Thủ tục ủy quyền dự họp đại hội đồng cổ đông mới nhất 2024

Uỷ quyền dự đại hội đồng cổ đông có được không? Việc uỷ quyền này có cần phải công chứng hoặc chứng thực không? Tất cả các thắc mắc liên quan đến vấn đề này sẽ được giải đáp chi tiết tại bài viết dưới đây.

1. Có được uỷ quyền dự họp đại hội đồng cổ đông không?

Điều 144 Luật Doanh nghiệp năm 2020 nêu rõ, cổ đông (người đại diện của cổ đông là tổ chức) có thể trực tiếp tham gia họp hoặc uỷ quyền cho người khác dự họp đại hội đồng cổ đông.

Cũng tại khoản 3 Điều 144 Luật Doanh nghiệp năm 2020, các hình thức để tham gia dự họp đại hội đồng cổ đông gồm:

- Tham gia trực tiếp và trực tiếp biểu quyết tại cuộc họp.

- Uỷ quyền cho người khác tham gia và biểu quyết tại cuộc họp.

- Tham gia, biểu quyết online thông qua một hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử… Trong đó, hình thức này có thể gồm: Họp qua googe meet, zoom…

- Gửi phiếu biểu quyết bằng hình thức gửi thư, fax, thư điện tử hoặc hình thức khác theo Điều lệ của công ty đến cuộc họp.

Do đó, hoàn toàn được quyền uỷ quyền dự họp đại hội đồng cổ đông.

2. Uỷ quyền dự họp đại hội đồng cổ đông có cần công chứng không?

Về hình thức của việc uỷ quyền dự họp đại hội đồng cổ đông, khoản 2 Điều 144 Luật Doanh nghiệp quy định như sau:

- Uỷ quyền dự họp đại hội đồng cổ đông phải lập thành văn bản.

- Văn bản uỷ quyền được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, nêu rõ tên người được uỷ quyền và số lượng cổ phần được uỷ quyền.

Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Dân sự, văn bản uỷ quyền không thuộc trường hợp phải công chứng, chứng thực. Bởi vậy, chỉ công chứng văn bản uỷ quyền này nếu các bên mong muốn.

Có thể chọn công chứng ủy quyền dự họp đại hội đồng cổ đông hoặc không? (Ảnh minh hoạ)

3. Thủ tục uỷ quyền dự họp đại hội đồng cổ đông mới nhất

Khi các bên mong muốn công chứng văn bản uỷ quyền dự họp đại hội đồng cổ đông thì thực hiện theo thủ tục dưới đây:

3.1 Chuẩn bị hồ sơ

- Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng uỷ quyền theo mẫu do tổ chức hành nghề công chứng cung cấp.

- Giấy tờ về người uỷ quyền và người được uỷ quyền: Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/hộ chiếu còn hạn sử dụng.

- Giấy tờ liên quan đến nội dung uỷ quyền: Giấy mời họp đại hội đồng cổ đông, giấy chứng nhận cổ phần…

3.2 Cơ quan thực hiện công chứng

Để được công chứng uỷ quyền dự họp đại hội đồng cổ đông, các bên (uỷ quyền và được uỷ quyền) thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng bất kỳ trong cả nước. Trong đó, căn cứ khoản 5 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014, tổ chức hành nghề công chứng bao gồm:

- Văn phòng công chứng.

- Phòng công chứng.

Do đó, người uỷ quyền và người được uỷ quyền có thể lựa chọn văn phòng công chứng/phòng công chứng bất kỳ, thuận tiện nhất cho mình thực hiện công chứng hợp đồng uỷ quyền.

Lưu ý: Các bên trong hợp đồng uỷ quyền hoàn toàn có quyền thực hiệ công chứng tại hai địa điểm khác nhau. Nghĩa là: Bên uỷ quyền sẽ công chứng phần uỷ quyền của mình tại tổ chức hành nghề công chứng A. Sau đó, bên nhận uỷ quyền sẽ thựuc hiện công chứng tiếp tại tổ chức hành nghề công chứng B cũng vẫn là hợp pháp.

3.3 Thời gian công chứng

Thời gian thực hiện công chứng là từ 02 - 10 ngày. Trong đó, 02 ngày là thời hạn áp dụng với trường hợp thông thường. 10 ngày là thời hạn áp dụng với trường hợp mà văn bản uỷ quyền có nội dung phức tạp, công chứng viên cần phải xem xét nhiều yếu tố khác để xác minh.

Tuy nhiên, thực tế là, nếu nội dung uỷ quyền đơn giản như trường hợp này thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng có thể thực hiện ngay sau khi nhận đủ hồ sơ, giấy tờ và lời yêu cầu công chứng hợp đồng uỷ quyền.

3.4 Phí và thù lao công chứng

Khi công chứng hợp đồng uỷ quyền dự họp đại hội đồng cổ đông, các bên phải nộp phí và thù lao ông chứng:

- Phí công chứng: 50.000 đồng/trường hợp.

- Thù lao công chứng: Theo thoả thuận giữa người yêu cầu công chứng và tổ chức hành nghề công chứng nhưng không vượt quá mức trần do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Trong đó, thù lao công chứng có thể gồm: Photo giấy tờ, tiền ngoài giờ, tiền ký hồ sơ ngoài trụ sở…

3.5 Mẫu uỷ quyền dự họp đại hội đồng cổ đông

Uỷ quyền dự họp đại hội đồng cổ đông có thể được lập thành hợp đồng hoặc thành giấy uỷ quyền bởi Luật Doanh nghiệp chỉ quy định lập thành văn bản mà không yêu cầu cụ thể là giấy hay hợp đồng.

Dưới đây là mẫu giấy uỷ quyền dự họp đại hội đồng cổ đông đơn giản nhất.

Công ty….

Số……

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

địa điểm, ngày… tháng…năm...

GIẤY UỶ QUYỀN

HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG THƯỜNG NIÊN/BẤT THƯỜNG 

năm........

Tôi là:………………………………………….…….……………………..

Mã số cổ đông:…………………..………………………………………….

Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu số: ………… cấp ngày……. tại……….

Địa chỉ thường trú:………………………………………………………….

Điện thoại: …………………………………………………………………

Số cổ phần sở hữu: ........ Cổ phần, chiếm tỷ lệ: ........ % vốn điều lệ của .........

Bằng văn bản này tôi ủy quyền cho:

Ông/bà:………………………………………….…….……………………..

Mã số cổ đông:…………………..………………………………………….

Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu số: ………… cấp ngày……. tại……….

Địa chỉ thường trú:………………………………………………………….

Điện thoại: …………………………………………………………………

Với nội dung ủy quyền cụ thể như sau:

NỘI DUNG ỦY QUYỀN

1. Phạm vi ủy quyền:

Ông/Bà ........ được quyền thay mặt tôi tham dự Đại hội đồng cổ công (thường niên/bất thường) ngày ........ của ........, đại diện tôi biểu quyết và thực hiện các quyền, nghĩa vụ khác của cổ đông tương ứng với số cổ phần mà tôi sở hữu vào ngày kết sổ theo quy định.

Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc ủy quyền này và cam kết tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định hiện hành của pháp luật và Điều lệ Công ty.

2. Thời hạn ủy quyền:

Giấy ủy quyền này có hiệu lực kể từ ngày ký đến khi Đại hội đồng cổ đông (thường niên / bất thường) ngày ....... kết thúc.

NGƯỜI ĐƯỢC ỦY QUYỀN

(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI ỦY QUYỀN

(Ký, ghi rõ họ tên)

Trên đây là thông tin về ủy quyền dự họp đại hội đồng cổ đông. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 .

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục