Thay đổi thủ tục về giáo dục khi bỏ Sổ hộ khẩu từ 01/01/2023

Sổ hộ khẩu là giấy tờ quan trọng khi thực hiện các thủ tục hành chính thuộc mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Vậy, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy các thủ tục giáo dục được thực hiện thế nào?

Sổ hộ khẩu giấy sẽ chính thức hết hiệu lực từ ngày 01/01/2023, do đó khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, giáo dục, thuế, hôn nhân gia đình,… người dân sẽ sử dụng các giấy tờ khác để thay thế. Để giải quyết vướng mắc này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/01/2023), trong đó có quy định liên quan đến nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu giấy từ 2023.

Dưới đây là một số thay đổi về hồ sơ, thủ tục thuộc lĩnh vực giáo dục khi bỏ Sổ hộ khẩu giấy từ 01/01/2023.
Thủ tục về giáo dục khi bỏ sổ hộ khẩu

1. Đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ học sinh ở xã thôn đặc biệt khó khăn

Theo khoản 1, 2, 3 Nghị định 104/2022/NĐ-CP, từ ngày 01/01/2023, hồ sơ nhận hỗ trợ hưởng chính sách đối với học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn gồm:

- Đơn đề nghị (theo mẫu);

- Bản sao một trong các loại giấy tờ:

  • Thẻ Căn cước công dân
  • Chứng minh nhân dân;
  • Giấy xác nhận thông tin về cư trú;
  • Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).

-  Giấy tờ chứng minh hộ nghèo (trường hợp đối tượng hưởng hỗ trợ là học sinh trung học phổ thông người dân tộc Kinh).

Trong khi đó, hiện hành, theo Điều 6 Nghị định 116/2016/NĐ-CP yêu cầu đối tượng hưởng hỗ trợ phải gửi kèm bản sao Sổ hộ khẩu kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực.

Như vậy, căn cứ theo các quy định nêu trên, từ ngày 01/01/2023, các đối tượng được sử dụng một trong 04 giấy tờ thay thế Sổ hộ khẩu giấy để nộp hưởng chính sách hỗ trợ thay vì phải nộp Sổ hộ khẩu giấy như hiện nay.

2. Hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mẫu giáo

* Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo:

Hiện hành, điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 105/2020/NĐ-CP cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thuộc đối tượng được hưởng chính sách nộp một trong số các loại giấy tờ sau:
- Bản sao (kèm theo bản chính) Sổ hộ khẩu/bản sao có chứng thực Sổ hộ khẩu/thông tin về số định danh cá nhân của trẻ em hoặc của cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em;
- Giấy xác nhận của cơ quan công an về việc đăng ký thường trú của trẻ em (trường hợp sổ hộ khẩu bị thất lạc).

Tuy nhiên, theo Nghị định 104/2022 của Chính phủ, từ ngày 01/01/2023, cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thuộc đối tượng được hưởng chính sách không cần nộp Sổ hộ khẩu như hiện nay, thay vào đó nộp bản sao một trong các giấy tờ chứng minh cư trú thay Sổ hộ khẩu.

Đồng thời, cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em vẫn phải cung cấp thông tin về số định danh cá nhân của trẻ em hoặc của cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

* Chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp:

Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 104/2022/NĐ-CP, bãi bỏ xuất trình Sổ hộ khẩu hoặc Giấy xác nhận tạm trú của trẻ khi làm hồ sơ hưởng trợ cấp.

Như vậy, từ ngày 01/01/2022, hồ sơ hưởng trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp gồm:

- Đơn đề nghị trợ cấp;

- Giấy khai sinh.

Hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mẫu giáo cũng thay đổi khi bỏ hộ khẩu giấy
 Hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mẫu giáo cũng thay đổi khi bỏ hộ khẩu giấy (Ảnh minh họa)

3. Hồ sơ thủ tục miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập

Khoản 1 Điều 5 Nghị định 104/2022 sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến hồ sơ thủ tục thực hiện miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 81/2021 như sau:

1. Thay thế cụm từ “sổ hộ khẩu thường trú hoặc giấy tờ xác nhận của cơ quan Công an về việc đăng ký thường trú (trường hợp sổ hộ khẩu bị thất lạc)” tại điểm b khoản 1 thành “thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp cơ quan, tổ chức không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Theo quy định nêu trên, từ ngày 01/01/2023 sẽ không còn sử dụng sổ hộ khẩu thường trú/giấy tờ xác nhận của cơ quan Công an về việc đăng ký thường trú để làm hồ sơ hưởng hỗ trợ mà sử dụng một trong các giấy tờ thay thế như: Thẻ Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân; Giấy xác nhận thông tin về cư trú/Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Bên cạnh đó, với trường hợp học sinh, sinh viên có thẻ Căn cước công dân và được cấp mã số định danh, thông tin về nơi thường trú có thể khai thác từ việc kết nối và chia sẻ dữ liệu về dân cư với các cơ sở giáo dục đào tạo thì cha mẹ (hoặc người giám hộ) không phải nộp Giấy khai sinh và giấy tờ chứng minh nơi thường trú.

Trên đây là giải đáp về vấn đề Thủ tục về giáo dục khi bỏ sổ hộ khẩu từ 01/01/2023 thế nào? Mọi vấn đề vướng mắc về bỏ Sổ hộ khẩu, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được LuatVietnam hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Từ 01/01/2023, mua điện sinh hoạt thế nào khi bỏ Sổ hộ khẩu giấy?

Từ 01/01/2023, mua điện sinh hoạt thế nào khi bỏ Sổ hộ khẩu giấy?

Từ 01/01/2023, mua điện sinh hoạt thế nào khi bỏ Sổ hộ khẩu giấy?

Hồ sơ, thủ tục mua điện sinh hoạt khi bỏ Sổ hộ khẩu giấy là vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm. Bài viết dưới đây của LuatVietnam sẽ giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc “mua điện sinh hoạt thế nào khi bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 2023?”