Bị nick ảo vu khống trên facebook, phải tố cáo đến ai?

Cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội là tình trạng cá nhân, tổ chức bị bôi nhọ, vu khống ngày càng tăng. Vậy nếu bị nick ảo vu khống trên facebook thì phải tố cáo đến ai?

Phải làm gì khi bị vu khống trên facebook?

Hiện nay, mạng xã hội ngày càng phát triển kéo theo khá nhiều tệ nạn, tội phạm cũng gia tăng không ngừng. Đặc biệt là trên mạng xã hội facebook, tình trạng vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, lừa đảo … đang ở mức báo động.

Theo đó, khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng 2018 quy định, làm nhục, vu khống là hành vi bị cấm và gồm:

- Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác

- Thông tin bịa đặt, sai sự thật:

+ Xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm

+ Gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác

Cũng tại Luật An ninh mạng 2018, Điều 36 nêu rõ, Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo về an ninh mạng.

Do đó, khi gặp trường hợp bị vu khống trên facebook, người dân cần phải báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời xử lý.

Nếu xác định và có bằng chứng biết rõ người đứng đằng sau nick facebook vu khống mình, người bị vu khống có thể viết đơn tố cáo, khiếu nại gửi đến cơ quan có chức năng để được giải quyết.

Nếu người vu khống dùng nick ảo, người bị vu khống có thể tố giác, báo tin tội phạm … đến cơ quan công an. Bằng nghiệp vụ của mình, cơ quan công an chắc chắn sẽ nhanh chóng tìm ra danh tính và thông tin của người phạm tội.

vu khống trên facebook

Tố cáo đến ai khi bị nick ảo vu khống trên facebook? (Ảnh minh họa)


Nick ảo vu khống người khác bị xử lý thế nào?

Sau khi có kết luận điều tra, căn cứ vào mức độ, tính chất của vụ việc, người có hành vi dùng nick ảo vu khống người khác có thể bị xử lý hành chính, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự.

Xử lý hành chính

Đối với người dùng nick ảo để vu khống người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 02 đến 03 triệu với hành vi “viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân” được quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Không chỉ cá nhân dùng facebook bị xử phạt hành chính mà các cơ quan, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội cũng bị phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng nếu cung cấp thông tin vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

(Khoản 4 Điều 65 Nghị định 174/2013/NĐ-CP).

Chịu trách nhiệm hình sự

Người nào dùng facebook để vu khống người khác có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về một trong các tội sau đây:

- Tội vu khống (Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015) với mức phạt tù cao nhất lên đến 03 năm và có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng.

- Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015) với mức phạt tù cao nhất là 02 năm khi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

Trên đây là quy định về việc xử lý hành vi dùng nick ảo vu khống người khác trên facebook. Để bảo vệ mình và người khác, mỗi cá nhân phải thật sáng suốt và cư xử đúng mực trên mạng xã hội.

Ngoài ra, độc giả có thể tìm hiểu thêm các thông tin khác về các quy định hình sự tại đây.

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Những ngày gần Tết, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân đối với các loại bánh kẹo, thực phẩm là rất lớn. Nhân cơ hội này, nhiều người đã sản xuất, buôn bán các loại hàng giả để kiếm lời. Vậy buôn bán hàng giả ngày Tết bị phạt thế nào?