Uỷ quyền nuôi con là gì? Có được không?
Uỷ quyền nuôi con là vấn đề mà khá nhiều người thắc mắc tuy nhiên pháp luật không có quy định cụ thể về thuật ngữ này. Xét về mặt ngữ nghĩa, uỷ quyền nuôi con là việc cha mẹ uỷ quyền cho người khác thực hiện việc nuôi con hộ mình.
Tuy nhiên, theo Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc nuôi con là quyền, nghĩa vụ của cha mẹ. Cả cha và mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng:
- Con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.
- Con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động cũng không có tài sản để tự nuôi bản thân mình.
Như vậy, có thể thấy, nuôi con vừa là quyền vừa là trách nhiệm, gắn với bản thân cha và mẹ. Do đó, cha mẹ không thể uỷ quyền nuôi con cho người khác.
Bởi vậy, không có thủ tục uỷ quyền nuôi con mà thực tế, có thể nhiều người nhầm lẫn uỷ quyền nuôi con với nhận con nuôi. Tuy nhiên, đây là hai thủ tục hoàn toàn khác nhau. Cụ thể:
- Uỷ quyền nuôi con: Là việc một người/cặp vợ chồng… thay mặt nuôi dưỡng, chăm sóc con cái thay cho một cặp vợ chồng khác. Việc uỷ quyền này có thể có thù lao hoặc không có thù lao.
- Nuôi con nuôi: Là việc xác lập quan hệ cha mẹ con giữa người nhận nuôi và người con nuôi. Việc nuôi con nuôi phải thực hiện đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Do đó, về bản chất, uỷ quyền nuôi con không làm mất đi quyền, nghĩa vụ của cha mẹ với con mà “tạm thời” sẽ do người khác thực hiện thay theo thoả thuận của người uỷ quyền và người được uỷ quyền.
Còn việc nuôi con nuôi, khi đã xác lập mối quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi thì cha mẹ nuôi sẽ có đầy đủ quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con. Đồng thời, trừ trường hợp có thoả thuận khác, khi con được nhận làm con nuôi thì cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng… cho con.
Thủ tục uỷ quyền nuôi con thực chất là thế nào?
Ngoài việc nhầm lẫn giữa thủ tục uỷ quyền nuôi con với thủ tục nhận con nuôi, còn không ít trường hợp cha mẹ uỷ quyền cho người khác thực hiện các công việc liên quan đến quyền, nghĩa vụ của mình với con.
Ví dụ khi cha mẹ ở nước ngoài, không thể tự mình thực hiện việc nộp hồ sơ cho con nhập trường lớp 9 hoặc không thể thực hiện một số công việc phải có sự có mặt của cha mẹ hoặc khi làm việc với cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho con.
Do đó, khi thực hiện uỷ quyền trong các trường hợp nêu trên, phạm vi uỷ quyền phải được nêu rõ ràng, chi tiết và cụ thể. Người được uỷ quyền cũng chỉ được thực hiện các quyền trong phạm vi uỷ quyền mà không được toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến trẻ mà phải có sự đồng ý của cha mẹ.
Như vậy, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để cha mẹ thực hiện thủ tục uỷ quyền khác nhau với phạm vi uỷ quyền khác nhau. Dưới đây là thủ tục uỷ quyền chung nhất mà cha mẹ có thể tham khảo.
Chuẩn bị hồ sơ
- Giấy tờ của hai bên uỷ quyền: Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hạn của cha mẹ với người được uỷ quyền; giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân của vợ chồng bên uỷ quyền và giấy tờ chứng minh quan hệ cha mẹ con của bên uỷ quyền.
- Giấy tờ về việc uỷ quyền: Tuỳ vào từng tình huống uỷ quyền mà chuẩn bị giấy tờ phù hợp. Ví dụ uỷ quyền quản lý tài sản cho con khi cha mẹ đi vắng thì cần có giấy tờ về tài sản như sổ đỏ hoặc sổ hồng, sổ tiết kiệm… nếu uỷ quyền về việc thay mặt cha mẹ trong vụ án của con thì cần có giấy mời hoặc giấy triệu tập…
Hình thức thực hiện
Vì uỷ quyền là thủ tục mà không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực. Do đó, việc công chứng hoặc chứng thực sẽ do các bên quyết định.
Trên đây là giải đáp về vấn đề: Thủ tục uỷ quyền nuôi con. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.