Xe máy lắp gương gù có bị phạt không?

Luật Giao thông đường bộ 2008 yêu cầu phương tiện xe cơ giới phải có đủ gương chiếu hậu bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển. Nhưng hiện nay, nhiều người gắn gương chiếu hậu là các kiểu gương gù, gương thời trang.

Gương chiếu hậu như thế nào là đúng quy định?

Các quy định về gương chiếu hậu trên xe mô tô, xe gắn máy được Bộ Giao thông Vận tải quy định tại Quy chuẩn Việt Nam QCVN 14:2015/BGTVT. Cụ thể như sau:

- Xe gắn máy phải lắp ít nhất một gương chiếu hậu bên trái của người lái; xe mô tô phải lắp gương chiếu hậu ở bên trái và bên phải của người lái (Xem thêm: Phân biệt xe mô tô và xe gắn máy)

- Gương chiếu hậu phải được lắp đặt chắc chắn; Người lái có thể điều chỉnh dễ dàng tại vị trí lái và có thể nhận rõ hình ảnh ở phía sau với khoảng cách tối thiểu 50m về phía bên phải và bên trái;

- Nếu là gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94mm và không được lớn hơn 150mm;

- Nếu là gương không tròn, kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78mm, nhưng phải được nằm trong một hình chữ nhật có kích thước 120mm x 200mm.

Gương gù được lắp phổ biến trên xe máy (Ảnh minh họa)


Lắp gương gù có bị phạt không?

Việc xử phạt xe máy lắp gương gù, gương thời trang trong thực tế vẫn còn nhiều mâu thuẫn; có nơi cảnh sát giao thông vẫn xử phạt, có địa phương lại không. Quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này như thế nào?

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe máy không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng - 100.000 đồng (điểm a, khoản 1 Điều 17).

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, cảnh sát giao thông chỉ được quyền xử phạt khi: Xe máy không có gương chiếu hậu; Hoặc có nhưng không có tác dụng.

Gương gù, gương thời trang được gắn trên xe máy nếu vẫn có tác dụng đảm bảo tầm nhìn cho người điều khiển phương tiện thì cảnh sát giao thông không có căn cứ để xử phạt.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm, việc gắn gương gù, gương thời trang lên xe máy, nếu làm thay đổi kết cấu của xe có thể sẽ bị xử phạt theo khoản 4 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Cụ thể, phạt tiền từ 800.000 đồng - 01 triệu đồng đối với cá nhân hoặc từ 1,6 triệu đồng - 02 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô nếu tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.

>> Cảnh sát giao thông có được rút chìa khóa xe của người vi phạm?

Lan Vũ

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục