2 cách chống trộm rất dễ... đi tù!

Để bảo vệ an toàn cho tài sản, nhiều người đã sử dụng các cách chống trộm rất nguy hiểm như lắp hàng rào điện, trang bị dùi cui, bình xịt hơi cay,... Tuy nhiên, nếu chống trộm bằng những cách này, chủ nhà rất có thể sẽ bị phạt tiền, thậm chí đi tù.


Trang bị dùi cui, xịt hơi cay,… để chống trộm là vi phạm pháp luật

Hiện nay, nhiều người đã tự sắm cho mình những vật dụng như: dùi cui, xịt hơi cay, súng bắn điện,… để phòng, chống trộm cắp.

Theo quy định của pháp luật, các loại vật dụng trên được xếp vào các nhóm các công cụ hỗ trợ. Cụ thể, tại khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định:

11. Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:

a) Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này;

b) Phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;

c) Lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;

d) Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh;

Theo quy định trên, các loại công cụ hỗ trợ chỉ được sử dụng dụng trong thi hành công vụ, việc tự ý sử dụng một trong các loại công cụ hỗ trợ trên là vi phạm pháp luật.

Trong đó, việc sử dụng các loại công cụ hỗ trợ trên để chống trộm có thể bị phạt hành chính. Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định như sau:

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

d) Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả;

đ) Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép…

Như vậy, nếu sử dụng công cụ hỗ trợ để chống trộm, chủ nhà có thể bị phạt hành chính đến 04 triệu đồng.

Trường hợp sử dụng các loại công cụ hỗ trợ trên để chống trộm và gây thương tích cho kẻ trộm, chủ nhà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích.

Tùy theo mức độ thương tích, mức phạt với Tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.

cach chong trom
2 cách chống trộm rất dễ... đi tù! (Ảnh minh họa)

Sử dụng hàng rào điện để chống trộm có thể phạm tội giết người

Điều 59 Luật Điện lực 2004 quy định về sử dụng hàng rào điện như sau:

1. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có mức điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào hàng rào, vật cản, vật che chắn của khu vực được bảo vệ (sau đây gọi chung là hàng rào điện) để ngăn cản việc xâm phạm khu vực được bảo vệ và phát tín hiệu báo động cho người bảo vệ khu vực đó biết.

2. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp chỉ được thực hiện khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

3. Hàng rào điện phải được thiết kế, lắp đặt tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc, có biển báo nguy hiểm, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống điện, không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống. Người quản lý, sử dụng hàng rào điện phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về điện.

Theo quy định trên, việc sử dụng hàng rào điện để chống trộm phải được nhà nước cho phép và được thiết kế đảm bảo an toàn. Tùy từng trường hợp cụ thể, người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dùng hàng rào điện để chống trộm là một trong những hành vi sử dụng điện để bảo vệ trực tiếp, nếu không được cho phép, không đảm bảo an toàn khi dùng thì sẽ bị phạt hành chính. Theo điểm đ khoản 4 Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP, việc sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

Trường hợp dùng hàng rào điện để chống trộm gây chết người, chủ nhà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giết người.

Tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ phạm tội, mức phạt cao nhất được áp dụng với tội này là phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Các cách chống trộm và “bắt trộm” đúng luật

Để ngăn chặn trộm cắp một cách hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo không vi phạm các quy định của pháp luật, có thể áp dụng một số cách sau:

- Gia cố tất cả cảnh cửa thật chắc chắn;

- Dùng ổ khóa chống cắt, chống chìa khóa vạn năng;

- Lắp camera quan sát;

- Nuôi chó giữ nhà;

- Sử dụng két sắt để cất giữ tài liệu quan trọng…

Ngoài ra, trong trường hợp bắt quả tang kẻ trộm, chủ nhà nên bình tĩnh "bắt trộm" theo các phương án sau:

- Nếu phát hiện trộm khi có người xung quang hoặc công an hỗ trợ, chủ nhà nên thông báo, hô hoán người dân xung quanh hỗ trợ bắt trộm. Nếu đủ khả năng khống chế kẻ trộm thì có thể khóa tay người đó ra phía sau, không để chống cự chứ không được đánh, gây thương tích cho kẻ trộm.

Sau đó, báo ngay cho công an xã, phường, thị trấn gần nhất hoặc gọi 113 để trình báo vụ việc.

- Trường hợp không có người xung quanh hoặc công an hỗ trợ, người phát hiện trộm nên quay phim, chụp ảnh làm chứng và gọi điện thoại báo công an hỗ trợ bắt giữ. 

Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:
(10 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Những ngày gần Tết, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân đối với các loại bánh kẹo, thực phẩm là rất lớn. Nhân cơ hội này, nhiều người đã sản xuất, buôn bán các loại hàng giả để kiếm lời. Vậy buôn bán hàng giả ngày Tết bị phạt thế nào?