Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn Điều 324 về tội rửa tiền

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Nghị quyết

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền
Lĩnh vực: Hình sự Loại dự thảo:Nghị quyết
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối caoTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Nội dung tóm lược

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền.
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Số:      /2018/NQ-HĐTP

      CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------

DỰ THẢO

             Hà Nội, ngày     tháng     năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

Hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

 

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;

Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT NGHỊ:


             Điều 1. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị quyết này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.

2. Công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó có thể bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đăng ký xe mô tô, xe máy, tàu bay, tàu biển.

3. Tài sản do phạm tội mà có là tài sản, tiền do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội.

4. Tài sản trực tiếp do phạm tội mà có là tài sản có nguồn gốc trực tiếp từ hành vi phạm tội hoặc tài sản được mua bằng tiền do phạm tội mà có.

5. Tài sản gián tiếp do phạm tội mà có là tài sản phát sinh từ việc thực hiện một hành vi phạm tội nhưng không liên quan trực tiếp tới hành vi phạm tội như: tiền cho thuê nhà được mua bằng tài sản trực tiếp do phạm tội mà có hoặc tiền lãi thu được từ tài khoản tiền gửi do phạm tội mà có.

6. Thu lợi bất chính là thu được lợi nhuận từ việc chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hoặc rửa tiền hoặc tiền thu được từ các hành vi phạm tội của chính mình hoặc người khác.

7. Biết hay có cơ sở để biết tiền, tài sản do phạm tội mà có có chứng cứ trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện mối liên hệ trong các giao dịch bằng tiền, tài sản giữa tội phạm nguồn với người khác mà các đối tượng không có xuất trình được chứng cứ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số tiền, tài sản này đã được  sử dụng vào việc kinh doanh, làm dịch vụ, hoạt động thành lập doanh nghiệp hoặc sử dụng vào các mục đích khác nhau như từ thiện, tặng cho.

Điều 2. Tội phạm nguồn

1. Tội phạm nguồn là tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự mà tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền. Hành vi phạm tội nguồn có thể được thực hiện trong hoặc ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Việc xác định tội phạm nguồn được căn cứ vào bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc các tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp.

Điều 3. Xác định hành vi rửa tiền

1. Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch ngân hàng, tài chính hoặc giao dịch khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản:

a) Mở tài khoản và gửi tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng ở nước ngoài;

b) Góp vốn, huy động vốn vào doanh nghiệp bằng tiền, tài sản dưới mọi hình thức;

c) Rút tiền bằng bất kỳ hình thức nào bằng các công cụ khác nhau như: séc, hối phiếu, trái phiếu, thẻ tín dụng;

d) Thế chấp, quyền thế chấp;

đ) Cho vay, cho thuê tài chính;

e) Chuyển tiền hoặc chuyển giá trị;

g) Giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác;

h) Tham gia phát hành chứng khoán;

i) Bảo lãnh và cam kết về tài chính, kinh doanh ngoại tệ, công cụ tiền tệ và chứng khoán có thể chuyển nhượng;

k) Quản lý danh mục đầu tư cá nhân và tập thể;

l) Quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán thanh khoản thay mặt cho các cá nhân, tập thể khác;

m) Quản lý hoặc cung cấp bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên quan đến đầu tư khác;

n) Thực hiện chuyển đổi tiền tệ.

2. Hành vi sử dụng tiền hoặc tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là dùng tiền, tài sản đó để thực hiện thành lập doanh nghiệp, kinh doanh, làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện, mua tài sản bằng các hình thức khác nhau hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo.

3. Hành vi che giấu thông tin quy định tại điểm c khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là các hoạt động với ý định lừa dối người khác về nguồn gốc, bản chất thực sự hoặc địa điểm, sắp xếp, dịch chuyển, các quyền hoặc quyền sở hữu tài sản với hiểu biết rằng tài sản có nguồn gốc từ tội phạm.

4. Hành vi cản trở việc xác minh thông tin quy định tại điểm c khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là việc cố ý gây khó khăn, trở ngại cho việc tiến hành làm rõ về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền hoặc tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có.

5. Vi phạm quy định tại Điều 324 bao gồm các yếu tố hiểu biết (biết hoặc có cơ sở để biết) và các yếu tố hành vi về giao dịch tiền hoặc tài sản, sử dụng tiền hoặc tài sản, che giấu thông tin về nguồn gốc của tiền hoặc tài sản hoặc xử lý tài sản gián tiếp do phạm tội mà có dưới bất kỳ hình thức nào. Các yếu tố hành vi và các thuật ngữ liên quan được định nghĩa dưới đây trong các khoản 1 đến khoản 4 của Điều này.

Điều 4. Về một số tình tiết định khung hình phạt

1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự việc người có chức vụ, quyền hạn sử dụng chức vụ, quyền hạn đó một cách trái pháp luật để thực hiện một trong các hành vi tại khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại Điều 3 của Nghị quyết này.

2. Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm c khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội rửa tiền từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

3.

Phương án 1:

Có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi rửa tiền từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy việc phạm tội làm nghề sinh sống, lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc rửa tiền làm nguồn sống chính.

Phương án 2:

Có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự một trong các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện hành vi rửa tiền từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích);

b) Người phạm tội lấy việc phạm tội làm nghề sinh sống, lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc rửa tiền làm nguồn sống chính.

Khi áp dụng tình tiết phạm tội "có tính chất chuyên nghiệp", cần phân biệt: trong trường hợp phạm tội từ 05 lần trở lên, trong đó ít nhất một lần bị kết án và chưa được xóa án tích, thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "tái phạm" hoặc "tái phạm nguy hiểm" và "phạm tội nhiều lần".

4. Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội sử dụng những mánh khoé, cách thức gian dối, thâm hiểm để thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp người phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để che giấu hành vi phạm tội đã xảy ra thì không áp dụng tình tiết này.

5. Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia quy định tại điểm c khoản 3 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp hành vi phạm tội xâm phạm đến tính ổn định hoặc gây ra nguy cơ mất ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.

Điều 5. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại

1. Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội bị Tòa án áp dụng hình phạt chính là phạt tiền quy định tại các điểm a, b, c khoản 6 Điều 324 của   Bộ luật hình sự thì không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 324 của Bộ luật Hình sự.

2. Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội bị Tòa án áp dụng hình phạt chính là đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn quy định tại các điểm c, d khoản 6 Điều 324 của Bộ luật Hình sự thì trong bản án phải tuyên rõ hậu quả pháp lý của việc đình chỉ hoạt động doanh nghiệp.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày... tháng... năm 2018 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày...     tháng ...... năm 2018.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh cho   Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để có hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung kịp thời./.

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ban Nội chính Trung ương;

- Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ 02 bản (để đăng Công báo);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao; 
- Bộ Tư pháp; 
- Bộ Công an;  
- Các Thẩm phán TANDTC;
- Các đơn vị thuộc TANDTC;
- Các TAND và TAQS các cấp;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VT (Vụ PC&QLKH, TANDTC).

TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
CHÁNH ÁN



 



Nguyễn Hòa Bình 

Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi