Việc con trẻ tự tham gia giao thông đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, việc vi phạm giao thông của những đối tượng này không phải ít và rất dễ bị xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
1 - Tụ tập dưới lòng, lề đường
Không khó để bắt gặp hình ảnh các nhóm học sinh túm năm tụm bảy đứng trước cổng trường, thậm chí tràn xuống lòng, lề đường đùa giỡn nhau gây mất an toàn giao thông.
Tuy nhiên, các em có thể sẽ không biết:
- Bị phạt từ 100.000 đồng - 200.000 đồng nếu đi xe máy, kể cả xe máy điện mà dừng xe, đỗ xe dưới lòng đường hay tụ tập từ 03 xe trở lên ở lòng đường (điểm đ khoản 3 Điều 6).
- Bị phạt từ 60.000 đồng - 80.000 đồng nếu đi xe đạp, xe đạp máy mà đỗ xe ở lòng đường gây cản trở giao thông (điểm a khoản 2 Điều 8).
2 - Chạy xe dàn hàng ngang trên đường
Tình trạng học sinh chạy xe dàn hàng 3, hàng 4 phổ biến không chỉ ở nông thôn mà còn cả thành thị, gây mất trật tự giao thông và ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác.
Tương tự với lỗi trên, học sinh có thể:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng - 60.000 đồng nếu đi xe đạp, xe đạp máy dàn hàng ngang từ 03 xe trở lên (điểm g khoản 1 Điều 8).
- Phạt tiền từ 80.000 đồng - 100.000 đồng nếu đi xe máy, xe máy điện dàn hàng ngang từ 03 xe trở lên (điểm b khoản 2 Điều 6).
Các mức xử phạt học sinh vi phạm giao thông (Ảnh minh họa)
3 - Không đội mũ bảo hiểm
Giữ hình tượng, sợ hỏng tóc,… mà không đội mũ bảo hiểm là những suy nghĩ sai lầm của giới học sinh, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện nay, chỉ trừ người đi xe đạp, bất cứ ai điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, kể cả xe đạp máy đều phải đội mũ bảo hiểm. Do vậy, học sinh sẽ bị phạt từ 100.000 đồng - 200.000 đồng nếu đi xe máy, xe đạp máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội nhưng không cài quai đúng quy cách (điểm d khoản 4 Điều 8).
4 - Vượt đèn đỏ
Hình ảnh học sinh còn khoác trên mình chiếc áo đồng phục vượt đèn đỏ không phải là hình ảnh hiếm thấy. Đây là hành vi thiếu văn hóa, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Học sinh vượt đèn đỏ bị phạt:
- Từ 300.000 đồng - 400.000 đồng nếu đi xe máy, xe máy điện (điểm c khoản 4 Điều 6). Mức phạt này cũng áp dụng với trường hợp vượt đèn vàng trái quy định.
- Từ 60.000 đồng - 80.000 đồng nếu đi xe đạp, xe đạp máy (điểm h khoản 2 Điều 8).
5 - Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi
Có nhiều lý do để học sinh đi xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, nhưng vì lý do gì thì hành vi này cũng có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân mình và những người xung quanh khi không đủ khả năng và kinh nghiệm xử lý tình huống.
Trong trường hợp này, các em có thể bị phạt:
- Cảnh cáo với học sinh từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện (khoản 1 Điều 21).
- Phạt tiền từ 400.000 đồng - 600.000 đồng với học sinh từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên (điểm a khoản 4 Điều 21).
6 - Lạng lách, đánh võng
Tình trạng này phổ biến với các học sinh nam thích chứng tỏ tay lái của mình. Đây là hành vi bị xử phạt cao nhất trong các lỗi học sinh thường vi phạm khi tham gia giao thông. Cụ thể:
- Phạt tiền từ 05 triệu đồng - 07 triệu đồng nếu đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị (điểm b khoản 9 Điều 6).
- Phạt tiền từ 100.000 đồng - 200.000 đồng nếu đi xe đạp, xe đạp máy lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường (điểm a khoản 4 Điều 8).
Thông thường, các em học sinh rất ít để ý đến các hành vi vi phạm có thể bị xử phạt này, do vậy, hơn ai hết, các bậc phụ huynh nên nắm rõ những quy định này để có thể phối hợp cùng nhà trường nâng cao ý thức chấp hành giao thông cho con em của mình.
*** Lưu ý: Bài viết này được đăng tải ở thời điểm Nghị định 46/2016/NĐ-CP đang còn hiệu lực áp dụng. Hiện nay Nghị định này đã được thay thế bởi Nghị định 100/2019/NĐ-CP, áp dụng từ 01/01/2020.
Xem chi tiết: Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Thùy Linh