Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam mới nhất

Người có quốc tịch Việt Nam sẽ được Nhà nước bảo đảm các quyền công dân, đồng thời cũng phải làm tròn các nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước và xã hội. Người nước ngoài, người không có quốc tịch phải tiến hành thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam như thế nào?

Ai được nhập quốc tịch Việt Nam?

Theo Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam và Nghị định 16/2020, công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;

c) Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;

d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;

đ) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

Ngoài ra, với những đối tượng sau đây, họ sẽ được nhập quốc tịch Việt Nam dù chỉ đáp ứng điều kiện về năng lực hành vi dân sự và tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam, gồm:

- Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam: Để chứng minh điều này, người xin nhập quốc tịch phải được thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó;

- Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chẳng hạn, là người có tài năng thực sự vượt trội trong lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục, đã dành được giải thưởng quốc tế, huân chương, huy chương hoặc được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng nhận và cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về tài năng và có cơ sở cho thấy việc người được nhập quốc tịch Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển lĩnh vực nói trên của Việt Nam sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam.

Đồng thời, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép, những người trên đây cũng được nhập quốc tịch Việt Nam mà không cần phải thôi quốc tịch nước ngoài. Trong khi đó, tất cả những đối tượng còn lại, nếu muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài.

Ngoài ra, muốn nhập quốc tịch Việt Nam, cần đáp ứng thêm một số điều kiện sau:

- Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam: Chẳng hạn biết nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

- Phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được Cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú;

- Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam;

- Không được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.


Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam không dễ dàng (Ảnh minh họa)

Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam tiến hành thế nào?

Căn cứ: Luật Quốc tịch Việt Nam 2008; Nghị định 16/2020/NĐ-CP

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam gồm có các giấy tờ sau đây:

- Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam

- Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ có thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, có dán ảnh của người đó và đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;

- Bản khai lý lịch;

- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;

- Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt, gồm: bản sao bằng tiến sĩ, bằng thạc sĩ, bằng cử nhân hoặc bằng tốt nghiệp đại học, bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp (bao gồm bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp hoặc trung cấp chuyên nghiệp); bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc trung học cơ sở của Việt Nam; bản sao chứng chỉ tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài do cơ sở giáo dục của Việt Nam cấp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam không có giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt thì sẽ bị kiểm tra trong quá trình xin nhập quốc tịch.

- Bản sao Thẻ thường trú;

- Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam, gồm: giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản; giấy tờ do cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận về mức lương hoặc thu nhập; giấy tờ bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam; giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú về tình trạng nhà ở, công việc, thu nhập của người xin nhập quốc tịch Việt Nam;

- Nếu con chưa thành niên cùng nhập quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ thì cần bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con;

- Đối với người được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì không cần cung cấp các giấy tờ tương ứng với điều kiện được miễn. Tuy nhiên, họ sẽ phải nộp giấy tờ để chứng minh điều kiện được miễn:

+ Người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam thì phải nộp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân;

+ Nếu có cha, mẹ, con là công dân Việt Nam thì nộp bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha, mẹ, con;

+ Huân chương, huy chương… đối với người có công lao đặc biệt…

- Đối với người xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài phải có giấy tờ chứng minh các điều kiện được phép như:

+ Giấy tờ chứng minh việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó. Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng;

+ Bản cam kết của người đó về nội dung: Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

Lưu ý:

- Giấy tờ có trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài có trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam phải được dịch sang tiếng Việt; bản dịch phải được công chứng hoặcchứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Hồ sơ được nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp nơi người đó cư trú.

Bước 3: Nhận kết quả

- Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì Sở Tư pháp tiếp nhận và cấp cho người nộp hồ sơ Phiếu tiếp nhận hồ sơ. Người nộp hồ sơ đến nhận kết quả theo lịch hẹn (thời gian giải quyết khoảng 115 ngày).

- Trường hợp hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ hoặc không hợp lệ thì Sở Tư pháp thông báo ngay để người xin nhập quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Nhập quốc tịch Việt Nam mất bao nhiêu tiền?

Căn cứ Thông tư  281/2016/TT-BTC, lệ phí xin nhập quốc tịch Việt Nam là 03 triệu đồng/trường hợp.

Các trường hợp sau đây được miễn lệ phí xin nhập quốc tịch Việt Nam:

- Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam: được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó.

- Người không quốc tịch xin nhập quốc tịch Việt Nam;

- Người di cư từ Lào được phép cư trú xin nhập quốc tịch Việt Nam.

Trên đây là thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam mới nhất. Nếu vẫn băn khoăn về thủ tục này, hãy liên hệ 19006198 để được hỗ trợ.

>> Thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục