Vận tải đa phương thức là gì? Ví dụ về vận tải đa phương thức

Vận tải đa phương thức là phương thức vận chuyển hàng hóa quen thuộc trong lĩnh vực thương mại. Tuy nhiên có nhiều người chưa hiểu rõ về khái niệm này. Cùng tìm hiểu vận tải đa phương thức là gì? Tìm ví dụ liên quan tại bài viết.

1. Vận tải đa phương thức là gì? Cho ví dụ cụ thể

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 87/2009/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 144/2018/NĐ-CP), vận tải đa phương thức là việc vận chuyển hàng hóa bằng ít nhất 02 phương thức vận tải khác nhau trở lên theo hợp đồng vận tải đa phương thức.

Vận tải đa phương thức là gì? Cho ví dụ cụ thể? (Ảnh minh họa)

Trong vận tải đa phương thức sẽ có vận tải đa phương thức nội địa và vận tải đa phương thức quốc tế.

  • Vận tải đa phương thức quốc tế là hình thức vận tải đa phương thức từ nơi người kinh doanh vận tải đa phương thức tiếp nhận hàng hóa ở Việt Nam đến một địa điểm khác được chỉ định giao hàng ở nước khác và ngược lại;

  • Vận tải đa phương thức nội địa là hình thức vận tải đa phương thức thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Một số ví dụ về vận tải đa phương thức:

  • Hình thức vận tải đa phương tiện kết hợp vận tải đường biển với vận tải đường bộ: Hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ (xe container xe tải,...) từ nơi bán đến cảng biển trong nước, sau đó được vận chuyển bằng đường biển để đi đến Việt Nam;

  • Hình thức vận tải đa phương tiện kết hợp vận tải đường hàng không với vận tải đường bộ: Hàng hóa sẽ được đóng gói và tập kết tại sân bay và chuyển lên các chuyến bay để di chuyển địa điểm khác. Sau đó sẽ dùng vận tải đường bộ (ô tô, xe máy,...) để chuyên chở đến địa điểm giao hàng.

2. Chứng từ vận tải đa phương thức? Có những dạng gì?

Khi người kinh doanh vận tải đa phương thức nội địa tiếp nhận hàng hóa thì phải phát hành một chứng từ bao gồm các nội dung về đặc tính tự nhiên chung của hàng hóa, ký hiệu, mã hiệu, tình trạng bên ngoài của hàng hóa, bên gửi hàng hóa, bên nhận hàng hóa,... Chứng từ này là chứng từ vận tải đa phương thức.

Chứng từ vận tải đa phương thức sẽ do người kinh doanh vận tải đa phương thức hoặc người được người kinh doanh vận tải đa phương thức ủy quyền ký.

Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 87/2009/NĐ-CP các dạng chứng từ vận tải đa phương thức bao gồm:

  • Chứng từ vận tải đa phương thức ở dạng có thể chuyển nhượng được:

  • Xuất trình;

  • Theo lệnh;

  • Theo lệnh của người có tên tại chứng từ gốc.

  • Chứng từ vận tải đa phương thức ở dạng không chuyển nhượng được được phát hành đích danh người nhận hàng.

Các dạng chứng từ vận tải đa phương thức trong vận tải đa phương thức nội địa sẽ do các bên thỏa thuận.

3. Trách nhiệm của người kinh doanh vận tải đa phương thức

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 87/2009/NĐ-CP, người kinh doanh vận tải đa phương thức phải chịu trách nhiệm về hàng hóa kể từ thời điểm tiếp nhận hàng cho đến thời điểm giao trả hàng cho người nhận hàng.

Trách nhiệm của người kinh doanh vận tải đa phương thức (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, người kinh doanh vận tải đa phương thức sẽ chỉ chịu trách nhiệm trong một giới hạn cụ thể theo quy định tại Điều 24 Nghị định 87/2009/NĐ-CP như sau:

  • Mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa tối đa tương đương 666,67 SDR/01 kiện hàng/01 đơn vị hoặc 2,00 SDR/1kg hàng hóa (cả bì) bị mất mát, hàng hóa hư hỏng;

  • Nếu trong một container, cao bản hoặc công cụ vận chuyển, đóng gói xếp nhiều kiện hàng, nhiều đơn vị mà các kiện  hàng hoặc các đơn vị đó được liệt kê trong chứng từ vận tải đa phương thức thì sẽ xem là các kiện hàng hoặc các đơn vị;

  • Nếu hợp đồng không bao gồm vận chuyển bằng đường biển hoặc thủy nội địa, thì trách nhiệm không vượt quá 8,33 SDR/1kg của hàng hóa (cả bì) bị mất mát, hư hỏng;

  • Nếu mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa trong một công đoạn cụ thể mà điều ước quốc tế hoặc pháp luật quốc gia có quy định một giới hạn trách nhiệm khác và hợp đồng vận tải được ký riêng cho công đoạn đó thì giới hạn trách nhiệm của người kinh doanh sẽ được áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế hoặc pháp luật quốc gia.

  • Nếu phải chịu trách nhiệm về tổn thất do giao trả hàng chậm hoặc tổn thất tiếp theo do giao trả hàng chậm thì trách nhiệm không vượt quá số tiền tương đương với tiền vận chuyển theo hợp đồng;

  • Toàn bộ trách nhiệm của người kinh doanh vận tải đa phương thức không vượt quá giới hạn trách nhiệm đối với tổn thất của toàn bộ hàng hóa;

  • Người kinh doanh vận tải đa phương thức không được hưởng quyền giới hạn trách nhiệm nếu người có quyền lợi liên quan chứng minh được sự mất mát, hư hỏng hàng hóa hoặc giao trả hàng hóa chậm là do lỗi của người kinh doanh vận tải đa phương thức.

4. Điều kiện kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế

Điều kiện kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế được quy định cụ thể tại Điều 5 Nghị định 87/2009/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 144/2018/NĐ-CP như sau:

Doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế sau khi có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế theo cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Duy trì mức tài sản tối thiểu tương đương 80.000 SDR, có sự bảo lãnh tương đương hoặc có phương án tài chính thay thế;

- Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc sự bảo lãnh tương đương.

Doanh nghiệp của các quốc gia là thành viên của ASEAN về vận tải đa phương thức hoặc doanh nghiệp của quốc gia đã ký điều ước quốc tế với Việt Nam chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế sau khi có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế của Việt Nam khi đáp ứng đủ điều kiện sau đây:

- Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế hoặc có các loại giấy tờ khác tương đương được cơ quan có thẩm quyền nước đó cấp;

- Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc sự bảo lãnh tương đương.

Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền tổ chức quản lý và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.

Trên đây là nội dung giải đáp thắc mắc về vận tải đa phương thức là gì? Cho ví dụ cụ thể.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục