Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho con: Hồ sơ, trình tự thế nào?

Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho con được thực hiện như thế nào, hồ sơ là gì, trình tự ra sao sẽ được LuatVietnam hướng dẫn chi tiết tại bài viết dưới đây.

1. Con nhập quốc tịch Việt Nam trong trường hợp nào?

Theo Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam, trường hợp trẻ em nhập quốc tịch Việt Nam nếu là công dân nước ngoài và là người không có quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam trong trường hợp:

Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam

Tuy nhiên, con của công dân Việt Nam chỉ được nhập quốc tịch Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Theo đó, căn cứ khoản 2 Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015, người thành niên (người từ đủ 18 tuổi trở lên) là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Tuy nhiên, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, nếu con là người chưa thành niên thì phải thuộc trường hợp cùng nhập quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ.

- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam.

Nếu không phải là con của công dân Việt Nam thì người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải đáp ứng thêm 03 điều kiện nữa:

- Biết tiếng Việt để hoà nhập cộng đồng (học tập và được cấp bằng ở Việt Nam).

- Đã thường trú từ 05 năm trở lên ở Việt Nam (tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch).

- Có khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam.

Con chưa thành niên có thể nhập quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ
Con chưa thành niên có thể nhập quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ (Ảnh minh hoạ)

2. Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho con

2.1 Hồ sơ cần chuẩn bị

Với trường hợp là con của công dân Việt Nam, để nhập quốc tịch Việt Nam cho con, cần chuẩn bị các loại hồ sơ sau đây:

- Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam (đơn này đã được ban hành mẫu sẵn tại Thông tư 02/2020/TT-BTP).

- Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác (bản sao). Trong đó, các giấy tờ này phải có ảnh được đóng dấu kèm theo đầy đủ thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, giấy thông hành hoặc giấy tờ đi lại quốc tế có giá trị.

- Bản khai lý lịch.

- Phiếu lý lịch tư pháp được cấp trong không quá 90 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch (giấy này có thể do Sở Tư pháp nơi cư trú ở Việt Nam cấp hoặc do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cấp nếu người này đang cư trú tại nước ngoài).

- Giấy khai sinh để chứng minh mối quan hệ giữa cha mẹ là công dân Việt Nam và con.

- Văn bản thoả thuận có đủ chữ ký của cha mẹ về việc xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con chưa thành niên cùng nhập quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ nếu chỉ có mình người cha hoặc người mẹ nhập quốc tịch. Văn bản này không phải chứng thực chữ ký nhưng người đứng đơn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của chữ ký trong đơn.

Nếu cha mẹ đã chết hoặc bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì văn bản thoả thuận này được thay thế bằng giấy tờ chứng minh cha mẹ đã chết hoặc bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Lưu ý: Hồ sơ này phải được lập thành 03 bộ.

2.2 Cơ quan thực hiện

Người yêu cầu nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú nếu sống ở Việt Nam. Sau đó, hồ sơ của người xin nhập quốc tịch sẽ được các cơ quan sau đây xem xét, xác minh: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, công an cấp tỉnh, Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước là người ký quyết định nhập quốc tịch Việt Nam.

Trình tự, thời gian giải quyết thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho con
Trình tự, thời gian giải quyết thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho con (Ảnh minh hoạ)

2.3 Thời gian giải quyết

Thời gian giải quyết thông thường là 135 ngày làm việc bao gồm các giai đoạn:

- 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ: Sở Tư pháp đề nghị công an tỉnh xác minh nhân thân người xin nhập quốc tịch.

- 30 ngày làm việc: Công an cấp tỉnh xác minh, gửi kết quả về Sở Tư pháp.

- 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả xác minh: Sở Tư pháp hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

- 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết luận và gửi ý kiến đề xuất cho Bộ Tư pháp.

- 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất: Bộ Tư pháp kiểm tra lại hồ sơ và thông báo người yêu cầu thực hiện thủ tục thôi quốc tịch nước ngoài (nếu có).

- 10 ngày làm việc kể từ khi người yêu cầu nhận được quyết định thôi quốc tịch nước ngoài: Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo: Thủ tướng trình Chủ tịch nước xem xét nhập quốc tịch cho người yêu cầu.

- 30 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ: Chủ tịch nước xem xét, ra quyết định nhập quốc tịch cho người yêu cầu nhập quốc tịch Việt Nam.

2.4 Lệ phí nhập quốc tịch cho con

Lệ phí thực hiện thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho con là 03 triệu đồng/trường hợp theo quy định tại Điều 4 Thông tư 281/2016/TT-BTC trừ người không quốc tịch, mất quốc tịch có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xác nhận)…

Trên đây là giải đáp về vấn đề: Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho con. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết hơn.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?

Gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?

Gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?

Gian lận về giá là một hành vi xảy ra khi doanh nghiệp cố tình tăng giá, khai báo sai giá trị hoặc sử dụng các thủ thuật không minh bạch để trục lợi từ người tiêu dùng. Vậy gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp có hành vi gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?