Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 213 về Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Nghị quyết

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 213 về Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, Điều 214 về Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về Tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự
Lĩnh vực: Hình sự Loại dự thảo:Nghị quyết
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Toà án nhân dân tối caoTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi áp dụng

Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); Tội gian lận bảo hiểm y tế  (Điều 215) và Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216) của Bộ luật Hình sự.

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

­­­­­­­­­­­­­­­­­­__________________________

Số:        /2019/NQ-HĐTP

(Dự thảo 1)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

__________________________

Hà Nội, ngày      tháng      năm 2019


NGHỊ QUYẾT

Hướng dẫn áp dụng Điều 213 về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự

 

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Để áp dụng đúng và thống nhất các điều 213, 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự;

Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và  Bộ trưởng Bộ Tư pháp,


QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); Tội gian lận bảo hiểm y tế  (Điều 215) và Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216) của Bộ luật Hình sự.

Điều 2. Về một số tình tiết định tội

1. Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật quy định tại điểm a khoản 1 Điều 213 của Bộ luật Hình sự là hành vi thỏa thuận, câu kết với người được thụ hưởng tiền bảo hiểm xác định sự kiện bảo hiểm xảy ra không đúng tính chất, mức độ thiệt hại cần chi trả bảo hiểm để chiếm đoạt tiền bảo hiểm.

2. Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường quy định tại điểm b khoản 1 Điều 213 của Bộ luật Hình sự là hành vi làm giả hoặc sử dụng tài liệu giả hoặc cố ý làm sai lệch, điều chỉnh sai thông tin có liên quan đến sự kiện bảo hiểm trong hồ sơ yêu cầu bồi thường.

Ví dụ: theo quy định của tổ chức chi trả bảo hiểm thì hồ sơ yêu cầu bồi thường cần phải có các tài liệu cần và đủ mới được chi trả bảo hiểm nhưng các tài liệu có liên quan đến sự kiện bảo hiểm không có và người yêu cầu bồi thường đã làm giả hoặc sử dụng tài liệu giả đó để yêu cầu bồi thường hoặc có các tài liệu đó nhưng nội dung, thông tin đã bị điều chỉnh không đúng sự thật.

3. Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 213 của Bộ luật Hình sự là tự mình hoặc nhờ người khác gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của chính mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.

Ví dụ: Người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm tự cắt bộ phận cơ thể để tạo sự kiện bảo hiểm thân thể mà mình đã ký kết với công ty bảo hiểm để hưởng quyền lợi bảo hiểm.

4. Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Hình sự là hành vi lập hồ sơ bảo hiểm xã hội, hiểm thất nghiệp giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp để hưởng chế độ bảo hiểm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất trái quy định.

5. Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế quy định tại khoản 1 Điều 215 của       Bộ luật Hình sự là chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế và việc chi trả được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của Cơ quan quản lý bảo hiểm y tế.

6. Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống quy định tại điểm a khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp không có sự việc khám, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế hoặc có tham gia việc khám chữa bệnh nhưng không phải điều trị nhưng vẫn lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc cho người có thẻ bảo hiểm y tế.

7. Kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp có sự việc khám, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế nhưng kê đơn thuốc nhiều hơn thực tế người khám, chữa bệnh phải điều trị; hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật không cần thiết cho việc điều trị; tăng số lượng ngày điều trị nội trú tại bệnh viện của người tham gia bảo hiểm y tế để tăng tiền chi phí giường bệnh.

8. Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế quy định tại điểm b khoản 1       Điều 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp sử dụng hồ sơ, thẻ bảo hiểm của người khác tuy không có sự kiện bảo hiểm xảy ra nhưng đã lập hồ sơ, chứng từ thanh toán để chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế.

9. Thẻ bảo hiểm y tế giả quy định tại điểm b khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Người thực hiện hành vi này, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm y tế còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm con dấu giả, tài liệu giả của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

10. Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống quy định tại điểm b khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người thụ hưởng không đúng đối tượng hoặc cấp cho người đã bị mất tích, chết.

11. Thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa quy định tại điểm b khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp thẻ bảo hiểm y tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người thụ hưởng nhưng đã bị thu hồi hoặc đã bị sửa chữa thuộc trường hợp không được sử dụng để thanh toán tiền bảo hiểm.

12. Gian dối để không đóng, đóng không đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là trường hợp kê khai, báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền việc đóng bảo hiểm bắt buộc không đúng thực tế. Trường hợp người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, nhưng do điều kiện khách quan, hoàn cảnh khó khăn của mình mà không thể đóng bảo hiểm đầy đủ hoặc không đóng bảo hiểm theo đúng quy định thì không xác định là hành vi trốn đóng bảo hiểm.

13. Không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp nhưng không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã trích nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội, y tế, lao động thương binh và xã hội theo quy định.

14. Đóng không đầy đủ theo quy tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp đầy đủ nhưng chỉ đóng một phần tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã trích nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội, y tế, lao động thương binh và xã hội theo quy định.

15. Thủ đoạn khác theo quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là trên cơ sở các quy định của nhà nước về chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp hoặc người lao động để lập hồ sơ, tài liệu không đúng tình hình thực tế của doanh nghiệp, người lao động trong doanh nghiệp để không đóng hoặc đóng bảo hiểm thấp hơn quy định một cách hợp pháp mà chỉ qua thanh tra, kiểm tra hoặc giám định mới phát hiện được.

Ví dụ: Lợi dụng quy định người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong một tháng thì không đóng bảo hiểm tháng đó quy định tại khoản 3 Điều 85 của Bộ luật lao động, người sử dụng lao động đã áp dụng quy định này cho các lao động của mình trong công ty để không phải đóng bảo hiểm.

16. 06 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự được xác định là:

Phương án 1: 06 tháng liên tiếp trên 01 năm lao động.

Phương án 2: 06 tháng cộng dồn trên 01 năm lao động.

Điều 3. Về một số tình tiết định khung hình phạt

1. Có tổ chức quy định tại điểm a khoản 2 các điều 213, 214 và 215 của Bộ luật Hình sự là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ và phân công, sắp đặt vai trò của những người cùng thực hiện tội phạm.

2. Có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm b khoản 2 của các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự  là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc phạm tội làm nguồn sống chính.

3. Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt quy định tại điểm b khoản 2 của Điều 213, điểm đ khoản 2 Điều 214 và điểm đ khoản 2 Điều 214 của Bộ luật Hình sựtrường hợp khi phạm tội có nhiều hành vi phức tạp, những mánh khoé, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho bị hại hoặc những người khác khó lường thấy trước được để đề phòng và đạt kết quả phạm tội như mong muốn.

4. Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm a khoản 2 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm d khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là trường hợp…

Điều 4. Xác định thiệt hại

1. Việc xác định thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra quy định tại các điều 213, 214 và 215 của Bộ luật Hình sự là tổn thất thực tế về vật chất, không bao gồm khoản tiền bảo hiểm, y tế, thất nghiệp bị chiếm đoạt.

2. Thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra bao gồm lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác khoản tiền bảo hiểm bị mất, bị giảm sút và chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. Việc xác định mức độ thiệt hại dựa trên chứng cứ về thiệt hại, kết quả trưng cầu giám định, bản kê khai thiệt hại và các căn cứ để xác định và tính toán mức thiệt hại. Được coi là có tổn thất thực tế nếu có đủ các căn cứ sau đây:

a) Lợi ích vật chất là có thực và thuộc về cơ quan, tổ chức bảo hiểm; cơ quan y tế; cơ quan lao động thương binh và xã hội;

b) Cơ quan, tổ chức bảo hiểm; cơ quan y tế; cơ quan lao động thương binh và xã hội có khả năng đạt được lợi ích quy định tại điểm a khoản này;

c) Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của cơ quan, tổ chức bảo hiểm; cơ quan y tế; cơ quan lao động thương binh và xã hội sau khi hành vi xâm phạm xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó.

Điều 5 . Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể

1. Trường hợp người thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm theo quy định tại Điều 213 của Bộ luật Hình nhiều lần mà mỗi lần thực hiện đều dưới mức 20.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại dưới mức 50.000.000 đồng mà tổng hợp các lần chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại đều trên mức tiền chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 213 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Trường hợp người thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 214, Điều 215 của Bộ luật Hình sự nhiều lần khác nhau, mỗi lần đều dưới 10.000.000đ, tổng số tiền chiếm đoạt trên 10.000.000đ và hành vi chiếm đoạt nhiều lần đó liên tiếp khác nhau trong vòng 06 tháng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp người thực hiện hành vi chưa chiếm đoạt được tiền bảo hiểm do các yếu tố khách quan, ngoài ý muốn nhưng đã hoàn thành các thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thì không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 15 của Bộ luật Hình sự.

3. Trường hợp người phạm tội vừa chiếm đoạt tiền bảo hiểm vừa gây thiệt hại mà số tiền chiếm đoạt, gây thiệt hại đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự tại các điều 213, 214 và 215 của Bộ luật Hình sự thì xử lý        như sau:

a) Nếu cả tiền chiếm đoạt, tiền gây thiệt hại thuộc khung hình phạt cơ bản thì chỉ áp dụng một tình tiết để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ví dụ: Nguyễn Văn A thực hiện hành vi lập hồ sơ giả bảo hiểm xã hội chiếm đoạt 20.000.000 đồng và gây thiệt hại 150.000.000 đồng thì Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Hình sự.

b) Nếu chỉ có tiền chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại thuộc khung tăng nặng trách nhiệm hình sự thì áp dụng 01 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ví dụ: Nguyễn Văn A thực hiện hành vi lập hồ sơ giả bảo hiểm xã hội chiếm đoạt 20.000.000 đồng và gây thiệt hại 250.000.000 đồng thì Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại diểm d khoản 2 Điều 214 của Bộ luật Hình sự.

c) Nếu cả tiền chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại cùng khung hình phạt tăng nặng thì áp dụng cả hai tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ví dụ: Nguyễn Văn B thực hiện hành vi lập hồ sơ giả bảo hiểm xã hội chiếm đoạt 150.000.000 đồng và gây thiệt hại 250.000.000 đồng thì Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 214 của Bộ luật Hình sự.

d) Nếu tiền chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại khác khung hình phạt tăng nặng thì chỉ áp dụng 01 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự ở khu hình phạt cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ví dụ: Nguyễn Văn B thực hiện hành vi lập hồ sơ giả bảo hiểm xã hội chiếm đoạt 150.000.000 đồng và gây thiệt hại 500.000.000 đồng thì Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 214 của Bộ luật Hình sự.

4. Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội là người được giao trực tiếp liên quan đến việc chi trả tiền bảo hiểm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản theo quy định tại Điều 353 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

5. Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội là người không trực tiếp liên quan đến việc chi trả tiền bảo hiểm nhưng đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 355 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Điều 6. Xác định tư cách tố tụng của cơ quan bảo hiểm trong vụ án hình sự

1. Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội bị truy tố theo Điều 213, Điều 214 và Điều 215 của Bộ luật Hình sự thì cơ quan bảo hiểm xã hội tham gia tố tụng với tư cách là bị hại.

2. Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội bị truy tố theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự thì cơ quan bảo hiểm tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người lao động tham gia tố tụng với tư cách là bị hại.

Điều 7. Xác định thời điểm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự

1. Trường hợp hành vi phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 đã hoặc chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà sau thời điểm này vẫn chưa đóng hoặc đóng không đầy đủ khoản tiền bảo hiểm đã được cơ quan có thẩm quyền xác định trước đó thì không truy cứu trách nhiệm theo quy định tại     Điều 216 của Bộ luật Hình sự. Việc giải quyết khoản tiền bảo hiểm trong trường hợp này thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thu bảo hiểm và pháp luật khác có liên quan.

2. Trường hợp hành vi phạm trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà sau thời điểm này vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng số tiền trốn đóng dưới 50.000.000đ hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 09 người trở xuống thì không coi lần xử phạt vi phạm hành chính trước đây để làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 216 của  Bộ luật Hình sự.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày       tháng       năm 2019 và có hiệu lực thi hành kể từ     ngày     tháng      năm 2019.

 

 

Nơi nhận:

- Ủy  ban Thường vụ Quốc hội (để giám sát);
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (để giám sát);
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (để giám sát);
- Ban Nội chính Trung ương (để báo cáo);
- Văn phòng Trung ương Đảng (để báo cáo);
- Văn phòng Chủ tịch nước (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ 02 bản (để đăng Công báo);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao (để phối hợp);
- Bộ Tư pháp (để phối hợp);
- Bộ Công an (để phối hợp);
- Các TAND và TAQS các cấp (để thực hiện);
- Các Thẩm phán và các đơn vị TANDTC (để thực hiện);

- Cổng thông tin điện tử TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VT, Vụ PC&QLKH TANDTC.

TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN

CHÁNH ÁN

 

 

 

 

Nguyễn Hòa Bình

 

 

 

 

Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi