Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Thông tư về trách nhiệm trong điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | Hình sự | Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Công an | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.Tải Thông tư
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ CÔNG AN Số: /2020/TT-BCA DỰ THẢO 2 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày tháng năm 2020 |
THÔNG TƯ
Quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc
thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong
quá trình điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi
----------------
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.
2. Xâm hại người dưới 18 tuổi trong Thông tư này là hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe; dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, dâm ô, sử dụng vào mục đích khiêu dâm); mua bán, chiếm đoạt người; hành hạ, ngược đãi, bắt lao động trái quy định của pháp luật đối với người dưới 18 tuổi.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với Cơ quan điều tra, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng, điều tra viên, cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra của Công an nhân dân; Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân; Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an; các cơ quan, đơn vị khác của Công an nhân dân và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi
1. Bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
2. Mọi hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi phải được tiến hành trong môi trường thuận tiện cho việc bảo đảm bí mật đời tư và danh dự, nhân phẩm của người dưới 18 tuổi. Hạn chế đến mức thấp nhất số lần tiếp xúc giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can trong vụ án.
3. Áp dụng các biện pháp phù hợp, cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo đảm người bị hại là người dưới 18 tuổi cũng như người thân thích của họ được an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác khi các quyền, lợi ích ấy bị đe dọa hoặc bị xâm hại.
4. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về hành vi phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi phải được chuyển ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết.
5. Ưu tiên giải quyết nhanh chóng, chính xác, kịp thời các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Nguồn tin về tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi
1. Tin báo, tố giác của nạn nhân hoặc người thân thích của họ về hành vi có dấu hiệu tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi.
2. Tin báo, tố giác của người biết việc về hành vi có dấu hiệu tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi.
3. Văn bản kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tin báo của cơ quan y tế, du lịch, tổ chức đoàn thể và cơ quan, tổ chức khác khi họ phát hiện hoặc nghi ngờ hành vi có dấu hiệu tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi.
4. Tin báo về tội phạm từ Tổng đài 111; tin báo được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng Internet và thông tin trên các mạng xã hội.
5. Thông qua công tác nghiệp vụ, cơ quan có thẩm quyền trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm.
6. Người phạm tội tự thú.
Điều 5. Việc giải quyết ban đầu đối với tin báo, tố giác về hành vi phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi đang diễn ra hoặc diễn ra vừa kết thúc thì bị phát hiện
Khi nhận được thông tin hành vi phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi đang diễn ra hoặc diễn ra vừa kết thúc thì bị phát hiện, các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
1. Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an tiếp nhận ban đầu phải thông báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc phạm tội hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết để giải quyết, đồng thời thực hiện các biện pháp cấp bách tại hiện trường theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư này.
2. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh tiếp nhận ban đầu phải thông báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc phạm tội hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết để giải quyết.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an cấp tỉnh (hoặc Phòng thuộc Công an cấp tỉnh thực hiện chức năng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) phát hiện các hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi đang diễn ra trên môi trường mạng Internet, mạng xã hội phải kịp thời thu thập thông tin, sử dụng các biện pháp kỹ thuật để lưu giữ thông tin, xác định địa chỉ IP, thông tin cơ bản của các tài khoản, trang mạng xã hội, xác định địa chỉ nơi diễn ra tội phạm (nếu có thể), kịp thời cung cấp thông tin cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
3. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh tiếp nhận ban đầu thì thực hiện như sau:
a) Trường hợp đối tượng thực hiện hành vi nằm trong kế hoạch đấu tranh nghiệp vụ hoặc hành vi phạm tội diễn ra gần trụ sở hoặc trong các trường hợp xét thấy cần thiết thì tiến hành các biện pháp cấp bách theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
b) Trường hợp không thuộc quy định tại điểm a Khoản này thì thông báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc phạm tội hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết để giải quyết.
4. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện tiếp nhận ban đầu hoặc tiếp nhận thông tin từ các cơ quan khác chuyển đến có trách nhiệm khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp bách theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
5. Đối với các vụ việc có dấu hiệu phạm tội quả tang, Cơ quan Cảnh sát điều tra phải khẩn trương, kịp thời tiến hành các biện pháp để xác định dấu hiệu tội phạm; nếu có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì phải khởi tố vụ án hình sự ngay, thực hiện quy trình điều tra theo quy định của Thông tư này. Trường hợp cần có thời gian để kiểm tra, xác minh thì thực hiện theo quy trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Điều 6. Các biện pháp cấp bách xử lý hành vi phạm tội đang diễn ra, hành vi phạm tội diễn ra vừa kết thúc thì bị phát hiện
1. Ngăn chặn ngay hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi đang diễn ra, bắt giữ người phạm tội quả tang.
2. Tổ chức cấp cứu nạn nhân, hỗ trợ y tế, ổn định tâm lý, tinh thần cho nạn nhân, bảo vệ hiện trường.
3. Tiến hành giải cứu nạn nhân đang bị giam giữ, khống chế, cưỡng bức, bị bóc lột tình dục, ép làm nô lệ tình dục hoặc đe dọa nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng hoặc đang bị đối tượng di chuyển đưa đi trốn, giấu.
4. Trưng cầu giám định pháp y, tổ chức xem xét dấu vết trên thân thể và xác định mối liên quan của dấu vết với hành vi xâm hại.
5. Vẽ sơ đồ hiện trường.
6. Thu giữ ngay và bảo quản những tài liệu, đồ vật liên quan đến hành vi lừa gạt, dụ dỗ, cưỡng ép nạn nhân như quần áo, đồ vật nghi có chứa các dấu vết sinh học như: máu, lông tóc, tinh dịch; các phương tiện nghi có chứa dữ liệu điện tử như: điện thoại di động, máy tính, máy ảnh, máy quay...; quà tặng của nạn nhân nhận từ đối tượng, các đồ vật liên quan đến tình dục, các đồ vật nghi bị đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi bạo dâm hoặc trong quá trình xâm hại tình dục.
7. Tiến hành khám xét khẩn cấp để kịp thời thu thập đồ vật, tài liệu chứng cứ, các phương tiện kỹ thuật số (điện thoại di động, máy tính, máy ảnh, máy quay, máy ghi âm...) nghi chứa dữ liệu điện tử liên quan đến vụ việc xâm hại tình dục, lập biên bản trích xuất hình ảnh, dữ liệu và thu giữ, niêm phong, bảo quản ngay các camera cùng thiết bị nhận định có hình ảnh liên quan vụ việc. Giấy tờ liên quan đến xuất, nhập cảnh nếu đối tượng là người nước ngoài.
8. Nếu có căn cứ xác định đối tượng, nhanh chóng bắt giữ hoặc giám sát chặt chẽ không để đối tượng bỏ trốn hoặc tiêu hủy tài liệu, vật chứng, đe dọa nạn nhân.
Điều 7. Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi
1. Công an phường, thị trấn, Đồn Công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi thì lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.
Công an xã khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi thì lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu, thông báo và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Đối với các xã ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn thì thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm không quá 48 giờ kể từ khi tiếp nhận.
2. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Trạm Công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi thì lập biên bản tiếp nhận, chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.
3. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh tiếp nhận thì thực hiện như sau:
a) Trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì tiến hành các trình tự, thủ tục giải quyết theo quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan. Trường hợp xét thấy vụ việc có tính chất phức tạp, cần phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thì báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết.
b) Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì tiến hành lập biên bản tiếp nhận, chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.
4. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện tiếp nhận ban đầu hoặc do các cơ quan khác chuyển đến thì tiến hành các trình tự, thủ tục giải quyết theo quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan.
Điều 8. Phân công người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố xâm hại người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền giải quyết, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, phân công Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc quyền thụ lý, giải quyết hoặc ra Quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra tổ chức, chỉ đạo thụ lý, giải quyết, phân công Điều tra viên, Cán bộ điều tra và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công thụ lý giải quyết cần được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn hoặc có kinh nghiệm về khởi tố, điều tra đối với những vụ việc, vụ án hình sự xâm hại người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục người dưới 18 tuổi.
Điều 9. Lập kế hoạch kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi
Khi được phân công tiến hành giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến xâm hại người dưới 18 tuổi, Điều tra viên được phân công thụ lý chính thuộc Cơ quan điều tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra, xác minh để đề xuất lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trình Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công (hoặc được ủy quyền) phê duyệt trước khi thực hiện. Nội dung kế hoạch gồm:
1. Mục đích, yêu cầu của việc kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Tóm tắt nội dung sự việc; đánh giá những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được; những việc đã làm; những việc chưa làm; kiểm tra tố giác, tin báo về tội phạm, cụ thể:
a) Kiểm tra trực tiếp qua người báo tin, tố giác, tự thú bằng các biện pháp lấy lời khai, đề nghị, hướng dẫn họ viết bản tự thuật, báo cáo sự việc để làm rõ nguồn thông tin mà họ cung cấp, kiểm tra qua những người biết việc, người có liên quan khác để xác định tính xác thực, khách quan của nguồn tin, tránh trường hợp người cung cấp tin, tố giác không đúng sự thật do động cơ cá nhân, thù hằn hoặc ngộ nhận, ảo giác, suy diễn.
b) Đối với nguồn tin từ các cơ quan, tổ chức, báo chí thì cử cán bộ đến làm việc để xác định nguồn của thông tin và các vấn đề có liên quan mà họ biết, lập biên bản làm việc và thu thập các thông tin, tài liệu, hình ảnh liên quan đến sự việc xâm hại người dưới 18 tuổi mà họ đang có.
c) Dự kiến các biện pháp cần tiến hành như: Xác định và kiểm tra hiện trường, khám nghiệm hiện trường, đối chất, nhận dạng, trưng cầu giám định, tổ chức xem xét dấu vết trên thân thể, khám xét khẩn cấp, biện pháp nghiệp vụ tùy theo tính chất mỗi vụ việc.
d) Dự kiến việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, vận động quần chúng để kiểm tra, kiểm chứng trong quá trình xác minh nguồn tin.
3. Nội dung tiến hành:
a) Xác định cụ thể các nội dung cần kiểm tra: Nạn nhân, người làm chứng, người biết việc, người có liên quan, đối tượng nghi vấn của vụ việc xâm hại người dưới 18 tuổi (phải xác định chính xác độ tuổi của nạn nhân và đối tượng nghi vấn); còn những nạn nhân nào đã từng bị đối tượng đang điều tra, xác minh xâm hại hay không.
Những đồ vật, tài liệu có liên quan, dữ liệu điện tử từ các phương tiện kỹ thuật số như máy tính, máy ảnh, điện thoại, máy quay, máy ghi âm, USB, DVD... của đối tượng, nạn nhân có giá trị chứng minh tội phạm để thu giữ... những đồ vật, tài liệu, dữ liệu đó đang ở đâu? Ai quản lý? Có những ai biết? Dự kiến biện pháp thu thập, bảo quản, trích xuất camera và thu thập hình ảnh liên quan đến vụ việc.
b) Việc thu thập các giấy tờ có liên quan để xác định tuổi của người bị hại như: Giấy chứng sinh; Giấy khai sinh; Chứng minh nhân dân; Thẻ căn cước công dân; Sổ hộ khẩu; Hộ chiếu. Thu thập, xác định các thông tin nhân thân của người bị hại để xác định người đại diện hoặc người thân thích của người bị hại; người giám hộ đương nhiên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền cử người giám hộ.
c) Việc lấy lời khai nạn nhân, người biết việc, người liên quan, người bị tố giác để xác định có hay không vụ việc xâm hại người dưới 18 tuổi đã xảy ra; thời gian, địa điểm, số lần, số nạn nhân, hậu quả của hành vi phạm tội; truy tìm, xác định đồ vật, tài liệu cần thu thập; củng cố, đánh giá tài liệu, đồ vật đã thu thập.
d) Xác định các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cần phối hợp, cung cấp thông tin theo đề nghị của Cơ quan điều tra. Trường hợp vụ việc có yếu tố nước ngoài, cần phối hợp với cơ quan đối ngoại Bộ Công an, lãnh sự, ngoại vụ, cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh tại các địa phương.
4. Thời gian tiến hành: xác định, đề xuất cụ thể thời gian tiến hành kiểm tra, xác minh nhằm đảm bảo thời gian giải quyết theo quy định của pháp luật.
5. Tổ chức thực hiện: phân công nhiệm vụ cụ thể cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra để thực hiện; đề xuất phương tiện sử dụng, kinh phí hỗ trợ; chế độ báo cáo khi có vấn đề đột xuất xảy ra trong quá trình thực hiện.
Điều 10. Trách nhiệm thực hiện kế hoạch kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi
1. Điều tra viên, cán bộ điều tra được phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chỉ được tiến hành các nội dung kiểm tra, xác minh theo Kế hoạch đã được phê duyệt. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu phát sinh vấn đề mới, Điều tra viên được phân công thụ lý chính phải báo cáo bằng văn bản với lãnh đạo, chỉ huy phụ trách cho ý kiến trước khi trình Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công (hoặc được ủy quyền) để xin ý kiến chỉ đạo; trường hợp cấp bách thì tùy theo từng trường hợp có thể báo cáo bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất với lãnh đạo, chỉ huy để xin ý kiến chỉ đạo, sau đó phải báo cáo lại bằng văn bản để đưa vào hồ sơ.
2. Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công (hoặc được ủy quyền) phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi tiến độ, kết quả giải quyết của Điều tra viên, Cán bộ điều tra trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về kết quả kiểm tra, xác minh của mình.
Điều 11. Báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi
Sau khi phối hợp với Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thực hiện các hoạt động chuẩn bị kết thúc quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, chậm nhất là 07 ngày trước khi hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Điều tra viên được phân công thụ lý chính phải có báo cáo kết thúc việc kiểm tra, xác minh bằng văn bản với lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp có ý kiến trước khi trình Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công (hoặc được ủy quyền). Báo cáo kết thúc việc kiểm tra, xác minh phải nêu rõ kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và đề xuất cụ thể về việc: khởi tố vụ án hình sự; không khởi tố vụ án hình sự; tạm đình chỉ việc xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.
Điều 12. Kết thúc quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Kết thúc quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Điều tra viên thụ lý chính phải dự thảo các Quyết định tố tụng theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự kèm theo Bản Báo cáo kết thúc việc xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, cùng hồ sơ, tài liệu liên quan báo cáo lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp cho ý kiến trước khi trình Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công (hoặc được ủy quyền) duyệt, ký.
Điều 13. Phân công Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, cán bộ điều tra điều tra vụ án hình sự xâm hại trẻ em
Trong thời hạn không quá 03 ngày, kể từ khi ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (khi được ủy quyền) trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, phân công Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc quyền thụ lý điều tra hoặc ra Quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra tổ chức, chỉ đạo điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra thụ lý điều tra và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công thụ lý điều tra cần được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn hoặc có kinh nghiệm về khởi tố, điều tra đối với những vụ việc, vụ án hình sự xâm hại người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục người dưới 18 tuổi.
Điều 14. Kế hoạch điều tra vụ án hình sự
Khi được phân công tiến hành điều tra vụ án hình sự xâm hại người dưới 18 tuổi, Điều tra viên được phân công thụ lý chính thuộc Cơ quan điều tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch điều tra vụ án hình sự để đề xuất lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trình Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công (hoặc được ủy quyền) phê duyệt trước khi thực hiện. Nội dung Kế hoạch điều tra vụ án hình sự gồm các nội dung:
1. Mục đích, yêu cầu.
2. Tóm tắt nội dung sự việc; đánh giá những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được; những việc đã làm; những việc chưa làm. Xây dựng các giả thuyết điều tra và định hướng thu thập chứng cứ, tài liệu.
3. Nội dung tiến hành cần làm rõ những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự liên quan đến người dưới 18 tuổi, trong đó, cần chú ý đến các dấu hiệu định tội, định khung hình phạt và các vấn đề khác có liên quan được quy định tại Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi. Cụ thể là các nội dung:
a) Xác định cụ thể các nội dung: Nạn nhân, người làm chứng, người biết việc, người có liên quan, đối tượng nghi vấn của vụ việc xâm hại người dưới 18 tuổi (phải xác định chính xác độ tuổi của nạn nhân và đối tượng); còn những nạn nhân nào đã từng bị đối tượng đang điều tra, xác minh xâm hại hay không.
Những đồ vật, tài liệu có liên quan, dữ liệu điện tử từ các phương tiện kỹ thuật số như máy tính, máy ảnh, điện thoại, máy quay, máy ghi âm, USB, DVD... của đối tượng, nạn nhân có giá trị chứng minh tội phạm để thu giữ...hiện những đồ vật, tài liệu, dữ liệu đó đang ở đâu? Ai quản lý? Có những ai biết? Dự kiến biện pháp thu thập, bảo quản, trích xuất camera và thu thập hình ảnh liên quan vụ việc.
b) Các giấy tờ có liên quan cần thu thập để xác định tuổi của người bị hại như: Giấy chứng sinh; Giấy khai sinh; Chứng minh nhân dân; Thẻ căn cước công dân; Sổ hộ khẩu; Hộ chiếu. Thu thập, xác định các thông tin nhân thân của người bị hại để xác định người đại diện hoặc người thân thích của người bị hại; người giám hộ đương nhiên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền cử người giám hộ.
c) Tiến hành lấy lời khai nạn nhân, người biết việc, người liên quan, người làm chứng… để xác định có hay không vụ việc xâm hại người dưới 18 tuổi đã xảy ra; thời gian, địa điểm, số lần, số nạn nhân, hậu quả của hành vi phạm tội; truy tìm, xác định đồ vật, tài liệu cần thu thập; củng cố, đánh giá tài liệu, đồ vật đã thu thập.
d) Dự kiến các biện pháp cần tiến hành như: Xác định và kiểm tra hiện trường, khám nghiệm hiện trường, đối chất, nhận dạng, trưng cầu giám định, tổ chức xem xét dấu vết trên thân thể, khám xét khẩn cấp, biện pháp nghiệp vụ tùy theo tính chất mỗi vụ việc.
đ) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cần phối hợp, cung cấp thông tin theo đề nghị của Cơ quan điều tra. Trường hợp vụ việc có yếu tố nước ngoài, cần xác định các cơ quan phối hợp giải quyết như: cơ quan đối ngoại Bộ Công an, lãnh sự, ngoại vụ, cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh của Bộ hoặc các địa phương.
4. Thời gian tiến hành: xác định, đề xuất cụ thể thời gian tiến hành điều tra nhằm đảm bảo thời gian giải quyết theo quy định của pháp luật.
5. Tổ chức thực hiện: phân công nhiệm vụ cụ thể cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra để thực hiện; đề xuất phương tiện sử dụng, kinh phí hỗ trợ; chế độ báo cáo khi có vấn đề đột xuất xảy ra trong quá trình thực hiện.
Điều 15. Trách nhiệm thực hiện kế hoạch điều tra
1. Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công thụ lý điều tra có trách nhiệm thực hiện các nội dung điều tra theo Kế hoạch đã được phê duyệt. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu phát sinh vấn đề mới, Điều tra viên được phân công thụ lý chính phải báo cáo bằng văn bản với lãnh đạo, chỉ huy phụ trách cho ý kiến trước khi trình Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công (hoặc được ủy quyền) để xin ý kiến chỉ đạo; trường hợp cấp bách thì tùy theo từng trường hợp có thể báo cáo bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất với lãnh đạo, chỉ huy để xin ý kiến chỉ đạo, sau đó phải báo cáo lại bằng văn bản để đưa vào hồ sơ.
2. Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công (hoặc được ủy quyền) phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi tiến độ, kết quả điều tra, giải quyết của Điều tra viên, Cán bộ điều tra trong quá trình điều tra vụ án hình sự. Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về kết quả điều tra.
Điều 16. Báo cáo kết quả điều tra
Sau khi phối hợp với Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra thực hiện các hoạt động chuẩn bị kết thúc điều tra, chậm nhất 07 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Điều tra viên được phân công thụ lý chính phải có báo cáo kết thúc điều tra vụ án hình sự bằng bản kết luận điều tra hoặc đề xuất gia hạn điều tra bằng văn bản với lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp có ý kiến trước khi trình Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (được phân công hoặc được ủy quyền). Báo cáo kết quả điều tra phải nêu rõ kết quả điều tra và đề xuất cụ thể về việc đề nghị truy tố hoặc đình chỉ điều tra hoặc gia hạn điều tra.
Điều 17. Kết thúc quá trình điều tra
Kết thúc quá trình điều tra, Điều tra viên thụ lý chính phải dự thảo Bản kết luận điều tra và các Quyết định tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, báo cáo lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp cho ý kiến trước khi trình Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công (hoặc được ủy quyền) duyệt, ký.
