Hướng dẫn tố cáo người bôi nhọ danh dự trên Facebook

Hiện nay, cùng với sự gia tăng nhanh chóng của các mạng xã hội, việc tương tác với nhau trên môi trường mạng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người đã lợi dụng điều này để thực hiện các hành vi bôi nhọ danh dự của người khác, gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội.

Bôi nhọ danh dự người khác trên Facebook bị phạt thế nào?

Hiến pháp Việt Nam quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm.

Quyền này tiếp tục được ghi nhận tại Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.

Việc bôi nhọ danh dự người khác ngoài đời thực hay trên mạng xã hội đều không được pháp luật cho phép.

Tùy thuộc vào tính chất của hành vi vi phạm, người bôi nhọ danh dự người khác trên Facebook có thể bị phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
...

Lưu ý: Mức phạt này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (Căn cứ Điều 4 Nghị định 15).

Nếu trường hợp bôi nhọ danh dự người khác một cách nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự về Tội làm nhục người khác hoặc Điều 156 về Tội vu khống.

Khung hình phạt cao nhất của 02 tội này lần lượt là 05 năm và 07 năm tù giam.

to cao nguoi boi nho danh du tren facebook

Hướng dẫn tố cáo người bôi nhọ danh dự trên Facebook (Ảnh minh họa)

Hướng dẫn tố cáo người bôi nhọ danh dự trên Facebook

Khi bị người khác bôi nhọ danh dự trên Facebook, người bị bôi nhọ cần hành động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo Điều 34 Bộ luật Dân sự, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Ngoài việc yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin xấu về danh dự, người bị bôi nhọ danh dự cũng có thể thực hiện quyền tố cáo.

Để thực hiện quyền này, người tố cáo viết Đơn tố cáo gửi đến cơ quan có thẩm quyền.

Nếu có dấu hiệu hình sự thì thẩm quyền giải quyết được quy định tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự như sau:

4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

5. Việc phân cấp thẩm quyền điều tra như sau:

a) Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực;

b) Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra…

Tuy nhiên, theo Điều 145 Bộ luật này:

1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm…

Công dân có thể tố giác hành vi có dấu hiệu hình sự tới cơ quan công an, Viện kiểm sát ở bất cứ đâu… Các cơ quan này có trách nhiệm tiếp nhận và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Tương tự như vậy, nếu hành vi không có dấu hiệu hình sự mà chỉ là hành vi vi phạm hành chính, khoản 2 Điều 24 Luật Tố cáo cũng quy định:

Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

Người dân có thể gửi đơn tố cáo hoặc đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan công an để được giải quyết hoặc hướng dẫn người tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo về hành vi bôi nhọ danh dự trên Facebook.

Nếu có băn khoăn về vấn đề tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Lừa đảo qua mạng bao nhiêu tiền bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Đánh giá bài viết:
(4 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục