Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN ISO/IEC 17000:2005 ISO/IEC 17000:2004 Đánh giá sự phù hợp - Từ vựng và các nguyên tắc chung
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN ISO/IEC 17000:2005
Số hiệu: | TCVN ISO/IEC 17000:2005 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | Hành chính |
Năm ban hành: | 2005 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
TIÊU CHUẨN VIỆT NAM
TCVN ISO/IEC 17000 : 2005
ISO/IEC 17000 : 2004
ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP - TỪ VỰNG VÀ CÁC NGUYÊN TẮC CHUNG
Conformity assessment - Vocabulary and general principles
Lời nói đầu
TCVN ISO/IEC 17000 : 2005 hoàn toàn tương đương với ISO/IEC 17000 : 2004.
TCVN ISO/IEC 17000 : 2005 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC 176, Quản lý chất lượng và đảm bảo chất lượng biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
TCVN ISO/IEC 17000 : 2005 thay thế các điều 12 đến 17 của TCVN 6450 (ISO/IEC Guide 2).
Lời giới thiệu
0.1 Các thuật ngữ và định nghĩa được áp dụng trong đánh giá sự phù hợp
Các Hướng dẫn của ISO và ISO/IEC và nhất là các tiêu chuẩn quốc tế được ban hành trong những năm gần đây liên quan đến các hoạt động đánh giá sự phù hợp nói chung như: thử nghiệm, thanh tra và các phương thức chứng nhận khác đều do các nhóm công tác của Ban Đánh giá sự phù hợp của ISO (CASCO) biên soạn. Trong nhiều năm, TCVN 6450 : 1998 (ISO/IEC Guide 2 : 1996) đã quy định từ vựng cơ bản về đánh giá sự phù hợp được xác lập trên cơ sở một số ít thuật ngữ và định nghĩa được tập hợp sơ bộ nhằm giúp cho việc trao đổi thông tin và thông hiểu về chứng nhận sản phẩm dựa trên tiêu chuẩn đối với những mặt hàng chế tạo truyền thống.
Năm 2000, CASCO đã quyết định tách phần thuật ngữ và định nghĩa về đánh giá sự phù hợp (điều 12 đến điều 17) ra khỏi nội dung của ISO/IEC Guide 2 và biên soạn một khung từ vựng riêng dễ sử dụng hơn trong khuôn khổ Bộ tiêu chuẩn ISO/IEC 17000 đã được hoạch định xây dựng và biên soạn dự thảo hoặc soát xét các hướng dẫn có liên quan. Do đó, Nhóm công tác số 5 "Các định nghĩa" của CASCO, với sự trợ giúp của các nhóm công tác khác, đã biên soạn tiêu chuẩn này với mục đích đưa ra một khung từ vựng nhất quán, trong đó các khái niệm cụ thể được định nghĩa một cách thích hợp và được biểu thị bằng các thuật ngữ thích hợp nhất. Các thuật ngữ khác dùng cho những khái niệm đơn nhất của các hoạt động cụ thể thuộc lĩnh vực đánh giá sự phù hợp như: công nhận, chứng nhận chuyên gia và dấu phù hợp, được quy định trong tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn liên quan. Các khái niệm như vậy không được quy định trong tiêu chuẩn này.
Cho đến khi các tiêu chuẩn và hướng dẫn của CASCO đã được ban hành còn chưa được soát xét hoặc thay thế thì nội dung thuật ngữ và định nghĩa được quy định trong những tài liệu đó vẫn còn hiệu lực đối với phạm vi áp dụng có liên quan. Không thể áp dụng tiêu chuẩn này để thay thế các tiêu chuẩn đó được.
Đánh giá sự phù hợp có mối quan hệ tác động lẫn nhau với các lĩnh vực khác như: hệ thống quản lý, đo lường, tiêu chuẩn hóa và thống kê. Tiêu chuẩn này không xác định các ranh giới của hoạt động đánh giá sự phù hợp mà xem xét chúng một cách linh hoạt và mềm dẻo.
0.2. Các thuật ngữ và định nghĩa được áp dụng trong thương mại
Điều 7 bao gồm một số thuật ngữ và định nghĩa, chủ yếu được giữ lại từ các điều đã được thay thế của TCVN 6450 : 1998 (ISO/IEC Guide 2 : 1996), được quy định cho một vài khái niệm có nghĩa rộng hơn. Mục đích của việc làm này là không chỉ nhằm tiêu chuẩn hóa các khái niệm đó để phục vụ cho cộng đồng đánh giá sự phù hợp sử dụng mà còn tạo thuận lợi cho các nhà hoạch định chính sách về xúc tiến thương mại trong khuôn khổ chế định và hiệp định quốc tế.
0.3. Tiếp cận chức năng đối với đánh giá sự phù hợp
Các thuật ngữ và định nghĩa quy định trong tiêu chuẩn này, đặc biệt trong Điều 4 và Điều 5, thể hiện việc chấp nhận của CASCO vào tháng 11/2001 đối với cách tiếp cận theo chức năng đã được khuyến nghị trước đó và nêu trong báo cáo cuối của Nhóm công tác phối hợp của Ban kỹ thuật 1 của CASO-CEN/CENELEC.
Để hiểu rõ hơn về các khái niệm xác định đó, sự liên kết theo nhóm và mối quan hệ của chúng, mô tả về tiếp cận theo chức năng được nêu ở Phụ lục A để tham khảo.
0.4. Lựa chọn thuật ngữ và định nghĩa
Một số thuật ngữ quy định trong tiêu chuẩn này liên quan đến các khái niệm được cho là nhất thiết phải được định nghĩa rõ. Một số khác cần được giải thích thêm. Nhiều thuật ngữ chung được sử dụng để phân biệt các khái niệm của đánh giá sự phù hợp được thể hiện bằng ngôn ngữ thông dụng với ngữ nghĩa rộng hơn hoặc đa nghĩa. Một số thuật ngữ khác còn có trong các bảng từ vựng của tiêu chuẩn khác với những định nghĩa cụ thể phù hợp với lĩnh vực áp dụng có liên quan.
Các bảng tra theo chữ cái liệt kê những thuật ngữ được định nghĩa trong tiêu chuẩn này. Các tiêu chuẩn quy định định nghĩa cho các thuật ngữ khác có liên quan được nêu ở Phụ lục B cũng với các bảng tra theo chữ cái riêng. Trước hết là các thuật ngữ áp dụng cho những khía cạnh cụ thể của lĩnh vực đánh giá sự phù hợp, được định nghĩa trong các tiêu chuẩn khác của Bộ tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17000. Sau đó là các thuật ngữ có các định nghĩa được nêu ở TCVN 6165 : 1996 (VIM:1993), Đo lường học - Thuật ngữ chung và cơ bản hoặc TCVN ISO 9000 được áp dụng chung trong những ngữ cảnh của hoạt động đánh giá sự phù hợp. Đối với hai thuật ngữ "thủ tục/quy trình" và "sản phẩm" được sử dụng thường xuyên trong các định nghĩa khác, các định nghĩa của hai thuật ngữ này nêu ở TCVN ISO 9000 : 2005 được thay thế bằng các định nghĩa ở 3.2 và 3.3.
0.5. Các thay đổi về thuật ngữ học
Cần đặc biệt lưu ý đến những thay đổi đáng kể của các thuật ngữ và định nghĩa so với các thuật ngữ và định nghĩa tương đương đã được nêu ở những điều đã bị thay thế của TCVN 6450 (ISO/IEC Guide 2).
Tiêu chuẩn này không quy định định nghĩa về "sự phù hợp" với quan điểm cho rằng không cần thiết phải làm điều này. "Sự phù hợp" là thuật ngữ không có mặt trong định nghĩa về "đánh giá sự phù hợp". Khái niệm đánh giá sự phù hợp liên quan đến "việc thực hiện các yêu cầu đã quy định" chứ không liên quan đến khái niệm "sự phù hợp" theo nghĩa rộng. Định nghĩa của thuật ngữ "yêu cầu đã quy định" (3.1) có trong tiêu chuẩn này. Thuật ngữ "tuân thủ" được sử dụng để thể hiện hành động thực hiện điều được yêu cầu (ví dụ: tổ chức "tuân thủ" bằng cách làm cho đối tượng nào đó phù hợp với yêu cầu chế định hoặc thực hiện yêu cầu chế định đó).
Định nghĩa của TCVN ISO 9000 về "sản phẩm" (3.3) bao hàm cả dịch vụ và xem dịch vụ như là một loại hình sản phẩm, do đó không cần thiết phải sử dụng cả cụm từ "sản phẩm và dịch vụ" nữa.
Thay vì cụm từ "sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ", được sử dụng trong TCVN 6450 : 1998 (ISO/IEC Guide 2 : 1996) đối với "đối tượng tiêu chuẩn hóa", Chú thích 2 của 2.1 đưa ra cụm từ "đối tượng đánh giá sự phù hợp" để chỉ sản phẩm, quá trình, hệ thống, chuyên gia hoặc tổ chức được đánh giá về sự phù hợp. ("Đối tượng", về mặt ngữ nghĩa, được sử dụng cho tổ chức thực hiện đánh giá sẽ hợp lý hơn).
Thay vì "đảm bảo sự phù hợp", thuật ngữ "Xác nhận sự phù hợp" (5.2) được sử dụng để chỉ hoạt động thể hiện việc đảm bảo sự phù hợp thông qua việc đưa ra "tuyên bố về sự phù hợp".
Trong tiêu chuẩn này, thuật ngữ "công nhận" được sử dụng riêng cho sự Xác nhận của tổ chức đánh giá sự phù hợp. Ngược lại, định nghĩa của thuật ngữ này nêu trong TCVN 6450 : 1998 (ISO/IEC Guide 2 : 1996) còn được áp dụng cho cả chứng nhận chuyên gia như quy định trong ISO/IEC 17024. Do có sự thay đổi này nên các thuật ngữ "tổ chức đánh giá sự phù hợp" (2.5) và "cơ quan công nhận" (2.6) đã được định nghĩa một cách tách biệt. Các thuật ngữ chuyên biệt liên quan đến hoạt động công nhận được quy định ở TCVN ISO/IEC 17011.
Để tránh sự hiểu nhầm, thuật ngữ "tổ chức" hoặc "cơ quan" chỉ được sử dụng trong tiêu chuẩn này khi đề cập đến "tổ chức đánh giá sự phù hợp" hoặc "cơ quan công nhận". Trong các trường hợp khác, có thể sử dụng thuật ngữ "tổ chức" với nghĩa thông dụng như đã được định nghĩa trong TCVN ISO 9000. Định nghĩa chuyên biệt về tổ chức nêu trong TCVN 6450 (ISO/IEC Guide 2), trong đó xem tổ chức như là một tập thể gồm nhiều thành viên, không được sử dụng cho lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp.
ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP - TỪ VỰNG VÀ CÁC NGUYÊN TẮC CHUNG
Conformity assessment - Vocabulary and general principles
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các thuật ngữ và định nghĩa chung liên quan đến đánh giá sự phù hợp, bao gồm cả công nhận các tổ chức đánh giá sự phù hợp và sử dụng đánh giá sự phù hợp nhằm thúc đẩy thương mại. Mô tả về cách tiếp cận theo chức năng đối với đánh giá sự phù hợp được nêu ở Phụ lục A để đảm bảo sự thông hiểu giữa những tổ chức sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp, các tổ chức đánh giá sự phù hợp và các cơ quan công nhận trong cả môi trường tự nguyện và chế định.
Tiêu chuẩn này không bao hàm từ vựng cho tất cả các khái niệm có thể cần được sử dụng để mô tả các hoạt động đánh giá sự phù hợp cụ thể. Các thuật ngữ và định nghĩa chỉ được quy định cho trường hợp khi mà bản thân thuật ngữ thể hiện bằng ngôn ngữ thông dụng còn chưa xác định được về mặt ngữ nghĩa hoặc khi mà định nghĩa nêu trong tiêu chuẩn hiện hành còn chưa được chấp nhận sử dụng.
CHÚ THÍCH 1: Các chú thích kèm theo một số định nghĩa để làm rõ hoặc đưa ra ví dụ để tạo sự thông hiểu về những khái niệm được mô tả. Trong một số trường hợp cụ thể, các chú thích có thể có sự khác biệt khi được thể hiện bằng các ngôn ngữ khác nhau hoặc có thể có các chú thích bổ sung.
CHÚ THÍCH 2: Các thuật ngữ và định nghĩa được sắp xếp theo trật tự mang tính hệ thống cùng với bảng tra cứu theo chữ cái. Thuật ngữ sử dụng trong định nghĩa hoặc chú thích xác định trong mục từ khác được thể hiện bằng chữ đậm sau đó là số hiệu của mục từ tương ứng đặt trong ngoặc đơn. Các thuật ngữ như vậy có thể được thay bằng những định nghĩa đầy đủ tương ứng.
2. Các thuật ngữ về đánh giá sự phù hợp nói chung
2.1. Đánh giá sự phù hợp
Sự chứng minh về việc các yêu cầu quy định (3.1) liên quan đến sản phẩm (3.3), quá trình, hệ thống, chuyên gia hoặc tổ chức được thực hiện.
CHÚ THÍCH 1: Phạm vi cụ thể của đánh giá sự phù hợp bao gồm các hoạt động được xác định trong tiêu chuẩn này như: thử nghiệm (4.2), kiểm tra (4.3) và chứng nhận (5.5) cũng như công nhận (5.6) của các tổ chức đánh giá sự phù hợp (2.5).
CHÚ THÍCH 2: Cụm từ "đối tượng đánh giá sự phù hợp" hoặc "đối tượng" được sử dụng trong tiêu chuẩn này để thể hiện vật liệu, sản phẩm, lắp đặt, quá trình, hệ thống, chuyên gia hoặc tổ chức được đánh giá về sự phù hợp. Định nghĩa về sản phẩm bao hàm cả dịch vụ (xem Chú thích 1 của 3.3).
2.2. Hoạt động đánh giá sự phù hợp của bên thứ nhất
Hoạt động đánh giá sự phù hợp được thực hiện bởi cá nhân hoặc tổ chức có đối tượng được đánh giá.
CHÚ THÍCH: Các từ khóa: bên thứ nhất, bên thứ hai và bên thứ ba được sử dụng để biểu thị hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với đối tượng được đánh giá và không được nhầm lẫn với pháp nhân của các bên liên quan của hợp đồng.
2.3. Hoạt động đánh giá sự phù hợp của bên thứ hai
Hoạt động đánh giá sự phù hợp được thực hiện bởi cá nhân hoặc tổ chức quan tâm đến việc sử dụng.
CHÚ THÍCH 1: Cá nhân hoặc tổ chức thực hiện hoạt động đánh giá của bên thứ hai bao gồm người mua hoặc người sử dụng sản phẩm, khách hàng tiềm năng mong muốn có được sự tin cậy vào hệ thống quản lý của nhà cung ứng hoặc tổ chức quan tâm.
CHÚ THÍCH 2: Xem Chú thích của 2.2.
2.4. Hoạt động đánh giá sự phù hợp của bên thứ ba
Hoạt động đánh giá sự phù hợp được thực hiện bởi cá nhân hoặc tổ chức độc lập với cá nhân và tổ chức là chủ thể của đối tượng được đánh giá và cá nhân hoặc tổ chức quan tâm đến đối tượng được đánh giá dưới góc độ sử dụng.
CHÚ THÍCH 1: Các chuẩn cứ về sự độc lập của các tổ chức đánh giá sự phù hợp và cơ quan công nhận được nêu trong những tiêu chuẩn và hướng dẫn áp dụng cho các hoạt động tương ứng (Xem Thư mục tài liệu tham khảo).
CHÚ THÍCH 2: Xem Chú thích của 2.2.
2.5. Tổ chức đánh giá sự phù hợp
Tổ chức thực hiện các dịch vụ đánh giá sự phù hợp.
CHÚ THÍCH: Cơ quan công nhận (2.6) không phải là tổ chức đánh giá sự phù hợp.
2.6. Cơ quan công nhận
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện hoạt động công nhận (5.6).
CHÚ THÍCH: Thẩm quyền của cơ quan công nhận thường được chính phủ giao.
2.7. Hệ thống đánh giá sự phù hợp
Các quy tắc, thủ tục/quy trình (3.2) và chỉ dẫn cho việc tiến hành hoạt động đánh giá sự phù hợp (2.1).
CHÚ THÍCH: Các hệ thống đánh giá sự phù hợp có thể được vận hành ở cấp độ quốc tế, khu vực, quốc gia hoặc địa phương.
2.8. Phương thức đánh giá sự phù hợp
Chương trình đánh giá sự phù hợp
Hệ thống đánh giá sự phù hợp (2.7) liên quan đến các đối tượng đánh giá sự phù hợp đã quy định cùng áp dụng những yêu cầu quy định (3.1), quy tắc và thủ tục/quy trình (3.2) như nhau:
CHÚ THÍCH: Các phương thức đánh giá sự phù hợp có thể được vận hành ở cấp độ quốc tế, khu vực, quốc gia hoặc địa phương.
2.9. Tiếp cận
Tiếp cận với hệ thống hoặc Phương thức đánh giá sự phù hợp
Khả năng của người/tổ chức đề nghị về việc được đánh giá sự phù hợp (2.1) theo các quy tắc của hệ thống hoặc Phương thức đánh giá sự phù hợp.
2.10. Tổ chức tham gia
Tổ chức tham gia hệ thống hoặc phương thức đánh giá sự phù hợp
Tổ chức hoạt động theo các quy tắc hiện hành nhưng không có khả năng tham gia vào việc quản lý hệ thống hoặc Phương thức đánh giá sự phù hợp.
2.11. Tổ chức thành viên
Tổ chức thành viên của hệ thống hoặc phương thức đánh giá sự phù hợp
Tổ chức hoạt động theo các quy tắc hiện hành và có khả năng tham gia vào việc quản lý hệ thống hoặc Phương thức đánh giá sự phù hợp.
3. Các thuật ngữ cơ bản
3.1. Yêu cầu quy định
Nhu cầu hoặc mong muốn đã được ấn định.
CHÚ THÍCH: Các yêu cầu quy định có thể được ấn định trong các tài liệu quy chuẩn như: quy định, tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật.
3.2. Thủ tục/quy trình
Cách thức đã được xác định để tiến hành một hoạt động hoặc một quá trình.
[TCVN ISO 9000 : 2005, 3.4.5]
3.3. Sản phẩm
Kết quả của một quá trình.
[TCVN ISO 9000 : 2005, 3.4.2]
CHÚ THÍCH 1: TCVN ISO 9000 : 2005 nêu ra 4 loại hình sản phẩm: dịch vụ (ví dụ: vận tải); phần mềm (ví dụ: chương trình máy tính, từ điển); phần cứng (ví dụ: động cơ, chi tiết cơ khí); vật liệu đã chế biến, xử lý (ví dụ: dầu nhờn). Nhiều sản phẩm có các thành phần, chi tiết thuộc những loại hình sản phẩm chung khác nhau. Do đó, sản phẩm được gọi là dịch vụ, phần mềm, phần cứng hoặc vật liệu đã chế biến, xử lý tùy thuộc vào thành phần, chi tiết chính.
CHÚ THÍCH 2: Tuyên bố về sự phù hợp được mô tả trong Chú thích 1 của 5.2 có thể được coi là sản phẩm của Xác nhận (5.2).
4. Các thuật ngữ về đánh giá sự phù hợp liên quan đến lựa chọn và xác định
(Xem Hình A.1)
4.1. Lấy mẫu
Cung cấp mẫu của đối tượng đánh giá sự phù hợp theo một thủ tục/quy trình (3.2).
4.2. Thử nghiệm
Xác định một hay nhiều đặc tính của một đối tượng đánh giá sự phù hợp theo một thủ tục/quy trình (3.2).
CHÚ THÍCH: "Thử nghiệm" thường được áp dụng cho vật liệu, sản phẩm hoặc quá trình.
4.3. Giám định
Xem xét thiết kế sản phẩm, sản phẩm (3.3), quá trình hoặc thiết trí và xác định sự phù hợp với các yêu cầu cụ thể hoặc xác định sự phù hợp với các yêu cầu chung trên cơ sở đánh giá của các chuyên gia.
CHÚ THÍCH: Kiểm tra một quá trình có thể bao gồm cả kiểm tra về con người, phương tiện, công nghệ và phương pháp tiến hành.
4.4. Đánh giá (audit)
Quá trình có tính hệ thống, độc lập được lập thành văn bản để thu được các hồ sơ, tuyên bố về sự việc hoặc các thông tin liên quan khác và đánh giá chúng một cách khách quan để xác định mức độ thực hiện các yêu cầu quy định (3.1).
CHÚ THÍCH: Trong tiếng Anh, "audit" (đánh giá) và "assessment" (đánh giá) được sử dụng cho các ngữ cảnh khác nhau, cụ thể: "audit" (đánh giá) được sử dụng đối với các hệ thống quản lý còn "assessment" (đánh giá) được sử dụng đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp cũng như đối với các đối tượng khác.
4.5. Đánh giá đồng đẳng
Việc đánh giá một tổ chức theo các yêu cầu quy định (3.1) được tiến hành bởi các đại diện hoặc những ứng cử viên của các tổ chức khác trong nhóm thỏa thuận.
5. Các thuật ngữ về đánh giá sự phù hợp liên quan đến xem xét và Xác nhận
(Xem Hình A.1)
5.1. Thẩm xét
Kiểm tra xác nhận sự thích hợp, tương đương và hiệu lực của các hoạt động lựa chọn, xác định và kết quả của các hoạt động này về sự thực hiện các yêu cầu quy định (3.1) của đối tượng đánh giá sự phù hợp.
5.2. Xác nhận sự phù hợp
Đưa ra tuyên bố thể hiện việc đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định (3.1) dựa trên quyết định được xác lập sau khi đã tiến hành xem xét (5.1).
CHÚ THÍCH 1: Trong tiêu chuẩn này, tuyên bố được đưa ra được gọi là "tuyên bố về sự phù hợp"; tuyên bố này đảm bảo rằng các yêu cầu quy định đã được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, sự đảm bảo này không phải là sự đảm bảo mang tính khế ước hoặc có tính pháp lý khác.
CHÚ THÍCH 2: Các hoạt động xác nhận của bên thứ nhất và bên thứ ba được phân biệt bằng các thuật ngữ 5.4 đến 5.6. Đối với xác nhận của bên thứ hai, hiện không có thuật ngữ chuyên biệt nào.
5.3. Phạm vi xác nhận sự phù hợp
Phạm vi hoặc các đặc tính của các đối tượng đánh giá sự phù hợp bao hàm bởi xác nhận sự phù hợp (5.2).
5.4. Công bố
Xác nhận sự phù hợp (5.2) của bên thứ nhất.
5.5. Chứng nhận
Xác nhận sự phù hợp (5.2) của bên thứ ba đối với các sản phẩm, quá trình, hệ thống hoặc chuyên gia.
CHÚ THÍCH 1: Chứng nhận hệ thống quản lý đôi khi còn được gọi là đăng ký.
CHÚ THÍCH 2: Chứng nhận áp dụng cho tất cả các đối tượng đánh giá sự phù hợp ngoại trừ các tổ chức đánh giá sự phù hợp (2.5) là các đối tượng của công nhận (5.6).
5.6. Công nhận
Xác nhận sự phù hợp (5.2) của bên thứ ba đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp (2.5) thể hiện chính thức rằng tổ chức đó có đủ năng lực để tiến hành các công việc cụ thể về đánh giá sự phù hợp.
6. Các thuật ngữ về đánh giá sự phù hợp liên quan đến giám sát
(Xem Hình A.1)
6.1. Giám sát
Việc lặp lại có hệ thống các hoạt động đánh giá sự phù hợp làm cơ sở cho việc duy trì tính hiệu lực của tuyên bố về sự phù hợp.
6.2. Đình chỉ
Việc ngừng tạm thời hiệu lực của tuyên bố về sự phù hợp đối với toàn bộ hoặc một phần phạm vi xác nhận (5.3) đã quy định.
6.3. Hủy bỏ
Thu hồi
Việc bãi bỏ tuyên bố về sự phù hợp.
6.4. Yêu cầu xem xét lại
Yêu cầu do nhà cung cấp đối tượng đánh giá sự phù hợp nêu ra với tổ chức đánh giá sự phù hợp (2.5) hoặc cơ quan công nhận (2.6) để đề nghị xem xét lại quyết định do tổ chức/cơ quan đó đã đưa ra đối với đối tượng đánh giá sự phù hợp có liên quan.
6.5. Khiếu nại
Hình thức diễn đạt sự không hài lòng, khác với yêu cầu xem xét lại (6.4), của một cá nhân hoặc tổ chức bất kỳ với tổ chức đánh giá sự phù hợp (2.5) hoặc cơ quan công nhận (2.6) liên quan đến hoạt động của tổ chức/cơ quan đó với mong muốn được đáp lại.
7. Các thuật ngữ liên quan đến đánh giá sự phù hợp và thúc đẩy thương mại
CHÚ THÍCH: Cụm từ "kết quả đánh giá sự phù hợp" thường được sử dụng trong 7.4 đến 7.9 để chỉ sản phẩm (3.3) của các hoạt động đánh giá sự phù hợp (ví dụ: báo cáo hoặc chứng chỉ) và có thể bao hàm cả việc phát hiện sự không phù hợp.
7.1. Chấp nhận
Việc cho phép một sản phẩm (3.3) hoặc quá trình được bán hoặc được sử dụng cho những mục đích xác định hoặc trong những điều kiện xác định.
CHÚ THÍCH: Chấp thuận có thể dựa trên việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định (3.1) hoặc hoàn thành các thủ tục/quy trình (3.2) quy định.
7.2. Chỉ định
Sự ủy quyền của chính phủ để cho phép tổ chức đánh giá sự phù hợp (2.6) tiến hành các hoạt động đánh giá sự phù hợp quy định.
7.3. Cơ quan chỉ định có thẩm quyền
Cơ quan trực thuộc chính phủ hoặc được chính phủ ủy quyền thực hiện việc chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp (2.5), đình chỉ, hủy bỏ, hoặc phục hồi sự chỉ định (7.2).
7.4. Sự tương đương
Sự tương đương của các kết quả đánh giá sự phù hợp
Khả năng của các kết quả đánh giá sự phù hợp khác nhau trong việc đưa ra mức độ đảm bảo như nhau về sự phù hợp với các yêu cầu quy định (3.1) giống nhau.
7.5. Thừa nhận
Thừa nhận các kết quả đánh giá sự phù hợp
Việc công nhận hiệu lực của một kết quả đánh giá sự phù hợp do người khác hoặc tổ chức khác đưa ra.
7.6. Chấp nhận
Việc sử dụng một kết quả đánh giá sự phù hợp do người khác hoặc tổ chức khác đưa ra.
7.7. Thỏa thuận đơn phương
Thỏa thuận mà qua đó một bên thừa nhận hoặc chấp nhận các kết quả đánh giá sự phù hợp của bên khác.
7.8. Thỏa thuận song phương
Thỏa thuận mà qua đó hai bên thừa nhận hoặc chấp nhận các kết quả đánh giá sự phù hợp của nhau.
7.9. Thỏa thuận đa phương
Thỏa thuận mà qua đó nhiều bên (từ ba bên trở lên) thừa nhận hoặc chấp nhận lẫn nhau các kết quả đánh giá sự phù hợp.
7.10. Nhóm hiệp định
Các tổ chức là những bên ký hiệp định làm căn cứ cho việc đạt được sự thỏa thuận.
7.11. Quan hệ tương hỗ
Mối quan hệ giữa hai bên mà trong đó cả hai bên đều có quyền và nghĩa vụ như nhau.
CHÚ THÍCH 1: Quan hệ tương hỗ có thể có trong một thỏa thuận đa phương, trong đó bao gồm nhiều mối quan hệ song phương mang tính tương hỗ.
CHÚ THÍCH 2: Dù quyền và nghĩa vụ có như nhau thì các cơ hội mà chúng mang lại có thể khác nhau; điều này có thể dẫn đến các mối quan hệ không bình đẳng giữa các bên.
7.12. Đối xử bình đẳng
Sự đối xử giành cho các sản phẩm (3.3) hoặc quá trình của một nhà cung ứng được xem là không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử giành cho các sản phẩm hoặc quá trình tương tự của nhà cung ứng bất kỳ nào khác trong tình huống có thể so sánh được.
7.13. Đối xử quốc gia
Sự đối xử giành cho các sản phẩm (3.3) hoặc quá trình có xuất xứ từ các nước khác được xem là không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử giành cho các sản phẩm hoặc quá trình tương tự của nước mình trong tình huống có thể so sánh được.
7.14. Đối xử bình đẳng giữa các quốc gia
Sự đối xử giành cho các sản phẩm (3.3) hoặc quá trình có xuất xứ từ các nước khác được xem là không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử giành cho các sản phẩm hoặc quá trình tương tự của nước mình hoặc có xuất xứ từ một quốc gia bất kỳ nào khác trong tình huống có thể so sánh được.
Phụ lục A
(tham khảo)
Các nguyên tắc đánh giá sự phù hợp
A.1. Tiếp cận theo chức năng
A.1.1. Đánh giá sự phù hợp gồm ba hoạt động chức năng được thực hiện tuần tự để thỏa mãn yêu cầu hoặc nhu cầu thể hiện việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định; ba hoạt động chức năng đó là:
- lựa chọn;
- xác định;
- xem xét và xác nhận.
Việc thể hiện đó có thể làm tăng thêm sự tin tưởng vào sự tuyên bố xác nhận về việc đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định, tạo cho người sử dụng có được lòng tin vững chắc hơn vào sự tuyên bố xác nhận này. Các tiêu chuẩn thường được sử dụng như là những yêu cầu quy định do chúng là các tài liệu được đồng thuận rộng rãi về những vấn đề cần giải quyết trong tình huống xác định. Kết quả là đánh giá sự phù hợp thường được coi là một hoạt động có liên quan đến tiêu chuẩn.
A.1.2. Đánh giá sự phù hợp có thể áp dụng cho các sản phẩm (bao gồm cả dịch vụ), quá trình, hệ thống, chuyên gia đồng thời cho cả các tổ chức tiến hành các dịch vụ đánh giá sự phù hợp. Để thuận tiện cho việc áp dụng tiêu chuẩn này, cụm từ "đối tượng đánh giá sự phù hợp" được sử dụng để chỉ một loại hình đối tượng bất kỳ hoặc tất cả các loại hình đối tượng nêu trên.
A.1.3. Những người sử dụng dịch vụ đánh giá sự phù hợp khác nhau có những nhu cầu khác nhau. Kết quả là có rất nhiều loại hình đánh giá sự phù hợp được thực hiện. Tuy nhiên, tất cả các loại hình đánh giá sự phù hợp đều tuân thủ phương pháp tiếp cận chung được mô tả ở Hình A.1.
A.1.4. Khối hình A trong Hình A.1 biểu diễn một hoạt động chức năng của đánh giá sự phù hợp. Các hoạt động cụ thể trong từng hoạt động chức năng có thể khác biệt khi so sánh các loại hình đánh giá sự phù hợp là do sự khác biệt về nhu cầu của người sử dụng, nội dung của các yêu cầu quy định và đối tượng đánh giá sự phù hợp có liên quan.
A.1.5. Khối hình B trong Hình A.1 biểu diễn đầu ra của một hoạt động chức năng; đầu ra đó chính là đầu vào của hoạt động chức năng tiếp theo. Bản chất của các đầu ra có sự khác biệt do chúng phụ thuộc vào các loại hình hoạt động cụ thể đã được thực hiện.
A.1.6. Các đường mũi tên liền trong Hình A.1 liên kết các hoạt động chức năng của đánh giá sự phù hợp với các đầu ra/đầu vào tương ứng. Các đường mũi tên ngắt quãng thể hiện những nhu cầu hoặc yêu cầu có thể có đối với đánh giá sự phù hợp.
A.1.7. Các hoạt động đánh giá sự phù hợp có thể được chỉ rõ là hoạt động đánh giá sự phù hợp của "bên thứ nhất", "bên thứ hai" hay "bên thứ ba". Nhìn chung, đối với mỗi loại hình trong số 3 loại hình nêu trên cần lưu ý những điều dưới đây:
- các hoạt động đánh giá sự phù hợp đều chịu sự kiểm soát hoặc chỉ đạo của người hoặc tổ chức nêu trong định nghĩa tương ứng.
- quyết định cuối cùng làm căn cứ cho việc xác nhận là do người hoặc tổ chức nêu trong định nghĩa tương ứng đưa ra.
Hình A.1 - Tiếp cận chức năng đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp
A.2. Lựa chọn
A.2.1. Lựa chọn bao gồm các hoạt động hoạch định và chuẩn bị nhằm thu thập hoặc tạo lập toàn bộ các thông tin và đầu vào cần thiết cho hoạt động chức năng về xác định tiếp sau. Các hoạt động về lựa chọn rất khác biệt về số lượng và độ phức tạp. Trong một số trường hợp, có thể chỉ cần một vài hoạt động về lựa chọn.
A.2.2. Cần có sự suy xét thích hợp khi lựa chọn đối tượng đánh giá sự phù hợp. Thông thường, đối tượng này có thể là hàng loạt các vật phẩm cùng loại; sản xuất đang tiến hành; một quá trình liên tục hoặc một hệ thống; hoặc bao hàm nhiều địa điểm. Trong những trường hợp như vậy, có thể cần suy xét đến việc lấy mẫu hoặc lựa chọn mẫu thử để sử dụng cho các hoạt động xác định. Ví dụ: kế hoạch lấy mẫu thử nước sông liên quan để thể hiện việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu về nhiễm bẩn được coi là ví dụ điển hình về hoạt động lấy mẫu có quy mô và cần thiết. Tuy nhiên, đôi khi đối tượng đánh giá sự phù hợp có thể là toàn bộ một tập hợp, ví dụ, khi một sản phẩm đơn chiếc hoặc duy nhất là đối tượng đánh giá sự phù hợp. Ngay cả trong những trường hợp việc lấy mẫu có thể cần thiết cho việc lựa chọn một bộ phận nào đó của đối tượng gồm nhiều bộ phận và bộ phận được lựa chọn là bộ phận đại diện của đối tượng đó (ví dụ: lựa chọn các bộ phận quan trọng nhất của một cây cầu để xác định độ bền vật liệu).
A.2.3. Các yêu cầu quy định có thể cũng cần được xem xét. Trong nhiều trường hợp, tiêu chuẩn hoặc các yêu cầu khác đã có từ trước hiện vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, cần lưu ý khi áp dụng các yêu cầu đã có từ trước đó cho đối tượng đánh giá sự phù hợp. Ví dụ, có thể cần phải cẩn trọng khi áp dụng tiêu chuẩn về ống kim loại cho ống chất dẻo. Trong một vài trường hợp, chỉ những yêu cầu rất chung chung mới cần được mở rộng đối với việc đánh giá để cho người sử dụng dễ hiểu hơn và chấp nhận sử dụng những yêu cầu này. Ví dụ, một cơ quan lập quy của chính phủ có thể yêu cầu rằng không cho phép có những rủi ro về an toàn không chấp nhận được (yêu cầu chung) đối với các sản phẩm và mong muốn tổ chức chứng nhận quy định các yêu cầu cụ thể đối với những sản phẩm hoặc loại hình sản phẩm riêng biệt được chứng nhận. Hoặc, có thể cần tập trung hơn sự chú ý đến các yêu cầu chung đối với hệ thống quản lý một khi hệ thống quản lý đề cập đến việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu cụ thể về triển khai hoạt động.
A.2.4. Lựa chọn còn có thể bao gồm cả việc chọn các thủ tục/quy trình thích hợp nhất (ví dụ: các phương pháp thử hoặc phương pháp kiểm tra) được sử dụng cho những hoạt động xác định. Không hiếm các trường hợp cần phải phát triển những phương pháp mới hoặc phương pháp được cải tiến để tiến hành các hoạt động xác định. Để thực hiện việc xem xét các phương pháp đó, có thể cần phải lựa chọn các địa điểm, điều kiện thích hợp hoặc nhân sự có năng lực.
A.2.5. Cuối cùng, để tiến hành các hoạt động xác định một cách chuẩn xác, có thể cần có những thông tin bổ sung nhằm đảm bảo thể hiện có hiệu lực về việc đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định. Ví dụ, lĩnh vực thử nghiệm thuộc phạm vi công nhận phòng thí nghiệm cần phải được nhận biết trước khi tiến hành các hoạt động xác định tương ứng. Hoặc, có thể cần phải mô tả một dịch vụ nào đó trước khi tiến hành các hoạt động xác định tương ứng. Ngoài ra, một hoạt động xác định có thể đơn thuần chỉ là hoạt động xem xét thông tin và thông tin đó cần phải được xác định và thu thập. Ví dụ, có thể cần đến bản hướng dẫn sử dụng sản phẩm hoặc ghi nhãn cảnh báo.
A.2.6. Trong Hình A.1, toàn bộ thông tin, mẫu thử (nếu có lấy mẫu), quyết định và đầu ra khác của hoạt động chức năng về lựa chọn được biểu diễn thành khối hình "thông tin về các đối tượng được lựa chọn".
A.3. Xác định
A.3.1. Các hoạt động xác định được tiến hành để tạo lập thông tin đầy đủ về việc thực hiện các yêu cầu quy định của đối tượng đánh giá sự phù hợp hoặc mẫu chuẩn của đối tượng đó. Một số loại hình hoạt động xác định được định nghĩa trong Điều 4.
A.3.2. Các thuật ngữ thử nghiệm (4.2), kiểm tra (4.3), đánh giá (4.4) và đánh giá ngang bằng (4.5) chỉ được định nghĩa là những loại hình hoạt động xác định và có thể được sử dụng cùng với "hệ thống" hoặc "sơ đồ" để mô tả các hệ thống hoặc Phương thức đánh giá sự phù hợp bao gồm loại hình hoạt động xác định đã nêu. Vì vậy, "hệ thống đánh giá ngang bằng" là hệ thống đánh giá sự phù hợp bao gồm hoạt động đánh giá ngang bằng và hoạt động đánh giá ngang bằng đó chính là hoạt động xác định.
A.3.3. Các hoạt động xác định khác nhau có tên gọi hoặc ký hiệu riêng khác nhau. Ví dụ như nghiên cứu và phân tích tài liệu thiết kế hoặc thông tin mô tả khác liên quan đến các yêu cầu quy định. Các loại hình đánh giá sự phù hợp riêng biệt (ví dụ: thử nghiệm, chứng nhận, công nhận) có thể có những thuật ngữ được quy định đơn nhất cho từng loại hình đó. Trong tiêu chuẩn này hoặc trong thực tiễn, không sử dụng thuật ngữ chung nào để chỉ tất cả các hoạt động chức năng về xác định.
A.3.4. Cần lưu ý để phân biệt thật rõ ràng các hoạt động xác định được biểu thị là hoạt động thử nghiệm hoặc kiểm tra.
A.3.5. Trong Hình A.1, toàn bộ đầu ra của hoạt động chức năng về xác định được biểu diễn thành khối hình "thông tin về thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định". Đầu ra này là tổ hợp của tất cả các thông tin được tạo lập thông qua hoạt động xác định cũng như tất cả đầu vào của hoạt động chức năng về xác định. Đầu ra này thường được cấu trúc sao cho có thể tạo thuận lợi cho các hoạt động xem xét và xác nhận.
A.4. Xem xét và xác nhận
A.4.1. Xem xét (5.1) là khâu kiểm tra cuối cùng trước khi ra quyết định quan trọng về việc đối tượng đánh giá sự phù hợp có chứng tỏ được hay không chứng tỏ được rằng đối tượng đó đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định. Kết quả của xác nhận (5.2) là bản "tuyên bố" được gửi ngay tới tất cả những người sử dụng tiềm năng. "Tuyên bố về sự phù hợp" là cụm từ chung nhất được sử dụng bao hàm tất cả các biện pháp truyền thông để thông báo về việc đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định.
A.4.2. Nếu không thể hiện được việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định thì trong báo cáo phải nêu rõ phát hiện về sự không phù hợp.
A.4.3. Các thuật ngữ công bố (5.4), chứng nhận (5.5) và công nhận (5.6) chỉ được định nghĩa là những loại hình xác nhận, có thể được sử dụng cùng với "hệ thống" hoặc "sơ đồ" để mô tả các hệ thống hoặc Phương thức đánh giá sự phù hợp bao gồm loại hình hoạt động xác nhận được xác định rõ là bước cuối cùng. Do đó, "hệ thống chứng nhận" là hệ thống đánh giá sự phù hợp bao gồm cả lựa chọn, xác định, xem xét và cuối cùng là chứng nhận được coi là hoạt động xác nhận.
A.4.4. Trong Hình A.1, toàn bộ đầu ra của hoạt động chức năng xem xét và xác nhận được biểu diễn thành khối hình "thể hiện việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định".
A.5. Nhu cầu giám sát
A.5.1. Đánh giá sự phù hợp có thể kết thúc khi việc xác nhận đã được thực hiện. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, có thể cần phải thực hiện lặp lại có hệ thống các hoạt động chức năng nêu trong Hình A.1 để duy trì tính hiệu lực của tuyên bố xác nhận sự phù hợp. Các nhu cầu của người sử dụng dẫn tới những hoạt động đó. Ví dụ, một đối tượng đánh giá sự phù hợp nào đó có thể thay đổi theo thời gian và điều này có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện liên tục các yêu cầu quy định. Hoặc là người sử dụng có thể đòi hỏi phải thể hiện tiếp tục về việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định một khi sản phẩm được sản xuất liên tục.
A.5.2. Các hoạt động giám sát được hoạch định nhằm đáp ứng nhu cầu duy trì hiệu lực của tuyên bố xác nhận sự phù hợp. Để thỏa mãn nhu cầu này, thông thường, không cần thiết phải lặp lại toàn bộ cuộc đánh giá ban đầu khi lặp lại hoạt động giám sát. Do đó, các hoạt động của mỗi hoạt động chức năng nêu trong Hình A.1, có thể được giảm bớt hoặc thực hiện khác với những hoạt động đã được thực hiện ở cuộc đánh giá ban đầu.
A.5.3. Các hoạt động lựa chọn diễn ra ở cả cuộc đánh giá ban đầu lẫn ở giám sát. Tuy nhiên, ở hoạt động giám sát, có thể lựa chọn các hoạt động hoàn toàn khác. Ví dụ, ở cuộc đánh giá ban đầu có thể đã lựa chọn phép thử sản phẩm. Trong quá trình giám sát, có thể phải tiến hành hoạt động kiểm tra để xác định rằng mẫu sản phẩm chính là mẫu đã được thử nghiệm lúc ban đầu. Trên thực tế, việc chọn các hoạt động lựa chọn có thể thay đổi theo thời gian căn cứ vào các thông tin về những hoạt động giám sát lặp lại trước đó và những đầu vào khác. Việc phân tích rủi ro đang tiếp diễn hoặc xem xét các thông tin phản hồi của thị trường đối với việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định có thể là một phần của các hoạt động lựa chọn trong quá trình giám sát.
A.5.4. Các hoạt động về chọn những yêu cầu quy định cũng có thể khác nhau. Ví dụ, đối với hoạt động giám sát lặp lại bất kỳ, chỉ có thể lựa chọn một tập hợp phụ các yêu cầu quy định. Hoặc là, chỉ có thể lựa chọn một cách tương tự như vậy một phần của đối tượng đánh giá sự phù hợp để tiến hành các hoạt động xác định trong quá trình giám sát, ví dụ, chỉ tiến hành đánh giá một phần nào đó tổ chức chứng nhận được công nhận trong quá trình giám sát.
A.5.5. Như đã nêu ở trên, các hoạt động lựa chọn khác nhau có thể dẫn tới những hoạt động xác định khác nhau đối với mục đích giám sát. Tuy nhiên, trong cả đánh giá ban đầu và giám sát, đầu ra của khâu lựa chọn sẽ quyết định các hoạt động xác định và phương thức tiến hành các hoạt động này.
A.5.6. Hoạt động chức năng về xem xét và xác nhận cũng được sử dụng trong cả đánh giá ban đầu và giám sát. Trong giám sát, xem xét toàn bộ đầu vào và đầu ra trong Hình A.1 sẽ dẫn tới việc ra quyết định về việc tuyên bố xác nhận sự phù hợp có tiếp tục còn hiệu lực hay không. Trong nhiều trường hợp, sẽ không có một hoạt động đặc biệt nào được thực hiện nếu như tuyên bố đó vẫn còn hiệu lực. Trong các trường hợp khác, ví dụ, nếu như phạm vi đã được mở rộng thì có thể phải đưa ra một tuyên bố mới về sự phù hợp.
A.5.7. Nếu quyết định rằng tuyên bố về sự phù hợp không còn hiệu lực thì cần phải tiến hành các hoạt động thích hợp để thông báo cho người sử dụng biết; ví dụ, thông báo về việc phạm vi xác nhận đã được thu hẹp hoặc tuyên bố về sự phù hợp đã được đình chỉ hoặc hủy bỏ.
Phụ lục B
(tham khảo)
Các thuật ngữ liên quan được định nghĩa trong những tài liệu khác
B.1. Các thuật ngữ chung có nghĩa chuyên biệt trong các tiêu chuẩn khác của Bộ tiêu chuẩn ISO/IEC 17000
B.1.1. Các thuật ngữ phức hợp được định nghĩa phù hợp với mục đích sử dụng của ISO/IEC 17011 liên quan đến công nhận
Biểu tượng của cơ quan công nhận
Chứng chỉ công nhận
Dấu hiệu công nhận
Mở rộng phạm vi công nhận
Thu hẹp phạm vi công nhận
Phạm vi công nhận
Đình chỉ công nhận
B.1.2. Các thuật ngữ phức hợp được định nghĩa phù hợp với mục đích sử dụng của ISO/IEC 17024 liên quan đến chứng nhận chuyên gia
Năng lực
Đánh giá
Chuyên gia đánh giá
Trình độ
B.1.3. Các thuật ngữ phức hợp được định nghĩa phù hợp với mục đích sử dụng của ISO/IEC 17030 liên quan đến dấu phù hợp
Tổ chức phát hành dấu phù hợp của bên thứ ba
Tổ chức nhận dấu phù hợp của bên thứ ba
Dấu phù hợp của bên thứ ba
B.2. Các thuật ngữ được định nghĩa trong những tiêu chuẩn không thuộc Bộ tiêu chuẩn ISO/IEC 17000
Hiệu chuẩn VIM
Khả năng ISO 9000
Đặc tính ISO 9000
Năng lực ISO 9000
Sự phù hợp ISO 9000
Khách hàng ISO 9000
Tài liệu ISO 9000
Thông tin ISO 9000
Phép đo VIM
Tổ chức ISO 9000
Quá trình ISO 9000
Quy định ISO 9000
Nhà cung ứng ISO 9000
Hệ thống ISO 9000
Xác nhận giá trị sử dụng ISO 9000
Kiểm tra xác nhận ISO 9000
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đối với các hệ thống đánh giá sự phù hợp dựa vào hoạt động xác định
[1] TCVN ISO/IEC 17020 : 2001 (ISO/IEC 17020 : 1998), Chuẩn mực chung về hoạt động của các tổ chức giám định.
[2] TCVN ISO 17025 : 2001 (ISO/IEC 17025 : 1999), Yêu cầu chung về năng lực của các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn.
[3] ISO/IEC 17040:-1), Conformity assessment - General requirements for peer assessment of conformity assessment bodies and accreditation bodies.
[4] TCVN ISO 19011 : 2003 (ISO 19011 : 2002), Hướng dẫn đánh giá hệ thống quản lý chất lượng và/hoặc hệ thống quản lý môi trường.
Đối với các hệ thống đánh giá sự phù hợp dựa vào hoạt động xác nhận
[5] TCVN ISO/IEC 17011 : 2005 (ISO/IEC 17011 : 2004), Đánh giá sự phù hợp - Yêu cầu chung đối với cơ quan công nhận thực việc công nhận các tổ chức đánh giá sự phù hợp.
[6] ISO/IEC 17021:-1), Conformity assessment - Requirements for bodies providing audit and certification for management systems.
[7] ISO/IEC 17024 : 2003, Conformity assessment - General requirements for bodies operating certification of persons.
[8] TCVN 7457 : 2004 (ISO/IEC Guide 65 : 1996), Yêu cầu chung đối với các tổ chức điều hành hệ thống chứng nhận sản phẩm.
Đối với các tuyên bố về sự phù hợp
[9] ISO/IEC 17030 : 2003, Conformity assessment - General requirements for third-party marks of conformity.
[10] TCVN ISO/IEC 17050-1 : 2005 (ISO/IEC 17050-1 : 2004), Conformity assessment - Supplier's declaration of conformity - Part 1: General requirements.
Đối với thừa nhận và chấp nhận các kết quả đánh giá sự phù hợp
[11] ISO/IEC Guide 68 : 2002, Arrangements for the recognition and acceptance of conformity assessment results.
Đối với các thuật ngữ liên quan
[12] ISO 3534 (all parts), Statistics - Vocabulary and symbols
[13] TCVN ISO 9000 : 2005 (ISO 9000 : 2005), Hệ thống quản lý chất lượng - Các vấn đề cơ bản và từ vựng.
[14] TCVN 6450 (ISO/IEC Guide 2), Tiêu chuẩn hóa và các hoạt động có liên quan - Thuật ngữ chung và định nghĩa.
[15] TCVN ISO TCVN 6165 : 1996 (VIM : 1993) Đo lường học - Thuật ngữ chung và cơ bản.
Bảng tra thuật ngữ theo tiếng Việt
C
Cơ quan chỉ định có thẩm quyền 7.3
Công bố 5.4
Công nhận 2.6
Chấp nhận 7.6
Chấp nhận các kết quả đánh giá sự phù hợp 7.6
Chấp thuận 7.1
Chương trình đánh giá sự phù hợp 2.8
Chỉ định 7.2
Chứng nhận 5.5
Đ
Đánh giá đồng đẳng 4.5
Đánh giá 4.4
Đánh giá sự phù hợp 2.1
Đình chỉ 6.2
Đối xử bình đẳng 7.12
Đối xử quốc gia 7.13
Đối xử quốc gia và bình đẳng 7.14
G
Giám sát 6.1
H
Hủy bỏ 6.3
Hệ thống đánh giá sự phù hợp 2.7
Hoạt động đánh giá sự phù hợp của bên thứ ba 2.4
Hoạt động đánh giá sự phù hợp của bên thứ hai 2.3
Hoạt động đánh giá sự phù hợp của bên thứ nhất 2.2
K
Khiếu nại 6.5
Kiểm tra 4.3
L
Lấy mẫu 4.1
N
Nhóm hiệp định 7.10
P
Phạm vi xác nhận sự phù hợp 5.3
Phương thức đánh giá sự phù hợp 2.8
Q
Quan hệ tương hỗ 7.11
S
Sản phẩm 3.3
Sự tương đương 7.4
Sự tương đương của các kết quả đánh giá sự phù hợp 7.4
T
Tổ chức đánh giá sự phù hợp 2.5
Tổ chức tham gia 2.10
Tổ chức tham gia hệ thống hoặc phương thức 2.10
Thành viên 2.11
Thành viên của hệ thống hoặc phương thức 2.11
Thỏa thuận đơn phương 7.7
Thỏa thuận đa phương 7.9
Thỏa thuận song phương 7.8
Thủ tục/quy trình 3.2
Thử nghiệm 4.2
Thừa nhận 7.5
Thừa nhận các kết quả đánh giá sự phù hợp 7.5
Thu hồi 6.3
Tiếp cận 2.9
Tiếp cận hệ thống hoặc phương thức 2.9
X
Xác nhận sự phù hợp 5.2
Xem xét 5.1
Y
Yêu cầu quy định 3.1
Yêu cầu xem xét lại 6.4
MỤC LỤC
Lời nói đầu
0 Lời giới thiệu
1 Phạm vi áp dụng
2 Các thuật ngữ liên quan đến đánh giá sự phù hợp nói chung
3 Các thuật ngữ cơ bản
4 Các thuật ngữ về đánh giá sự phù hợp, liên quan đến lựa chọn và xác định (xem Hình A.1)
5 Các thuật ngữ về đánh giá sự phù hợp, liên quan đến xem xét và xác nhận (xem Hình A.1)
6 Các thuật ngữ về đánh giá sự phù hợp, liên quan đến giám sát (xem Hình A.1)
7 Các thuật ngữ liên quan đến đánh giá sự phù hợp và xúc tiến thương mại
Phụ lục A (tham khảo) Các nguyên tắc về đánh giá sự phù hợp
Phụ lục B (tham khảo) Các thuật ngữ có liên quan được định nghĩa trong những tài liệu khác
Thư mục tài liệu tham khảo
Bảng tra thuật ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh)