Thủ tục khiếu nại từ 10/12/2020 có gì khác trước đây?

Từ ngày 10/12/2020, Nghị định 124/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại có hiệu lực với nhiều điểm mới về trình tự, thủ tục khiếu nại.

Được ủy quyền cho người khác khiếu nại thay

Khoản 1 Điều 5 Nghị định 124 quy định:

Người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại. Việc xác định người đại diện được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Trong khi đó, điểm a khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại 2011 chỉ quy định, người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện khiếu nại.

Còn tại Nghị định 75/2012/NĐ-CP không ghi nhận việc ủy quyền cho người khác khiếu nại thay mình.

Lưu ý: Việc ủy quyền nêu trên phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng. Người ủy quyền được ủy quyền khiếu nại cho một người hoặc nhiều người về các nội dung ủy quyền khác nhau nhưng không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện


Khiếu nại lần 2 trong vòng 30 ngày

Theo Điều 4 Nghị định 124/2020/NĐ-CP, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 02. Đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

Lưu ý: Khi khiếu nại lần 02 thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 02.

Trường hợp quá thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì người khiếu nại gửi đơn đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 02, nêu rõ lý do và gửi kèm các tài liệu có liên quan về vụ việc khiếu nại.

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 02 phải xem xét thụ lý giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần 02. Quyết định giải quyết khiếu nại trong trường hợp này là quyết định giải quyết khiếu nại lần 02.

Đặc biệt, người giải quyết khiếu nại lần 02 áp dụng biện pháp xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu nếu có hành vi vi phạm pháp luật (quy định mới).

Trong khi đó, tại Nghị định 75/2012/NĐ-CP chỉ quy định người có thẩm quyền giải quyết khiếu lần 02 mà không quy định về trình tự và thời hạn khiếu nại lần 02.

thu tuc khieu nai moi nhat
Thủ tục khiếu nại mới nhất từ 10/12/2020 có gì khác trước? (Ảnh minh họa)

Rút ngắn trình tự giải quyết khiếu nại

Theo quy định tại Chương IV về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại của Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại gồm 03 bước sau:

Bước 1: Thụ lý, chuẩn bị xác minh nội dung khiếu nại

- Thụ lý giải quyết khiếu nại;

- Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại;

- Giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại.

Bước 2: Tiến hành xác minh nội dung khiếu nại

- Làm việc trực tiếp với người khiếu nại, người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại;

- Làm việc trực tiếp với người có quyền, lợi ích liên quan và người bị khiếu nại;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng;

- Tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng;

- Xác minh thực tế;

- Trưng cầu giám định;

- Làm việc với các bên có liên quan trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại;

- Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại;

- Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại;

- Tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai.

Bước 3: Ban hành, gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại và lập, quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại

- Ban hành, gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại;

- Lập, quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại.

Có thể thấy, so với các quy định tại Chương II Thông tư 07/2013/TT-TTCP thì quy trình giải quyết khiếu nại tại Nghị định 124/2020/NĐ-CP tối giản hơn.

Vi phạm pháp luật về khiếu nại có thể bị kỷ luật

Tại Điều 39 Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, người có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật mà có hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật.

Hình thức xử lý kỷ luật bao gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 40, hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại khi có một trong những hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

- Sách nhiễu, cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại;

- Bao che cho người bị khiếu nại;

- Đe dọa trả thù, trù dập người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại.

Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại khi có một trong những hành vi cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại.

Hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức áp dụng đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại khi có hành vi cố ý báo cáo sai lệch kết quả xác minh nội dung khiếu nại dẫn đến quyết định giải quyết khiếu nại sai gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người. Trường hợp người được giao nhiệm vụ xác minh không có chức vụ thì áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương.

Việc xử lý kỷ luật khi có vi phạm pháp luật về khiếu nại là quy định mới hoàn toàn được ghi nhận tại Nghị định 124/2020/NĐ-CP mà trước đây tại Nghị định 75/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn chưa có.

Vì thế, người tiến hành thủ tục khiếu nại có thể ít nhiều “yên tâm” việc khiếu nại của bản thân được cá nhân, tổ chức giải quyết triệt để, nghiêm túc hơn.

Nếu có vướng mắc khi thực hiện thủ tục khiếu nại mới nhất, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Vừa qua, Bộ Công an đã công bố tích hợp tiện ích mua thuốc trực tuyến trên VNeID - một trong những cấu phần quan trọng trong việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử trong thời gian tới. LuatVietnam sẽ hướng dẫn bạn đọc cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025 ngay tại bài viết dưới đây.