Điều 18. Giám hộ và trợ giúp pháp lý đối với người bị hại là người dưới 18 tuổi
1. Khi xác định được người bị hại là người dưới 18 tuổi thì cơ quan điều tra cần thông báo ngay cho người giám hộ, người đại diện hợp pháp của người bị hại là người dưới 18 tuổi để họ có thể gặp gỡ và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong quá trình tố tụng.
2. Ngoài các cá nhân tham gia tố tụng với tư cách là người giám hộ, người đại diện hợp pháp, cơ quan điều tra có thể đề nghị đại diện cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Nhà trường ở nơi tiến hành tố tụng hoặc cán bộ hỗ trợ khác trợ giúp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi, đặc biệt là những người không có gia đình, lang thang cơ nhỡ, người dưới 18 tuổi không nơi nương tựa, người dưới 18 tuổi bị buôn bán, đánh tráo, chiếm đoạt khi họ hoặc gia đình họ có yêu cầu hỗ trợ về chỗ ở, tham vấn, chăm sóc y tế, sức khỏe, trợ giúp về mặt pháp lý, tâm lý trong quá trình tố tụng hoặc khi xét thấy cần thiết.
Đối với người bị hại là người dưới 18 tuổi, cơ quan điều tra phải đề nghị tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trợ giúp pháp lý cho họ. Việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản có liên quan.
3. Người giám hộ, người đại diện hợp pháp và cán bộ hỗ trợ đã nhận trách nhiệm trợ giúp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi có thể tham gia trong các giai đoạn tố tụng của vụ án.
4. Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra có trách nhiệm:
a) Đảm bảo cung cấp những thông tin cần thiết về quá trình tố tụng cho người bị hại là người dưới 18 tuổi cũng như cho người giám hộ, người đại diện hợp pháp, cán bộ hỗ trợ của họ;
b) Đảm bảo sự có mặt của người giám hộ, người đại diện hợp pháp, cán bộ hỗ trợ để họ có thể hỗ trợ, động viên người bị hại là người dưới 18 tuổi trong suốt quá trình tố tụng;
c) Đảm bảo người bị hại là người dưới 18 tuổi nhận được sự trợ giúp chuyên môn về mặt y tế, sức khỏe, pháp lý, tâm lý phù hợp khi họ cần.
Điều 19. Việc tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại là người dưới 18 tuổi
1. Cơ quan điều tra phải thông báo cho người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của họ về quyền nhờ trợ giúp pháp lý, nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi.
Trường hợp người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của họ không nhờ trợ giúp pháp lý hoặc lựa chọn được người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại thì Cơ quan điều tra thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý ở địa phương.
2. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành văn bản thông báo người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện theo quy định của Thông tư số 46/2019/TT-BCA. Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại là người dưới 18 tuổi có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Điều 20. Lấy lời khai người bị hại là người dưới 18 tuổi
1. Việc lấy lời khai người bị hại là người dưới 18 tuổi có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú hoặc nơi học tập, nơi làm việc của người đó. Điều tra viên, Cán bộ điều tra lựa chọn nơi lấy lời khai và bố trí theo cách thức thích hợp để họ cảm thấy an toàn, thoải mái. Nơi nào đã bố trí phòng điều tra thân thiện thì có thể lấy lời khai ở phòng điều tra thân thiện.
2. Điều tra viên, Cán bộ điều tra khi tiến hành lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành của họ. Điều tra viên, Cán bộ điều tra mặc trang phục phù hợp, không nhất thiết phải mặc trang phục Công an nhân dân.
3. Khi lấy lời khai của người bị hại là người dưới 18 tuổi, cơ quan điều tra phải mời người giám hộ, người bảo vệ quyền lợi của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp khác hoặc thầy cô giáo của người đó tham dự.
Theo yêu cầu của người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan điều tra có thể mời đại diện cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Nhà trường hoặc cán bộ trợ giúp khác tham gia để hỗ trợ cho họ.
4. Cơ quan điều tra cần dựa trên độ tuổi, tình trạng tâm lý, sức khỏe, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành, phát triển của người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi và yêu cầu điều tra để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất số lần phải lấy lời khai cũng như xác định thời lượng các lần lấy lời khai đối với họ. Việc lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi phải tạm dừng ngay khi họ có biểu hiện mệt mỏi ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.
5. Việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai người bị hại là người dưới 18 tuổi, bao gồm cả việc kiểm tra dấu vết trên người, chụp ảnh thương tích, ghi âm, ghi hình phải theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và phải bảo đảm không làm ảnh hưởng tới tâm lý cũng như quyền bí mật thông tin cá nhân và danh dự, nhân phẩm của họ.
Khi lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi, Cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án hình sự có thể ghi âm, ghi hình và phải ghi vào biên bản để làm căn cứ bổ trợ cho các chứng cứ đã được thu thập trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án hình sự.
6. Cơ quan điều tra phải hạn chế đến mức thấp nhất việc tiến hành đối chất giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để không làm tổn thương tâm lý, tinh thần của họ. Đối với các vụ án xâm phạm tình dục, hành hạ, mua bán, chiếm đoạt người dưới 18 tuổi thì chỉ tiến hành đối chất khi thấy việc đó là cần thiết để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án mà nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án.
Điều 21. Tiếp nhận yêu cầu, đề nghị trưng cầu giám định
Người đại diện hoặc người thân thích của người dưới 18 tuổi có quyền đề nghị Cơ quan đang thụ lý vụ việc, vụ án trưng cầu giám định để làm rõ hành vi xâm hại tình dục đối với người dưới 18 tuổi. Việc tiếp nhận yêu cầu, đề nghị trưng cầu giám định phải được lập biên bản.
Điều 22. Thời hạn thực hiện trưng cầu giám định
1. Trong thời hạn không quá 03 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, đề nghị trưng cầu, Cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án hình sự phải tiến hành xác minh, thu thập các tình tiết liên quan đến yêu cầu, đề nghị giám định và quyết định trưng cầu giám định để làm căn cứ giải quyết vụ việc, vụ án hình sự. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, đề nghị giám định thì phải giải thích rõ lý do cho người đã yêu cầu, đề nghị biết.
2. Đối với những vụ việc, vụ án có tính chất quả tang hoặc có căn cứ, tài liệu xác định có hành vi xâm hại tình dục, cơ quan đang thụ lý vụ việc, vụ án phải tiến hành trưng cầu giám định trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi có căn cứ.
Điều 23. Thời hạn giám định
1. Đối với những yêu cầu trưng cầu giám định do cơ quan chuyên môn ngoài lực lượng Công an thực hiện thì thời hạn giám định được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Đối với những yêu cầu giám định do cơ quan chuyên môn của lực lượng Công an trưng cầu thì trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan chuyên môn phải trả lời cơ quan đã trưng cầu giám định. Trường hợp việc giám định không thể tiến hành trong thời hạn nêu trên thì tổ chức, cá nhân tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định.
Kết luận giám định phải ghi rõ kết quả giám định đối với những nội dung đã được trưng cầu, yêu cầu và những nội dung khác theo quy định của Luật giám định tư pháp.
Điều 24. Bảo vệ người bị hại là người dưới 18 tuổi
1. Khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc người thân thích của họ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì cơ quan điều tra phải áp dụng ngay các biện pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 486 của Bộ luật Tố tụng hình sự để bảo vệ họ. Tùy tình hình thực tế, có thể áp dụng thêm các biện pháp sau đây:
a) Đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông gỡ các bài báo, thông tin trên mạng xã hội về nhân thân của người dưới 18 tuổi là bị hại khi họ có yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết phải bảo vệ thông tin nhân thân của người dưới 18 tuổi bị xâm hại;
b) Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ thông tin nhân thân, danh dự, nhân phẩm người dưới 18 tuổi là bị hại, người tố giác tội phạm, người làm chứng bị xâm hại hoặc là người làm chứng bị phát tán trên mạng Internet hoặc các mạng xã hội;
c) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan, tổ chức xử lý theo thẩm quyền đối với người cố tình phát tán, truyền đưa thông tin nhân thân của người dưới 18 tuổi là bị hại, người tố giác tội phạm, người làm chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người dưới 18 tuổi là bị hại.
d) Giữ bí mật việc cung cấp chứng cứ, vật chứng, tài liệu có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội, người phạm tội của người được bảo vệ khi họ yêu cầu hoặc xét thấy họ có thể bị nguy hiểm do việc cung cấp chứng cứ, vật chứng, tài liệu đó. Đối với người bào chữa, khi được tiếp xúc, nghiên cứu đơn thư tố giác, lời khai hoặc các tài liệu khác trong hồ sơ vụ án có liên quan đến người đang được áp dụng các biện pháp bảo vệ phải cam kết giữ bí mật bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam kết đó.
2. Thẩm quyền, thời hạn áp dụng các biện pháp bảo vệ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
3. Trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp bảo vệ được thực hiện theo quy định tại Điều 487, Điều 488, Điều 489 Bộ luật Tố tụng hình sự và quy định sau đây:
a) Khi nhận được thông tin về yêu cầu bảo vệ hoặc xét thấy cần áp dụng các biện pháp bảo vệ, cơ quan điều tra có thẩm quyền phải khẩn trương thu thập các tài liệu cần thiết, kiểm tra tính xác thực của nguồn tin, căn cứ về việc đã hoặc sẽ bị xâm hại của tội phạm đối với người được bảo vệ, mức độ nguy hiểm thực tế đe dọa người được bảo vệ, xác định phạm vi và đối tượng cần bảo vệ; dự kiến biện pháp bảo vệ để bảo đảm an toàn cho người được bảo vệ và yêu cầu hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Trường hợp xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, phải giải thích cho cơ quan, người có yêu cầu biết và hướng dẫn cách khắc phục bằng biện pháp khác.
b) Trong trường hợp cấp bách cần ngăn chặn ngay các hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người được bảo vệ thì cơ quan có trách nhiệm bảo vệ phải áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ cần thiết như cử ngay lực lượng bảo vệ đến nơi ở, nơi làm việc, học tập của người được bảo vệ hoặc tạm thời đưa người được bảo vệ đến nơi an toàn.
c) Trước khi quyết định các biện pháp bảo vệ, nếu xét thấy cần thiết phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện, biện pháp để bảo vệ và trong trường hợp có nhiều yêu cầu phức tạp hoặc trong các vụ án tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong Công an nhân dân báo cáo xin ý kiến của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nếu ở địa phương) hoặc lãnh đạo Bộ (nếu ở Bộ Công an).
d) Cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ xây dựng kế hoạch bảo vệ người được bảo vệ; lập, quản lý, lưu trữ và khai thác hồ sơ bảo vệ theo chế độ tài liệu mật.
đ) Trong quá trình thực hiện các biện pháp bảo vệ, nếu nảy sinh các yêu cầu bảo vệ mới phải huy động thêm phương tiện, lực lượng bảo vệ... thì cơ quan quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ ra quyết định bổ sung áp dụng biện pháp bảo vệ. Quyết định này được gửi tới các đơn vị có trách nhiệm thực hiện việc bảo vệ, đồng thời thông báo cho người được bảo vệ biết. Trong trường hợp cùng lúc có nhiều yêu cầu bảo vệ thì căn cứ điều kiện thực tế của mình mà quyết định ưu tiên lực lượng, phương tiện bảo vệ đối với những đối tượng có căn cứ về việc đã hoặc sẽ bị xâm hại đến tính mạng.
6. Khi căn cứ về việc đã hoặc sẽ bị xâm hại đối với người được bảo vệ không còn thì người ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ phải có quyết định chấm dứt áp dụng các biện pháp bảo vệ bằng văn bản và thông báo cho các cơ quan đơn vị, cá nhân có liên quan được biết.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 25. Hiệu lực của Thông tư
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2020.
Điều 26. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành và quán triệt đầy đủ nội dung Thông tư này cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra.
2. Cục Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp với Cục Đào tạo, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an xây dựng chương trình, tài liệu tập huấn cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra về điều tra thân thiện đối với người dưới 18 tuổi.
3. Cục An ninh Điều tra Bộ Công an, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Cục An ninh Điều tra Bộ Công an, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an) để có hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận: - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng Quốc hội; - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; - Các đồng chí Thứ trưởng (để chỉ đạo); - Các đơn vị thuộc Bộ (để thực hiện); - Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (để thực hiện); - Liên đoàn Luật sư Việt Nam; - Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp; - Lưu: VT, V03. | BỘ TRƯỞNG
Đại tướng Tô Lâm |
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!