 01 Điều quy định về tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, theo hướng quy định về nguyên tắc việc tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; trách nhiệm của trại giam, tổ chức hợp tác với trại giam thực hiện tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; các trường hợp phạm nhân không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi có trại giam và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có khi lao động, hướng nghiệp, dạy nghề trong thực hiện quy định này.

11. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 34 “Sử dụng kết quả lao động của phạm nhân”, theo hướng:

- Quy định cụ thể nội dung chi của Quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng của trại giam;

- Bổ sung quy định về sử dụng kết quả lao động đối với trường hợp phạm nhân lao động vượt chỉ tiêu, định mức theo Kế hoạch tổ chức lao động hàng năm.

12. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 35 “Xếp loại chấp hành án phạt tù”, theo hướng bổ sung quy định về xếp loại chấp hành án phạt tù theo tháng đối với phạm nhân.

13. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 37 “Thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù”, theo hướng bổ sung quy định về việc giải quyết việc thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc của người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

14. Bổ sung 01 Điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội trong quản lý người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, theo hướng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội trong lập hồ sơ, tổ chức quản lý; giải quyết người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được vắng mặt ở nơi cư trú; công tác báo cáo trong quản lý người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù…

15. Bổ sung 01 Điều quy định về nghĩa vụ của người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, theo hướng bổ sung nghĩa vụ về việc có mặt theo giấy triệu tập; thực hiện cam kết tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; báo cáo về tình hình chấp hành pháp luật theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý; tự giác trình báo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu khi hết thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù hoặc khi sức khỏe hồi phục để tiếp tục chấp hành án… đối với người này trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

16. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 41 “Khen thưởng phạm nhân, đội phạm nhân”, theo hướng bổ sung quy định về việc khen thưởng đối với đội phạm nhân.

17. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 43 “Xử lý phạm nhân vi phạm”, theo hướng sửa đổi quy định trường hợp không áp dụng cùm chân đối với người dưới 18 tuổi thành không áp dụng cùm chân đối với trẻ em.

Mục 2. CHẾ ĐỘ ĂN, MẶC, Ở, SINH HOẠT, CHĂM SÓC Y TẾ ĐỐI VỚI PHẠM NHÂN

18. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 48 “Chế độ ăn, ở đối với phạm nhân”, theo hướng:

-  Bổ sung quy định về việc cơ sơ giam giữ phối hợp với tổ chức, cá nhân (có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật) tổ chức bếp ăn cho phạm nhân;

- Lược bỏ quy định “Việc nấu ăn cho phạm nhân do phạm nhân đảm nhiệm dưới sự giám sát, kiểm tra của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện”.

19. Sửa đổi, bổ sung Điều 52 “Chế độ gặp, nhận quà của phạm nhân”, theo hướng, quy định rõ hơn về thời gian thăm gặp của phạm nhân, thời gian thăm gặp của phạm nhân được thực hiện tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, lễ, Tết theo giờ làm việc của đơn vị.

20. Sửa đổi, bổ sung Điều 53 “Thủ tục thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự”, theo hướng bổ sung về thời gian thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự, thời gian thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự được thực hiện trong giờ làm việc, ngày làm việc. Phạm nhân được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự 01 lần trong 01 tháng, mỗi lần không quá 01 giờ.

21. Sửa đổi, bổ sung Điều 54 “Chế độ liên lạc của phạm nhân”, theo hướng bổ sung quy định phạm nhân được thực hiện cuộc gọi có hình ảnh.

22. Sửa đổi, bổ sung Điều 55 “Chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân”, theo hướng:

- Bổ sung quy định về trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phối hợp bệnh viện Công an nơi trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đóng tổ chức khám sức khỏe cho phạm nhân.

- Bổ sung quy định cơ sở giam giữ phạm nhân phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang điều trị phạm nhân giới thiệu, chuyển phạm nhân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp tình trạng bệnh.

- Bổ sung quy định về việc phạm nhân được nhận các loại thuốc chữa bệnh, thuốc bổ theo chỉ định của bác sĩ, y sĩ tại cơ sở giam giữ phạm nhân hoặc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước nơi đã được khám và điều trị bệnh khi được sự đồng ý của Thủ trưởng cơ sở giam giữ.

23. Bổ sung 01 Điều quy định giải quyết trường hợp phạm nhân có nguyện vọng hiến mô, một phần bộ phận cơ thể con người, theo hướng quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khi phạm nhân có nguyện vọng hiến mô, một phần bộ phận cơ thể con người.

Mục 3. THA TÙ TRƯỚC THỜI HẠN CÓ ĐIỀU KIỆN

Điều 24. Sửa đổi, bổ sung Điều 61 Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện”, theo hướng bổ sung quy định về giải quyết trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện ra khỏi nơi cư trú để làm việc.

25. Sửa đổi, bổ sung Điều 62Nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện”, theo hướng bổ sung quy định:

- Cam kết thực hiện giám sát điện tử theo quy định của Luật này;

- Chỉ được cư trú trên địa bàn cấp xã theo quyết định thi hành án của Toà án có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 67 và Điều 68 Luật này;

- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện được lựa chọn việc làm thích hợp tại địa bàn cư trú hoặc ngoài địa bàn cư trú, trừ những ngành, nghề hoặc công việc mà người chấp hành án không được làm theo quy định của pháp luật; được hưởng thành quả lao động do mình làm ra.

26. Sửa đổi, bổ sung Điều 64Rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện”, theo hướng bổ sung quy định về kết thúc giám sát điện tử nếu người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang thực hiện giám sát điện tử, khi được rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.

27. Sửa đổi, bổ sung Điều 66 Việc kiểm điểm người được tha tù trước thời hạn có điều kiện”, theo hướng bổ sung quy định cùng với việc kiểm điểm người được tha tù trước thời hạn có điều kiện khi vi phạm nghĩa vụ lần đầu thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý, theo dõi họ báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu quyết định thực hiện giám sát điện tử đối với họ.

28. Sửa đổi, bổ sung Điều 67 Việc vắng mặt tại nơi cư trú của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện”, theo hướng thực hiện giám sát điện tử đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời hạn vắng mặt ở nơi cư trú.

29. Sửa đổi, bổ sung Điều 68 “Giải quyết trường hợp người được tha thù trước thời hạn có điều kiện thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc”, theo hướng giải quyết việc thực hiện giám sát điện tử trong trường hợp người được tha thù trước thời hạn có điều kiện thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc.

30. Bổ sung 01 Điều quy định giải quyết trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú, theo hướng quy định về trình tự giải quyết cho người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú và công tác phối hợp trong thực hiện quản lý đối với người này.

31. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 69Xử lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ hoặc vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính”, theo hướng quyết định việc thực hiện giám sát điện tử đối với trường hợp vi phạm lần đầu nghĩa vụ quy định tại Điều 62 của Luật này.

32. Bổ sung 01 Chương IVa quy định về giám sát điện tử, gồm 04 Điều, cụ thể như sau:

Chương IVa “ Giám sát điện tử”

Điều 72a. Phương thức giám sát điện tử;

Điều 72b. Thực hiện giám sát điện tử;

Điều 72c. Trung tâm giám sát người chấp hành án hình sự tại cộng đồng;

Điều 72d. Trách nhiệm của người bị giám sát điện tử;

Điều 72đ. Trường hợp không thực hiện giám sát điện tử.

Chương V

THI HÀNH ÁN TREO, ÁN PHẠT CẢNH CÁO, CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ

Mục 1. THI HÀNH ÁN TREO

33. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 86 Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo”, theo hướng bổ sung quy định về giải quyết trường hợp người được hưởng án treo ra khỏi nơi cư trú để làm việc.

34. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 87Nghĩa vụ của người được hưởng án treo”, theo hướng bổ sung quy định:

- Cam kết thực hiện giám sát điện tử theo quy định của Luật này.

- Chỉ được cư trú trên địa bàn cấp xã theo quyết định thi hành án của Tòa án có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.

- Người được hưởng án treo được lựa chọn việc làm thích hợp tại địa bàn cư trú hoặc ngoài địa bàn cư trú, trừ những ngành, nghề hoặc công việc mà người chấp hành án không được làm theo quy định của pháp luật; được hưởng thành quả lao động do mình làm ra.

35. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 89Rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo”, theo hướng bổ sung quy định về kết thúc giám sát điện tử nếu người được hưởng án treo đang thực hiện giám sát điện tử, khi được rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.

36. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 91Việc kiểm điểm người được hưởng án treo”, theo hướng bổ sung quy định về quyết định giám sát điện tử trong trường hợp người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ lần đầu.

37. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 92 Giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo”, theo hướng thực hiện giám sát điện tử đối với người được hưởng án treo trong thời hạn vắng mặt ở nơi cư trú.

38. Bổ sung 01 Điều quy định giải quyết trường hợp người được hưởng án treo có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú, theo hướng quy định về trình tự giải quyết cho người được hưởng án treo có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú và công tác phối hợp trong thực hiện quản lý đối với người này.

39. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 93Xử lý vi phạm đối với người được hưởng án treo”, theo hướng quyết định việc thực hiện giám sát điện tử trong trường hợp vi phạm lần đầu nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 87.

Mục 3. THI HÀNH ÁN PHẠT CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ

40. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 98 “Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ”, theo hướng bổ sung quy định giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ ra khỏi nơi cư trú để làm việc.

41. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 99 “Nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ”, theo hướng bổ sung nghĩa vụ:

- Cam kết thực hiện giám sát điện tử theo quy định của Luật này.

- Chỉ được cư trú trên địa bàn cấp xã theo quyết định thi hành án của Tòa án có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 100 của Luật này.

- Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ được lựa chọn việc làm thích hợp tại địa bàn cư trú hoặc ngoài địa bàn cư trú, trừ những ngành, nghề hoặc công việc mà người chấp hành án không được làm theo quy định của pháp luật; được hưởng thành quả lao động do mình làm ra.

42. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 100Giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ”, theo hướng bổ sung quy định thực hiện giám sát điện tử trong trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc.

43. Bổ sung 01 Điều quy định giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú, theo hướng quy định về trình tự giải quyết cho người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú và công tác phối hợp trong thực hiện quản lý đối với người này.

44. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 103 Thủ tục giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ”, theo hướng bổ sung quy định việc kết thúc thực hiện giám sát điện tử trong trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ được giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.

45. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 104Thủ tục miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ”, theo hướng bổ sung quy định việc kết thúc thực hiện giám sát điện tử trong trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ được được miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.

46. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 105Xử lý vi phạm đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ”, theo hướng bổ sung quy định về thực hiện giám sát điện tử trong trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ vi phạm lần đầu nghĩa vụ quy định tại Điều 99 Luật này.

Chương VI

THI HÀNH ÁN PHẠT CẤM CƯ TRÚ, QUẢN CHẾ

Mục 1. THI HÀNH ÁN PHẠT CẤM CƯ TRÚ

47. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 109Quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cấm cư trú”, theo hướng bổ sung nghĩa vụ:

- Cam kết thực hiện giám sát điện tử theo quy định của Luật này.

- Không được cư trú trên địa bàn cấp xã theo quyết định thi hành án của Tòa án có thẩm quyền.

48. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 110 Thủ tục miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại”, theo hướng bổ sung quy định việc kết thúc giám sát điện tử trong trường hợp người chấp hành án phạt cấm cư trú được miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại

49. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 111 “Xử lý người chấp hành án phạt cấm cư trú vi phạm nghĩa vụ”, theo hướng bổ sung quy định thực hiện giám sát điện tử trong trường hợp người đang chấp hành án phạt cấm cư trú vi phạm lần đầu nghĩa vụ quy định tại Điều 109 Luật này.

Mục 2. THI HÀNH ÁN PHẠT QUẢN CHẾ

50. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 113Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án phạt quản chế về cư trú”, theo hướng bổ sung quy định về việc giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt quản chế ra khỏi nơi cư trú để làm việc.

51. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 114Quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt quản chế”, theo hướng bổ sung quyền, nghĩa vụ:

- Cam kết thực hiện giám sát điện tử theo quy định của Luật này.

- Chỉ được cư trú trên địa bàn cấp xã theo quyết định thi hành án của Tòa án có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 115 Luật này.

- Người chấp hành án phạt quản chế được lựa chọn việc làm thích hợp tại địa bàn cư trú hoặc ngoài địa bàn cư trú, trừ những ngành, nghề hoặc công việc mà người chấp hành án không được làm theo quy định của pháp luật; được hưởng thành quả lao động do mình làm ra.

52. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 115Giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt quản chế đi khỏi nơi quản chế”, theo hướng bổ sung quy định thực hiện giám sát điện tử trong trường hợp người chấp hành án phạt quản chế đi khỏi nơi quản chế.

53. Bổ sung 01 Điều quy định giải quyết trường người chấp hành án phạt quản chế có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú, theo hướng quy định về trình tự giải quyết cho người chấp hành án phạt quản chế có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú và công tác phối hợp trong thực hiện quản lý đối với người này.

54. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 116 Xử lý người chấp hành án phạt quản chế vi phạm nghĩa vụ”, theo hướng bổ sung quy định thực hiện giám sát điện tử trong trường hợp người đang chấp hành án phạt quản chế vi phạm lần đầu nghĩa vụ quy định tại Điều 114 Luật này.

55. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 117Thủ tục miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại”, theo hướng bổ sung quy định kết thúc giám sát điện tử trong trường hợp người chấp hành án phạt quản chế được miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại.

Chương XIII

BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN CHO HOẠT ĐỘNG THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

56. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 173 “Cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự”, theo hướng bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu thi hành án hình sự bao gồm cơ sở dữ liệu về công tác thi hành án hình sự và Cơ sở dữ liệu công tác tái hòa nhập cộng đồng.

Chương XV

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG QUẢN LÝ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

57. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 195 “Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an trong quản lý công tác thi hành án hình sự”, theo hướng bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an trong triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác thi hành án hình sự.

58. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 196 “Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng trong quản lý công tác thi hành án hình sự”, theo hướng bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng trong triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác thi hành án hình sự.

Chương XI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

59. Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 72 “Hiệu lực thi hành” theo hướng quy định thời hạn Luật có hiệu lực thi hành và thời hạn các quy định về giám sát điện tử có hiệu lực thi hành.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày     tháng     năm 2025.

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI


 



      Trần Thanh Mẫn

 

Ghi chú

văn bản tiếng việt

download Tờ trình DOC (Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

download Tờ trình DOC (Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
×
×
×
Vui lòng đợi