Mức tiền phải nộp để bảo lãnh xe vi phạm giao thông

Hiện nay, tổ chức, cá nhân vi phạm giao thông có thể đặt tiền bảo lãnh để được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện vi phạm. Vậy, mức tiền phải nộp để bảo lãnh xe vi phạm quy định như thế nào?

Điều kiện để được bảo lãnh xe vi phạm

Theo Nghị định 31/2020/NĐ-CP, phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có một trong 02 điều kiện dưới đây:

- Cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện;

- Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.

Như vậy, nếu có tiền bảo lãnh, tổ chức, cá nhân vi phạm giao thông thuộc trường hợp bị tạm giữ có thể được giao bảo quản phương tiện.

Tuy nhiên, có 04 trường hợp không giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản:

- Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự;

- Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông;

- Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa;

- Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.

Mức tiền phải nộp để bảo lãnh xe vi phạm giao thông
Mức tiền phải nộp để bảo lãnh xe vi phạm giao thông (Ảnh minh họa)

Mức tiền phải nộp để bảo lãnh xe vi phạm giao thông

Khoản 4 Điều 8 Thông tư 47/2014/TT-BCA quy định như sau:

Tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh cho người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện. Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm; trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm.

Như vậy, mức tiền bảo lãnh phải nộp bằng ít nhất tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm của người điều khiển xe khi điều khiển phương tiện đó.

Ví dụ: Người điều khiển xe máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Theo Nghị định 100, hành vi này bị phạt ở mức 16 - 18 triệu đồng. Để được bảo lãnh xe máy, người điều khiển xe phải nộp bảo lãnh 18 triệu đồng.

Để được đặt tiền bảo lãnh xe vi phạm giao thông, người lái xe phải tiến hành:

- Làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền tạm giữ đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện.

Nội dung của đơn gồm: họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm, hành vi vi phạm hành chính, tên, số lượng, đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, năm sản xuất, số máy, số khung, dung tích (nếu có), tình trạng của phương tiện, nơi giữ, bảo quản phương tiện.

- Cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản không quá 02 ngày làm việc.

Tình Nguyễn
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?

Gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?

Gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?

Gian lận về giá là một hành vi xảy ra khi doanh nghiệp cố tình tăng giá, khai báo sai giá trị hoặc sử dụng các thủ thuật không minh bạch để trục lợi từ người tiêu dùng. Vậy gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp có hành vi gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?