Tự ý lập bãi đỗ xe ngày Tết bị phạt bao nhiêu?

Dịp Tết, nhu cầu gửi xe tại các thành phố lớn tăng cao nên nhiều cá nhân, tổ chức tự ý lập bãi đỗ xe nhằm thu lợi. Vậy, tự ý lập bãi đỗ xe ngày Tết bị xử phạt như thế nào?


Có được tự ý lập bãi đỗ xe ngày Tết không?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT, bãi đỗ xe là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ dùng để đỗ phương tiện giao thông đường bộ.

Về vấn đề đăng ký kinh doanh bãi đỗ xe, tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP nêu rõ, cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ… sinh lợi nhưng không phải đăng ký kinh doanh, không gọi là “thương nhân” gồm:

- Buôn bán rong, buôn bán vặt, bán quà vặt, buôn chuyến;

- Thực hiện các dịch vụ đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

- Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

Như vậy, kinh doanh bãi đỗ xe là một trong hình thức kinh doanh trông giữ xe nên không phải đăng ký kinh doanh.

Hoạt động kinh doanh bãi đỗ xe không được liệt kê là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, tuy nhiên việc vận hành và quản lý yêu cầu phải đảm bảo về an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy.

Cụ thể, khoản 1 Điều 55 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định, cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh bãi đỗ xe phải đáp ứng các điều kiện bao gồm:

- Đảm bảo an ninh, trật tự; đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường;

- Đường ra, vào bãi đỗ xe phải được bố trí đảm bảo an toàn và không gây ùn tắc giao thông.

Đồng thời, theo khoản 2 Điều Thông tư 12/2020/TT-BGTVT, trong quá trình kinh doanh, đơn vị quản lý, kinh doanh bãi đỗ xe phải tuân thủ các điều kiện sau:

- Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy, nổ tại bãi đỗ xe;

- Niêm yết công khai nội quy, giá các dịch vụ tại bãi đỗ xe, tên và số điện thoại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để chủ xe phản ánh, khiếu nại khi cần thiết;

- Bồi thường thiệt hại cho người gửi xe nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng phương tiện nhận gửi;

- Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Kinh doanh các loại dịch vụ cho phép;

- Thu tiền trông giữ phương tiện;

- Không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bãi đỗ xe để đón, trả khách hoặc xếp dỡ hàng hóa, đóng gói, sang tải và bảo quản hàng hóa;

- Có quyền từ chối phục vụ đối với chủ phương tiện không chấp hành nội quy bãi đỗ xe.

Đối với quy trình đăng ký được cấp phép kinh doanh dịch vụ bãi đỗ xe, Sở Giao thông vận tải sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức và quản lý hoạt động theo quy định tại khoản 5 Điều 55 Thông tư 12.

Do đó, quy trình cấp phép và quản lý của mỗi địa phương là khác nhau và được quy định trong các văn bản nội bộ của từng địa phương.

Lưu ý, nếu cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh với quy mô lớn, kết hợp với các dịch vụ khác như: cho thuê xe, bảo trì, bảo dưỡng xe...thì cần phải đăng ký kinh doanh.

Trường hợp này, đơn vị kinh doanh có thể tuỳ thuộc vào quy mô của bãi đỗ xe, từ đó quyết định thành lập hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp.

Tóm lại, việc kinh doanh bãi đỗ xe quy mô nhỏ trong dịp Tết thì không cần phải đăng ký kinh doanh nhưng nhưng cần đảm bảo về an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy...

Trước khi thành lập bãi đỗ xe, cá nhân, tổ chức phải thông báo với Sở Giao thông vận tải tại địa phương hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý nơi kinh doanh địa điểm đỗ xe.
Tự ý lập bãi đỗ xe ngày Tết có thể bị phạt hành chính (Ảnh minh họa)

Tự ý lập bãi đỗ xe bị phạt thế nào?

Việc tự ý lập bãi đỗ xe mà không thông báo, xin phép cơ quan có thẩm quyền quản lý về giao thông vận tải tại địa phương có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể, khoản 1 Điều 14 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

“1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải đồng ý theo quy định”.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 14 Nghị định này, tổ chức, cá nhân tự ý xây dựng hoặc thành lập bãi đỗ xe buộc phải tháo dỡ công trình trái phép, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Như vậy, hành vi tự ý lập bãi đỗ xe có thể bị phạt cao nhất đến 20 triệu đồng đối với cá nhân, 40 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, buộc phải tháo dỡ, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi.

Trên đây là thông tin về: Tự ý lập bãi đỗ xe ngày Tết bị phạt bao nhiêu? Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

4 loại giấy tờ cần cập nhật khi CMND bị "khai tử"

Ngày 01/01/2025 tới đây, giấy Chứng minh nhân dân (CMND) sẽ chính thức bị khai tử. Vậy giấy tờ cần cập nhật khi CMND bị khai tử gồm những loại giấy tờ nào? Cùng Luật Việt Nam cập nhật ngay trong bài viết dưới đây.