Tụ tập đông người “hóng chốt” 141 bị phạt như thế nào?

Các nhóm thanh niên tụ tập đông người "hóng chốt" 141 để báo tin, phát trực tiếp lên mạng xã hội có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Thời gian gần đây tại thành phố Hà Nội nổi lên tình trạng thanh thiếu niên tụ tập xung quanh các chốt kiểm soát của Cảnh sát 141.

Các thanh niên tụ tập quanh chốt 141 thường có biểu hiện quá khích như reo hò, cổ vũ cho các trường hợp vi phạm chống đối hay dùng điện thoại phát trực tiếp lên mạng xã hội kèm theo các lời bình luận, phản ánh không đúng sự việc, thông báo chốt kiểm soát cho các hội nhóm trên Facebook, Zalo… làm ảnh hưởng đến hoạt động công tác của lực lượng chức năng.

Tình trạng trên được ghi nhận tại nhiều chốt kiểm soát của các tổ công tác 141 trên địa bàn các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm…

Tụ tập đông người hóng chốt 141 là hành vi cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng, có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật.

Tụ tập đông người hóng chốt 141
Tụ tập đông người hóng chốt 141 (Ảnh minh họa)

Mức phạt hành chính

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người tham gia, tổ chức tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây ra mất trật tự công cộng sẽ bị phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng.

Trường hợp xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động những người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng thì sẽ bị phạt tiền từ 03 - 5 triệu đồng (theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 144).

Trường hợp phát trực tiếp hay “báo chốt” trên các hội nhóm, người thực hiện có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng về hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý theo khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Tụ tập đông người “hóng chốt” 141 bị phạt như thế nào?
Báo chốt 141 lên mạng có thể bị phạt đến 20 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Nếu đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng hoặc Tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.

Mức phạt với Tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự là phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Mức phạt với Tội chống người thi hành công vụ quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm.

Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Phòng cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội đề nghị người dân không tụ tập đông người tại các vị trí bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông nói chung và các Tổ 141 nói riêng để bảo đảm trật tự an toàn giao thông và không cản trở lực lượng thi hành nhiệm vụ.

Người dân không đăng bài viết, thông tin, hình ảnh, clip về các "chốt" 141 lên mạng xã hội, không tham gia bình luận, cổ vũ cho các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật khác. 

Trên đây là các quy định về: Tụ tập đông người hóng chốt 141 bị phạt như thế nào? Nếu có vướng mắc, bạn đọc gọi ngay đến tổng đài 19006192 để được giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục