1. Tổ chức chính trị xã hội là gì?
Hiện nay, Hiến pháp và các văn bản pháp luật chưa quy định cụ thể về khái niệm tổ chức chính trị xã hội.
Tuy nhiên, có thể hiểu tổ chức chính trị xã hội là các tổ chức của công dân, đại diện cho 01 lực lượng xã hội nhất định và được lập ra nhằm thực hiện những mục tiêu nhất định, có thể tác động đến việc thực hiện quyền lực của Đảng và Nhà nước để bảo vệ lợi ích của tổ chức và lợi ích của các thành viên.
Tổ chức chính trị xã hội là 01 bộ phận trong hệ thống chính trị Việt Nam, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên tổ chức, hội viên, cũng như tổ chức của mình;
Tổ chức chính trị xã hội cùng các tổ chức thành viên khác (tổ chức xã hội, các cá nhân khác) của Mặt trận phối hợp thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
2. Các tổ chức chính trị xã hội tại Việt Nam
Điều 9 Hiến pháp 2013 có quy định 05 tổ chức chính trị xã hội tại Việt Nam, hiện nay bao gồm: Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam và Hội cựu chiến binh Việt Nam.
(i) Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được xem là 01 tổ chức chính trị xã hội của thanh niên Việt Nam. Đoàn Thanh niên do Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh gồm những thanh niên tiên tiến, phấn đấu vì mục đích và lý tưởng của Đảng chính là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được xem là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam và là lực lượng xung kích cách mạng.
Đoàn Thanh niên là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên; đại diện chăm lo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của tuổi trẻ và có trách nhiệm phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Đoàn Thanh niên cũng được xem là lực lượng nòng cốt chính trị đối với những phong trào thanh niên, trong những tổ chức thanh niên Việt Nam.
Để được kết nạp vào Đoàn thanh niên Công sản Hồ Chí Minh, người được kết nạp phải đáp ứng điều kiện:
- Độ tuổi: Từ 16 tuổi trở lên và không quá 30 tuổi.
- Có lịch lịch rõ ràng, đầy đủ, khai thông tin trung thực liên quan đến lịch sử chính trị của bản thân theo mẫu
- Trình độ: Tối thiểu là tiểu học và có thể vận dụng linh hoạt nếu sống ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
(Điều lệ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh được thông qua ngày 13/12/2017 và Hướng dẫn 16-HD/TWĐTN-BTC)
(ii) Công đoàn Việt Nam
Công đoàn Việt Nam được xem là một tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân và người lao động.
Công đoàn Việt Nam được thành lập dựa trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, thực hiện các công việc:
Chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;
Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội;
Tham gia vào kiểm tra, thanh tra, giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động;
Tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành quy định pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(Điều 10 Hiến pháp năm 2013)
(iii) Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam:
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là 01 tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống chính trị, có tư cách pháp nhân, đại diện cho quyền & lợi ích hợp pháp, chính đáng của tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đoàn kết, vận động và tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang và góp phần tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
(Điều lệ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thông qua ngày 11/3/2022)
(iv) Hội cựu chiến binh Việt Nam:
Hội cựu chiến binh Việt Nam là 01 tổ chức chính trị xã hội và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời là 01 cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân và là 01 tổ chức trong hệ thống chính trị.
Hội cựu chiến binh Việt Nam có mục đích hoạt động là tập hợp, đoàn kết, tổ chức và động viên các thế hệ Cựu chiến binh giữ gìn, phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Đồng thời, Hội Cựu Chiến binh có các chức năng:
Bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Nhân dân;
Bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên và Cựu chiến binh, đồng thời chăm lo giúp đỡ nhau trong cuộc sống và gắn bó tình bạn chiến đấu, tình đồng đội, đồng chí.
(Điều lệ Hội cựu chiến binh Việt Nam thông qua ngày 15/12/2017)
(v) Hội nông dân Việt Nam:
Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và là cơ sở chính trị của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Mục đích của Hội nông dân Việt Nam là thực hiện tập hợp đoàn kết nông dân và xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng được xem là lực lượng tin cậy trong khối liên minh vững chắc công - nông - trí, là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
(Điều lệ Hội nông dân Việt Nam (sửa đổi, bổ sung))
3. Thành viên các tổ chức chính trị, xã hội có được hưởng phụ cấp không?
Căn cứ Hướng dẫn 05-HD/BTCTW, mức phụ cấp 30% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng với các cơ quan:
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Liên đoàn Lao động Việt Nam,
Hội Nông dân Việt Nam,
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Hội Cựu chiến binh Việt Nam từ Trung ương đến cấp huyện
Trên đây là thông tin về các tổ chức chính trị xã hội.