8 thay đổi trong xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 97

Để giải quyết vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định 97/2017/NĐ-CP được ban hành sửa đổi Nghị định 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính trước đây. Đáng chú ý là 8 thay đổi về xử phạt vi phạm hành chính.

2 tiêu chí xác định tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính

Nghị định này đã bổ sung tiêu chí xác định tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau:

- Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật;

- Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và theo quy định phải bị xử phạt hành chính.

Căn cứ: khoản 1 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP

Theo đó, pháp nhân là tổ chức được thành lập hợp pháp, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh chính mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập (khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015).

Như vậy, đối với đối tượng xử phạt vi phạm hành chính là tổ chức phải thỏa mãn đủ 2 điều kiện nêu trên.

Cán bộ, công chức đang thi hành công vụ không bị xử phạt

cán bộ công chức đang thi hành công vụ không bị xử phạt
Cán bộ, công chức đang thi hành công vụ không bị xử phạt hành chính (Ảnh minh họa)

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính (khoản 4 Điều 1 Nghị định 81/2013/NĐ-CP).

Tuy nhiên, chưa có căn cứ cụ thể để xác định người vi phạm đang thi hành công vụ.

Vì vậy, Nghị định 97/2017/NĐ-CP đã làm rõ nội dung này, hành vi vi phạm thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành thì không bị xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định về cán bộ, công chức, viên chức.

Lưu ý, tham khảo 7 công việc cán bộ không được làm tại đây.

Phải sửa đổi quyết định xử lý vi phạm hành chính khi nào?

Theo khoản 8 Điều 1 Nghị định 97, quyết định xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung khi:

- Có sai sót về kỹ thuật soạn thảo làm ảnh hưởng đến nội dung của quyết định;

- Có sai sót về nội dung nhưng không làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định.

Còn trong trường hợp có sai sót về kỹ thuật soạn thảo mà không làm ảnh hưởng đến nội dung của quyết định thì đính chính quyết định về xử lý vi phạm hành chính đó.

Người đã ban hành quyết định đó tự mình hoặc theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người đó có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung hoặc đính chính những nội dung sai sót trong quyết định.

Xem thêm: Bị CSGT xử phạt, muốn khiếu nại làm thế nào?

vi phạm hành chính theo Nghị định 97
8 thay đổi trong xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 97 (Ảnh minh họa)

Có thời hạn 1 năm để hủy quyết định xử phạt vi phạm

Thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, trừ trường hợp hết thời hiệu quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 6  Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Về nguyên tắc chung thời hạn ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ quyết định xử phạt, ban hành quyết định mới là 01 năm (khoản 10 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP).

Người đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính phải hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Có vi phạm quy định pháp luật về thẩm quyền, thủ tục xử lý vi phạm hành chính;

- Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp không được ra quyết định xử phạt vi phạm;

Xem thêm: Vi phạm hành chính không bị xử phạt khi nào?

- Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

Trong đó, hồ sơ xử phạt vi phạm bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục (khoản 2 Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

- Có quyết định khởi tố vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đối với vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm.

Được nộp phạt vi phạm giao thông qua bưu điện

nộp phạt vi phạm giao thông qua bưu điện
Nộp phạt vi phạm giao thông qua đường bưu điện (Ảnh minh họa)

Một trong những điểm mới nổi bật của Nghị định 97 là bổ sung thêm một hình thức nộp phạt: Nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc Nhà nước thông qua dịch vụ bưu chính công ích (khoản 16 Điều 1).

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ nộp phạt qua bưu điện sẽ được cấp Giấy chứng nhận nộp tiền phạt hoặc xác nhận nộp tiền phạt của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (nếu có).

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiền phạt được nộp vào tài khoản của Kho bạc nhà nước, thì người tạm giữ các giấy tờ để bảo đảm cho việc xử phạt phải gửi trả lại cá nhân, tổ chức bị xử phạt các giấy tờ đã tạm giữ qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm.

Chi phí gửi quyết định xử phạt và chi phí gửi trả lại giấy tờ do cá nhân, tổ chức bị xử phạt chi trả. Ngoài ra, người vi phạm giao thông trong điều kiện nhất định còn có thể nhờ người nộp phạt hộ.

Chỉ được tịch thu phương tiện vi phạm trong trường hợp này

Nghị định này nhấn mạnh chỉ áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khi Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước có quy định hình thức xử phạt này đối với từng hành vi cụ thể. 

Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước để thay thế cho việc thực hiện hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, nếu không nộp thì bị cưỡng chế.

Căn cứ: khoản 21 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP

tịch thu phương tiện vi phạm
Chỉ tịch thu phương tiện vi phạm khi có quy định hình thức xử phạt này (Ảnh minh họa)

7 trường hợp chấm dứt việc giao quyền cho cấp phó

Việc giao quyền cho cấp phó chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt và phải được thể hiện bằng quyết định giao quyền, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; cưỡng chế; tạm giữ người theo thủ tục hành chính; áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính có thể giao quyền cho cấp phó.

Việc giao quyền chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau theo khoản 5 Điều 1 Nghị định 97/2017:

- Quyết định giao quyền hết thời hạn;

- Công việc được giao quyền đã hoàn thành;

- Cấp trưởng chấm dứt việc giao quyền cho cấp phó. Trong trường hợp này, việc chấm dứt giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định;

- Người giao quyền hoặc người được giao quyền nghỉ hưu, thôi việc, được điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức hoặc tạm đình chỉ công tác;

- Người giao quyền hoặc người được giao quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết;

- Công việc được giao quyền tuy chưa hoàn thành nhưng vụ việc phải chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền khác xử lý;

- Người giao quyền hoặc người được giao quyền bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Thay mới toàn bộ biểu mẫu trong xử phạt hành chính

biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính
Thay mới toàn bộ biểu mẫu trong xử phạt hành chính (Ảnh minh họa)

Do không phù hợp với thể thức văn bản hành chính quy định tại Thông tư 01/2011/TT-BNV, Nghị định 97/2017/NĐ-CP đã ban hành kèm theo Phụ lục về mẫu biên bản và mẫu quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính thay thế cho Phụ lục trước đó tại Nghị định 81/2013/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Nghị định còn bổ sung một số biểu mẫu quan trọng mà Nghị định 81/2013/NĐ-CP còn thiếu như quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính; biên bản trả lại tang vật, giấy tờ, phương tiện...

Với 8 điểm thay đổi trên đây, Nghị định 97 sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý trong việc xử phạt vi phạm hành chính. Bạn đọc có thể tham khảo các bài viết liên quan tại đây.

>> Luật Xử lý vi phạm hành chính: 9 điểm nổi bật nhất

Hậu Nguyễn

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?

Gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?

Gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?

Gian lận về giá là một hành vi xảy ra khi doanh nghiệp cố tình tăng giá, khai báo sai giá trị hoặc sử dụng các thủ thuật không minh bạch để trục lợi từ người tiêu dùng. Vậy gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp có hành vi gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?