Hiện nay, khái niệm Thừa phát lại vẫn còn rất xa lạ với người dân. Vậy theo quy định của pháp luật, Thừa phát lại là gì? Những thông tin, quy định liên quan đến Thừa phát lại được nêu thế nào?
- 1. Thừa phát lại là gì? Lập vi bằng thừa phát lại là gì?
- 2. Điều kiện trở thành Thừa phát lại là gì?
- 3. Văn phòng Thừa phát lại làm những gì? Có vai trò gì?
- 4. Thừa phát lại không được làm gì?
- 5. Thừa phát lại có được công chứng văn bản không?
- 6. Chi phí lập vi bằng thừa phát lại là bao nhiêu?
- 7. Danh sách các Văn phòng Thừa phát lại tại Hà Nội, TP. HCM
- 7.1 Tại Hà Nội
1. Thừa phát lại là gì? Lập vi bằng Thừa phát lại là gì?
Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP định nghĩa:
Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan
Theo đó, Thừa phát lại là một chức danh chỉ người được bổ nhiệm để tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện và tổ chức thi hành án dân sự.
Trong đó:
- Tống đạt là thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện.
- Vi bằng là văn bản ghi lại sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến. Vi bằng được lập theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức.
Hiện nay, nhiều người biết đến Thừa phát lại thông qua hoạt động lập vi bằng. Đặc biệt là việc lập vi bằng để mua bán đất bởi vi bằng được Thừa phát lại lập dựa theo thực tế chứng kiến, hành vi, sự kiện có thật nên sẽ là một trong những nguồn chứng cứ chính xác để sử dụng khi có tranh chấp.
Khoản 3 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP cũng khẳng định như sau:
Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Thừa phát lại là người thực hiện việc tống đạt giấy tờ, tài liệu, hồ sơ do chính Thừa phát lại thực hiện cũng như thực hiện lập vi bằng để ghi nhận lại sự thật thực tế xảy ra khi có yêu cầu của cá nhân, tổ chức.
Thừa phát lại là gì? Có vai trò thế nào? (Ảnh minh họa)
2. Điều kiện trở thành Thừa phát lại là gì?
Việc bổ nhiệm Thừa phát lại phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 6 Nghị định 08/2020/NĐ-CP gồm:
- Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có độ tuổi không quá 65, chấp hành Hiến pháp, pháp luật và có đạo đức tốt.
- Có bằng tốt nghiệp đại học/sau đại học chuyên ngành Luật.
- Công tác pháp luật từ 03 năm trở lên sau khi có bằng chuyên ngành Luật nêu trên.
- Tốt nghiệp khóa đào tạo bồi dưỡng nghề Thừa phát tại Học viện Tư pháp hoặc công nhận tương đương với người được đào tạo ở nước ngoài hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại.
- Đạt yêu cầu trong kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.
Trong đó, có một số trường hợp sau đây sẽ được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại nêu tại Điều 5 Thông tư 05/2020/TT-BTP nếu có các giấy tờ gồm:
- Quyết định bổ nhiệm Thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều trai viên… kèm theo giấy tờ chứng minh đã có thời gian làm các chức vụ này từ 05 năm trở lên…
- Thẻ luật sư, thẻ công chứng viên kèm theo gian đã hành nghề luật sư, công chứng từ 05 năm trở lên…
- Quyết định bổ nhiệm Giáo sư, Phó Giáo sư ngành luật, Bằng tiến sĩ Luật…
Như vậy, nếu đáp ứng các điều kiện nêu trên và nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại đến Sở Tư pháp nơi đăng ký tập sự thì sẽ được Sở Tư pháp đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thừa phát lại. Nếu bị từ chối sẽ được thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.
3. Văn phòng Thừa phát lại làm những gì? Có vai trò gì?
Điều 17 Nghị định 08/2020/NĐ-CP nêu rõ:
Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại để thực hiện các công việc được giao theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan
theo đó, Văn phòng Thừa phát lại có quyền ký hợp đồng lao động với Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ làm việc cho văn phòng mình. Do đó, có nghĩa vụ quản lý Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ.
Bởi vậy, Văn phòng Thừa phát lại sẽ thực hiện các công việc mà Thừa phát lại thực hiện gồm:
- Tống đạt tài liệu, giấy tờ, hồ sơ;
- Lập vi bằng để ghi nhận lại sự kiện thật tế đã xảy ra theo yêu cầu như chuyển tiền, đặt cọc mua bán nhà đất, giao nhận tiền…
- Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu;
- Tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa theo yêu cầu của đương sự.
Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận sự kiện thực tế (Ảnh minh họa)
4. Thừa phát lại không được làm gì?
Bên cạnh những nhiệm vụ, công việc Thừa phát lại được làm, Điều 4 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định những việc Thừa phát lại không được làm gồm:
- Tiết lộ thông tin về công việc của mình hoặc sử dụng để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cơ quan.
- Đòi hỏi lợi ích vật chất ngoài chi phí đã ghi nhận trong hợp đồng.
- Kiêm nhiệm công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá, thanh lý tài sản.
- Không nhận những vụ việc liên quan đến quyền, lợi ích bản thân và vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, ông bà nội, ông bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì, anh chị em ruột của Thừa phát lại hoặc của vợ/chồng; cháu ruột gọi Thừa phát lại là ông, bà, chú, cậu, cô, dì.
- Công việc bị cấm khác.
5. Thừa phát lại có được công chứng văn bản không?
Hiện nay, thuật ngữ công chứng được định nghĩa tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014 như sau:
Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Như vậy, công chứng chỉ thực hiện theo Luật Công chứng, do Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Trong khi đó, Thừa phát lại chỉ có nhiệm vụ tống đạt văn bản, lập vi bằng, xác mình điều kiện thi hành án… mà không được thực hiện việc công chứng.
Đồng thời, khoản 2 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP cũng khẳng định:
Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
Và Thừa phát lại không được kiêm nhiệm hành nghề công chứng theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 08/2020. Như vậy, Thừa phát lại không có nhiệm vụ công chứng văn bản.
Xem thêm: Vi bằng là gì? Vi bằng có thay được văn bản công chứng?
Thừa phát lại không có nhiệm vụ công chứng văn bản (Ảnh minh họa)
6. Chi phí lập vi bằng thừa phát lại là bao nhiêu?
Theo khoản 1 Điều 64 Nghị định 08/2020, chi phí lập vi bằng được xác định theo thỏa thuận của người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại; được xác định theo hai căn cứ:
- Công việc thực hiện.
- Theo giờ làm việc.
Thực tế, thông thường chi phí lập vi bằng ở các Văn phòng Thừa phát lại dao động từ 03 - 05 triệu đồng.
7. Danh sách các Văn phòng Thừa phát lại tại Hà Nội, TP. HCM
7.1 Tại Hà Nội
Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có 09 Văn phòng Thừa phát lại đang hoạt động gồm:
STT | Tên Văn phòng Thừa phát lại | Địa chỉ |
1 | Ba Đình | số 12 phố Phan Kế Bính kéo dài, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. |
2 | Đông Dương | Số 75 phố Xã Đàn, phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. |
3 | Quận Hà Đông | B14 Khu đấu giá quyền sử dụng đất Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. |
4 | Hà Nội | 65 Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. |
5 | Hai Bà Trưng | số 3A11 khu Đầm Trấu, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. |
6 | Hoàn Kiếm | Số 16A/3 phố Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. |
7 | Quận Nam Từ Liêm | Số 134 đường Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. |
8 | Thủ Đô | Số 6A, phố Vũ Phạm Hàm, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. |
9 | Thanh Xuân | Số 101 phố Ngụy Như Kon Tum, Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội |
7.2 Tại TP. Hồ Chí Minh
STT | Tên Văn phòng Thừa phát lại | Địa chỉ | Số điện thoại |
1 | Quận 1 | 87 (tầng trệt) Nguyễn Du, phường Bến Nghé, Quận 1 | (028) 38.206.999 |
2 | Quận 5 | 805 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Quận 5 | (028) 39.246.808 |
3 | Quận 8 | 789A Tạ Quang Bửu, Phường 5, Quận 8 | (028) 38.523.999 |
4 | Quận 10 | 137 đường 3 tháng 2, Phường 11, Quận 10 | (028) 38.336.566 |
5 | TP. HCM | 19R Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 19, quận Bình Thạnh | (028) 35.144.533 |
6 | Việt Nam | 526A Cộng Hòa, Phường 13, quận Tân Bình | (028) 38.103.090 |
7 | Quận Bình Tân | 179 Tên Lửa, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân | (028) 62.602.274 |
8 | Quận Gia Định | 22A Nguyễn Thái Sơn, Phường 3, quận Gò Vấp | (028) 35.882.257 |
9 | Sài Gòn | 24 (tầng trệt) Khổng Tử, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức | (028) 37.228.198 |
10 | Quận Bình Chánh | E5/6A Nguyễn Hữu Trí, Khu phố 5, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh | (028) 62.515.688 |
11 | Huyện Hóc Môn | 1/9 Ấp Đình, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn | (028) 37.101.173 |
Trên đây là giải đáp về Thừa phát lại là gì? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
>> 6 điều cần biết về lập vi bằng mua bán đất để không bị lừa