Ra nước ngoài du học, lao động có cần khai báo tạm vắng không?

Trong một số hợp, công dân thay đổi nơi sinh sống, làm việc có trách nhiệm khai báo tạm vắng với cơ quan Nhà nước. Vậy xuất cảnh ra nước ngoài có cần khai báo tạm vắng không?

Xuất cảnh ra nước ngoài có cần khai báo tạm vắng không?

Khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú 2020 quy định công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng trong các trường hợp sau đây:

Trường hợp (1): Đi khỏi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với:

  • Người là bị can, bị cáo đang tại ngoại;
  • Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án;
  • Người bị kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo và đang trong thời gian thử thách;
  • Người đang phải chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ;
  • Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện và đang trong thời gian thử thách;

Trường hợp (2): Đi khỏi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với:

  • Người đang phải chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
  • Người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, vào trường giáo dưỡng nhưng được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành;
  • Người bị quản lý trong khoảng thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, vào trường giáo dưỡng;

Trường hợp (3): Đi khỏi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên đối với người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác với Nhà nước.

Trường hợp (4): Đi khỏi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên với người không thuộc các trường hợp trên, trừ người đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.

Theo quy định trên, người xuất cảnh ra nước ngoài không thuộc bất kỳ trường hợp phải khai báo tạm vắng nào. Do đó, những người ra nước ngoài du học, lao động hay du lịch… không cần phải khai báo tạm vắng.

Xuất cảnh ra nước ngoài có cần khai báo tạm vắng không? (Ảnh minh họa)

Thủ tục khai báo tạm vắng thực hiện như thế nào?

Nếu thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật cư trú nêu trên, công dân phải khai báo tạm vắng theo các khoản 2, 3, 4, 5 của Điều này như sau:

Trước khi đi khỏi nơi cư trú, những người thuộc trường hợp (1), (2) phải đến khai báo tạm vắng tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú (công an cấp xã).

Khi đến khai báo tạm vắng phải nộp đề nghị khai báo tạm vắng và văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý, giáo dục người đó.

Cơ quan đăng ký cư trú sẽ hướng dẫn, kiểm tra nội dung khai báo. Trong 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị khai báo tạm vắng, cơ quan đăng ký cư trú cấp phiếu khai báo tạm vắng cho công dân; trường hợp phức tạp thì thời gian giải quyết có thể kéo dài đến 02 ngày làm việc.

Những người thuộc trường hợp (3), (4) phải khai báo tạm trú đã nêu ở mục trên có thể đến khai báo tạm vắng trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú hoặc khai báo qua điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác.

Trường hợp người đi khỏi đơn vị hành chính cấp xã từ 12 tháng trở lên là người chưa thành niên thì người thực hiện khai báo là cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Về nội dung khai báo tạm vắng: Bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân (chính là số Căn cước công dân) hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người khai báo tạm vắng; thời gian tạm vắng; lý do tạm vắng; địa chỉ nơi đến.

Cơ quan đăng ký cư trú sẽ cập nhật thông tin khai báo tạm vắng của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người khai báo về việc đã cập nhật thông tin khai báo tạm vắng khi có yêu cầu.

Trên đây là giải đáp về vấn đề: Xuất cảnh ra nước ngoài có cần khai báo tạm vắng không? Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192  để được chúng tôi hỗ trợ nhanh nhất.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục