Xử lý trụ sở, tài sản công khi giải thể ĐVHC cấp huyện ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì khi giải thể đơn vị hành chính cấp huyện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương thuộc phạm vi quản lý kèm theo đề án.
Cụ thể, căn cứ phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương thuộc phạm vi quản lý kèm theo đề án.
Các Bộ, cơ quan trung ương có đơn vị trực thuộc trên địa bàn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý, trường hợp không có nhu cầu sử dụng thì chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có trụ sở để thực hiện sắp xếp, quản lý, sử dụng theo nhu cầu của địa phương.
Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính sau sắp xếp.
Ngoài ra, việc bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các cấp chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.

Hướng dẫn xử lý tài sản khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy
Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 2454/BTC-QLCS ngày 28/02/2025 về việc hướng dẫn xử lý tài sản khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy đối với 05 trường hợp dưới đây:
(1) Trường hợp sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, đơn vị:
- Cơ quan, đơn vị nhận sáp nhập, cơ quan, đơn vị hình thành sau khi hợp nhất được kế thừa quyền quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan, đơn vị bị sáp nhập, hợp nhất (bao gồm cả quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng thuê tài sản, cho thuê, liên doanh, liên kết, khai thác tài sản (nếu có)).
- Sau khi hoàn thành việc sáp nhập, hợp nhất, cơ quan, đơn vị nhận sáp nhập, cơ quan, đơn vị hình thành sau khi hợp nhất có trách nhiệm:
- Bố trí sử dụng tài sản theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
- Xác định tài sản dôi dư (không còn nhu cầu sử dụng theo cơ cấu tổ chức bộ máy mới) hoặc thuộc trường hợp phải xử lý theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để lập hồ sơ đề nghị xử lý, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định; không để tình trạng bỏ trống, không sử dụng, sử dụng sai mục đích, sử dụng kém hiệu quả gây lãng phí, thất thoát.
- Tiếp tục thực hiện các nội dung chưa hoàn thành đối với các tài sản đã có Quyết định xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền trước khi sáp nhập, hợp nhất mà đến thời điểm sáp nhập, hợp nhất chưa hoàn thành việc xử lý.
(2) Trường hợp thay đổi cơ quan quản lý cấp trên:
Cơ quan, đơn vị đang quản lý, sử dụng tài sản lập hồ sơ đề nghị điều chuyển tài sản, trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định tại Điều 20, Điều 21 Nghị định 151/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12, khoản 13 Nghị định 114/2024/NĐ-CP.
(3) Trường hợp kết thúc hoạt động và chuyển chức năng, nhiệm vụ sang cho cơ quan, đơn vị khác:
- Cơ quan, đơn vị tiếp nhận nhiệm vụ được kế thừa quyền quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan, đơn vị kết thúc hoạt động (bao gồm cả quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng thuê tài sản, cho thuê, liên doanh, liên kết, khai thác tài sản (nếu có)) và có trách nhiệm quản lý, xử lý tài sản được thực hiện tương tự trường hợp sáp nhập tại (1).
- Trường hợp cơ quan, đơn vị tiếp nhận nhiệm vụ không có nhu cầu tiếp nhận tài sản thì bản giao tài sản cho cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu còn) hoặc cơ quan, đơn vị được Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý tài sản khi sắp xếp tổ chức bộ máy (nếu không còn cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp).
Cơ quan quản cấp trên trực tiếp/ cơ quan, đơn vị được Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý tài sản có trách nhiệm lập hồ sơ xử lý tài sản theo quy định của pháp luật.
(4) Trường hợp kết thúc hoạt động của cơ quan quản lý cấp trên và chuyển chức năng, nhiệm vụ sang cho cơ quan, đơn vị khác (gắn với việc chuyển bộ máy đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ):
- Trường hợp cơ quan, đơn vị đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữ nguyên (chỉ thay đổi cơ quan quản lý cấp trên):
Cơ quan, đơn vị đang quản lý, sử dụng tài sản được tiếp tục quản lý, sử dụng tài sản để thực hiện chức năng, nhiệm vụ (bao gồm cả quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng thuê tài sản, cho thuê, liên doanh, liên kết, khai thác tài sản (nếu có)) và có trách nhiệm quản lý, xử lý tài sản được thực hiện tương tự trường hợp sáp nhập tại (1).
- Trường hợp cơ quan, đơn vị đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ được sáp nhập, hợp nhất vào cơ quan, đơn vị khác: Việc xử lý được thực hiện theo (1).
(5) Trường hợp kết thúc hoạt động của cơ quan quản lý cấp trên và chuyển chức năng, nhiệm vụ sang cho cơ quan, đơn vị khác (không gắn với việc chuyển bộ máy đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ)
- Cơ quan, đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm bàn giao tài sản cho cơ quan, đơn vị được giao tiếp nhận nhiệm vụ sau khi sắp xếp để quản lý, sử dụng phục vụ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
- Sau khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ quan, đơn vị được giao tiếp nhận nhiệm vụ lập hồ sơ đề nghị điều chuyển tài sản cho cơ quan, đơn vị minh, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định.
Trên đây là thông tin về việc xử lý trụ sở, tài sản công khi giải thể ĐVHC cấp huyện ra sao?