Không khó để bắt gặp hình ảnh những món đồ chơi trẻ em như dao, súng, kiếm nhựa… được bày bán công khai, tràn lan mỗi dịp Tết. Theo đó, không ít người thắc mắc việc để trẻ dùng súng đồ chơi, bố mẹ sẽ bị phạt?
Các loại đồ chơi trẻ em nguy hiểm
Danh mục các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm theo Quyết định 464/BNV gồm:
- Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng trường, súng tiểu liên, súng ngắn:
+ Súng nén hơi, nén lò xo bắn đạn nhựa hoặc đạn các loại;
+ Súng bắn phun nước, bắn phát quang hoặc bắn gây nổ.
Các loại bật lửa có hình dáng quả lựu đạn hoặc hình dáng súng ngắn
- Các loại kiếm, mác, lưỡi lê, dao găm, cung, nỏ làm bằng gỗ, tre, nhựa, giấy nén.
Theo đó, súng là một loại đồ chơi nguy hiểm, có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trẻ dùng súng đồ chơi mỗi dịp lễ, Tết (Ảnh minh họa)
Trẻ dùng súng đồ chơi, bố mẹ bị phạt?
Do những tác động của súng đồ chơi tới trẻ em, nên theo điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người nào có hành vi cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng.
Bởi vậy, nếu để cho trẻ sử dụng súng đồ chơi, bố mẹ có thể bị phạt tiền theo mức nêu trên.
Ngoài ra, các hành vi liên quan tới đồ chơi nguy hiểm sau đây cũng bị xử phạt theo Nghị định 167/2013:
- Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng (điểm d khoản 4 Điều 10);
- Sản xuất, sửa chữa các loại đồ chơi đã bị cấm bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (điểm b khoản 5 Điều 10);
- Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng (điểm b khoản 6 Điều 10).
Đồng thời, tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi trên còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm theo điểm a khoản 8 Điều 10 Nghị định 167.
>> Trẻ nhỏ có được phép được tự giữ tiền lì xì?
Hậu Nguyễn