Dự thảo Thông tư về dân chủ trong tạm giữ, tạm giam

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong tạm giữ, tạm giam của lực lượng Công an nhân dân lần 2
Lĩnh vực: Hình sự
Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công an
Trạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung, hình thức thực hiện dân chủ trong công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của lực lượng Công an nhân dân.

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

BỘ CÔNG AN

 

 

Số:        /2019/TT-BCA

 

DỰ THẢO LẦN 2

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày       tháng       năm 2019

 

THÔNG TƯ

 Quy định về thực hiện dân chủ trong tạm giữ, tạm giam

của lực lượng Công an nhân dân

 

Căn cứ Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng và Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong tạm giữ, tạm giam của lực lượng Công an nhân dân.

 

 Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung, hình thức thực hiện dân chủ trong công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của lực lượng Công an nhân dân.

2. Thông tư này áp dụng đối với các trại tạm giam, nhà tạm giữ do lực lượng Công an nhân dân quản lý (sau đây viết tắt là cơ sở giam giữ); sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân Công an (sau đây viết tắt là cán bộ, chiến sĩ); người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

Điều 2. Mục đích thực hiện dân chủ trong tạm giữ, tạm giam

1. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của Nhân dân trong hoạt động quản lý, giáo dục người bị tạm giữ, người bị tạm giam; bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.

2. Xây dựng cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả; phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, gây phiền hà, sách nhiễu, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện dân chủ trong tạm giữ, tạm giam

1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và quy định của Bộ Công an về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

3. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng dân chủ để xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cản trở hoạt động của các cơ quan tư pháp, hoạt động của các cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; vi phạm quy định về quản lý, giáo dục người bị tạm giữ, người bị tạm giam.              

 

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

 

Điều 4. Những nội dung phải thông báo công khai  

1. Quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; nội quy cơ sở giam giữ; danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam.

2. Tình hình chấp hành nội quy cơ sở giam giữ, sức khỏe của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.

3. Chế độ, tiêu chuẩn ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ sinh hoạt tinh thần đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ.

4. Quy định về việc gặp thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân, tiếp xúc lãnh sự.  

5. Quy định về việc giải quyết cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam nhận quà; việc hủy bỏ đồ vật thuộc danh mục cấm mang vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam; việc gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.

6. Hình thức xử lý kỷ luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ; khen thưởng người bị tạm giữ, người bị tạm giam có thành tích, lập công.

7. Cấp có thẩm quyền và nơi giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề nghị hợp pháp về quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các khiếu nại, tố cáo và đề nghị của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.

8. Địa điểm và lịch tiếp công dân, thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam; nội quy nơi tiếp công dân, thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam; hòm thư góp ý.

Điều 5. Hình thức công khai

Căn cứ đặc điểm, tính chất và nội dung phải công khai, các cơ sở giam giữ áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức sau đây:

1. Bằng văn bản niêm yết tại địa điểm tiếp công dân, nhà thăm gặp, phòng hỏi cung, nơi công cộng trong phạm vi cơ sở giam giữ.

2. Thông qua hệ thống truyền thanh của cơ sở giam giữ.

3. Thông báo trực tiếp cho từng cá nhân hoặc trước tập thể người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

4. Các hình thức phù hợp khác.

Điều 6. Địa điểm tiếp công dân, giải quyết công việc liên quan đến công tác quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam ở cơ sở giam giữ

Địa điểm tiếp công dân, phòng thăm gặp được bố trí ở nơi thuận tiện, dễ biết, có trang thiết bị cần thiết để cơ quan, tổ chức, cá nhân liên hệ, giải quyết công việc hoặc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Tại địa điểm tiếp công dân phải có biển ghi tên cơ quan, đơn vị, cán bộ tiếp công dân, nội quy nơi tiếp công dân.

Phòng thăm gặp phải treo biển “Phòng thăm gặp”, có vách ngăn, bảng niêm yết Nội quy cơ sở giam giữ, quy định về thăm gặp, hòm thư góp ý, bảng thông tin trợ giúp pháp lý.

Điều 7. Những việc cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, thực hiện trong công tác quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam ở cơ sở giam giữ

1. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong công tác quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam ở cơ sở giam giữ.

2. Xuất trình giấy tờ có liên quan theo quy định khi đến thăm gặp, tiếp xúc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam và đề nghị giải quyết các công việc liên quan; nghiêm chỉnh thực hiện nội quy và chỉ dẫn của cán bộ, chiến sĩ thi hành nhiệm vụ tại cơ sở giam giữ.

3. Phát hiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, giáo dục người bị tạm giữ, người bị tạm giam; tham gia đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ.

Điều 8. Những việc người bị tạm giữ, người bị tạm giam tham gia ý kiến  

1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được đề xuất ý kiến đối với bản thân cũng như đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam khác.

2. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; được kiến nghị với thủ trưởng cơ sở giam giữ đối với những biểu hiện tiêu cực, thiếu sót trong quản lý giam giữ, giáo dục người bị tạm giữ, người bị tạm giam của cán bộ, chiến sĩ công tác tại cơ sở giam giữ; những lời nói, cử chỉ, hành động sai trái, vi phạm pháp luật của người bị tạm giữ, người bị tạm giam khác.

3. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện việc tham gia ý kiến, kiến nghị, đề xuất thông qua hòm thư góp ý, đối thoại trực tiếp hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật và của Thông tư này.

Điều 9. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ sở giam giữ

1. Tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các nội dung quy định tại Điều 4, 5, 6 Chương II Thông tư này. Phát hiện, xem xét, xử lý cán bộ, chiến sĩ vi phạm dân chủ trong công tác quản lý, giáo dục người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các nội dung quy định tại Điều 7, 8 Chương II Thông tư này.

3. Bố trí các hòm thư góp ý, khiếu nại, tố cáo đặt tại buồng giam hoặc nơi công cộng trong phạm vi cơ sở giam giữ.  

4. Định kỳ tiếp công dân mỗi tháng 1 lần, nghe ý kiến phản ánh của công dân; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân. Thông báo đúng thời hạn, bằng văn bản, niêm yết công khai trả lời việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, đơn thư góp ý của công dân.

5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở giam giữ

1. Thực hiện nghiêm túc quy định của Thông tư này.

2. Chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệnh Công an nhân dân khi tiếp xúc, làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Phát hiện, báo cáo kịp thời lãnh đạo đơn vị các hành vi vi phạm dân chủ trong công tác quản lý, giáo dục người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

4. Sử dụng trang thiết bị, phương tiện cần thiết để phục vụ công tác theo quy định.

5. Nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ tự ý tiếp xúc để lợi dụng vay, mượn, xin, mua, bán hoặc nhận tiền, quà biếu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và thân nhân của họ dưới bất kỳ hình thức nào hoặc đưa các đồ vật thuộc danh mục cấm vào cơ sở giam giữ; tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; giúp sức, che giấu cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam và người khác vi phạm nội quy cơ sở giam giữ, làm ảnh hưởng đến công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

 

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày    tháng     năm 2019.

Quy chế thực hiện dân chủ trong tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an ban hành kèm theo Quyết định số 729/1998/QĐ-BCA(V19) ngày 09 tháng 11 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Công an hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 12. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

2. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương phản ánh về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp) để được hướng dẫn kịp thời./.                                             

Nơi nhận:

- BCĐTW về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở;

- Các đồng chí Thứ trưởng;

- Thành viên BCĐ thực hiện dân chủ Bộ Công an; 

- Các đơn vị thuộc Bộ;

- Công an các tỉnh, TP trực thuộc TW;

- Lưu: VT, V03, C11(P3).

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

 

Đại tướng Tô Lâm

dự thảo tiếng việt
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY