- 1. Thủ tục làm thẻ Căn cước từ 01/7/2024 như thế nào?
- 1.1 Ai được cấp thẻ Căn cước?
- 1.2 Làm thẻ Căn cước tại đâu?
- 1.3 Cần chuẩn bị hồ sơ gì để làm thẻ Căn cước?
- 1.4 Thủ tục làm thẻ Căn cước gồm mấy bước?
- 1.5 Làm thẻ Căn cước hết bao nhiêu tiền?
- 2. Các trường hợp bắt buộc phải làm thẻ Căn cước từ 01/7/2024
1. Thủ tục làm thẻ Căn cước từ 01/7/2024 như thế nào?
1.1 Ai được cấp thẻ Căn cước?
Căn cứ Điều 19 Luật Căn cước công dân số 26/2023/QH15, người được cấp thẻ Căn cước gồm các đối tượng sau đây:
- Người có độ tuổi từ đủ 14 trở lên. Sau đó, khi đạt các độ tuổi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi, công dân phải thực hiện cấp lại thẻ Căn cước mới.
- Công dân Việt Nam có độ tuổi dưới 14 tuổi nếu như có nhu cầu cấp thẻ Căn cước và làm thủ tục cấp thẻ Căn cước thì sẽ được cấp loại giấy tờ này.
Như vậy, từ ngày 01/7/2024, tất cả công dân Việt Nam đều được cấp thẻ Căn cước. Tuy nhiên, người từ đủ 14 tuổi trở lên thì bắt buộc phải thực hiên việc cấp còn dưới 14 tuổi thì có thể cấp nếu muốn hoặc không.
1.2 Làm thẻ Căn cước tại đâu?
Hiện nay, cơ quan quản lý căn cước là nơi thực hiện thủ tục làm thẻ Căn cước cho công dân. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ Căn cước theo Điều 27 Luật Căn cước năm 2023 gồm:
- Cơ quan quản lý căn cước của công an cấp huyện hoặc của công an cấp tỉnh nơi công dân cư trú.
- Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an sẽ cấp và quản lý căn cước của công dân do Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định.
Việc cấp thẻ căn cước sẽ thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc online. Trong đó, nếu là trực tiếp thì công dân đến trực tiếp trụ sở của các cơ quan quản lý căn cước ở trên. Nếu làm theo hình thức online thì có thể truy cập vào website của Bộ Công an để được hướng dẫn.
Ngoài ra, trong một số trường hợp cần thiết, công dân có thể được cấp thẻ Căn cước tại cấp xã hoặc tại chỗ ở hợp pháp của công dân.
Và theo dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Căn cước, cơ quan quản lý căn cước sẽ cấp thẻ Căn cước cho công dân tại chỗ ở của người đó khi công dân thuộc một trong các đối tượng sau và có yêu cầu:
- Là người già yếu.
- Là người bị ốm đau, bệnh tật, khuyết tật.
Các đối tượng này đều không thể đi lại được. Khi đó, nếu cơ quan quản lý căn cước có đủ điều kiện và phương tiện, trang thiết bị, nguồn nhân lực thì sẽ cấp thẻ Căn cước tại nhà cho công dân.
1.3 Cần chuẩn bị hồ sơ gì để làm thẻ Căn cước?
Để làm thẻ Căn cước, theo quy định tại Điều 23 Luật Căn cước năm 2023, người dân cần cấp thẻ Căn cước sẽ phải ký tên vào phiếu thu nhận thông tin căn cước sau khi đã được cán bộ tiếp nhận, kiểm tra và thực hiện thu nhận thông tin nhân dạng, thông tin sinh trắc học.
Do đó, khi đi cấp thẻ Căn cước, hiện nay, theo Luật Căn cước năm 2023 thì công dân chỉ cần kiểm tra và ký xác nhận vào phiếu thu nhận thông tin căn cước.
Tuy nhiên, với trường hợp công dân chưa có đầy đủ thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia thì cần thực hiện thủ tục cập nhật thông tin. Do đó, với thông tin nào thiếu hoặc sai sót… thì cần cung cấp giấy tờ về thông tin đó để cập nhật đúng nhất vào hệ thống.
Trong đó, giấy tờ cần chuẩn bị là gì thì thực hiện theo sự hướng dẫn của cán bộ tiếp nhận hồ sơ.
1.4 Thủ tục làm thẻ Căn cước gồm mấy bước?
Để làm thủ tục cấp thẻ Căn cước thì căn cứ vào độ tuổi khác nhau sẽ có một số bước thực hiện cấp khác nhau. Cụ thể, trình tự, thủ tục sẽ thực hiện như sau:
Với công dân là người từ đủ 14 tuổi trở lên
Bước 1: Đến cơ quan quản lý căn cước để yêu cầu cấp thẻ Căn cước.
Bước 2: Sau khi nộp hồ sơ trực tiếp tới cơ quan quản lý căn cước thì công dân đối chiếu, kiểm tra thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc chuyên ngành.
Trong trường hợp công dân chưa có thông tin thì sẽ được thực hiện việc cập nhật, điều chỉnh thông tin.
Bước 3: Sau khi cập nhật thông tin thì công dân sẽ được thu nhận thông tin về nhân dạng, sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt.
Bước 4: Kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin.
Bước 5: Nhận giấy hẹn trả thẻ Căn cước có thời hạn cụ thể.
Với công dân dưới 14 tuổi
Khác với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, người dưới 14 tuổi khi cấp thẻ phải do người đại diện theo pháp luật thực hiện.
Đồng thời, với trẻ em dưới 06 tuổi thì cấp thẻ Căn cước thông qua cổng dịch vụ công hoặc VNeID hoặc khi thực hiện liên thông đăng ký khai sinh trên cổng dịch công hoặc thực hiện trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước với các bước sau:
Bước 1: Đến cơ quan quản lý căn cước hoặc thực hiện thông qua các hình thức trên và yêu cầu cấp thẻ Căn cước.
Bước 2: Thu nhận thông tin nhân dạng, sinh trắc học nhưng trừ của người dưới 06 tuổi.
Bước 3: Nhận giấy hẹn có thời gian trả hồ sơ.
1.5 Làm thẻ Căn cước hết bao nhiêu tiền?
Hiện nay, chưa có quy định chi tiết về mức phí làm thẻ Căn cước. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước 2023 thì khi cấp thẻ Căn cước lần đầu, công dân sẽ không phải nộp lệ phí.
2. Các trường hợp bắt buộc phải làm thẻ Căn cước từ 01/7/2024
Căn cứ Luật Căn cước, các trường hợp bắt buộc phải làm thẻ Căn cước gồm:
- Bắt buộc cấp thẻ Căn cước:
- Khi công dân đủ 14 tuổi từ ngày 01/7/2024.
- Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hết hạn từ ngày 15/01/2024 - trước ngày 30/6/2024 thì phải cấp thẻ Căn cước từ ngày 01/7/2024.
- Những người đang sử dụng Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng thì bắt buộc phải cấp thẻ Căn cước từ ngày 01/5/2024.
- Bắt buộc đổi thẻ Căn cước:
- Công dân đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.
- Công dân có cải chính, thay đổi thông tin về họ, tên chữ đệm khai sinh, ngày tháng năm sinh.
- Công dân có sự thay đổi về nhân dạng, ảnh khuôn mặt, vân tay, xác định lại giới tính/chuyển đổi giới tính.
- Thông tin in trên thẻ Căn cước có sai sót.
- Khi công dân được xác lập lại số định danh cá nhân.
- Khi có yêu cầu.
- Cấp lại thẻ Căn cước gồm các trường hợp:
- Công dân bị mất thẻ/bị hư hỏng không thể sử dụng được trừ trường hợp thuộc độ tuổi phải cấp đổi thẻ Căn cước.
- Công dân được trở lại quốc tịch Việt Nam.
Trên đây là tổng hợp trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước theo quy định mới nhất tại Luật Căn cước 2023, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Sắp tới, dự kiến sẽ có thêm nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết hơn về vấn đề này.