Thủ tục đổi CCCD mã vạch sang thẻ CCCD gắn chip mới nhất

Từ đầu năm 2021, khi Bộ Công an tiến hành cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, người dân có thể đi đổi CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip với thủ tục khá đơn giản.

Có bắt buộc đổi CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip?

Theo Thông tư 06/2021/TT-BCA của Bộ Công an, từ ngày 23/01/2021 áp dụng mẫu thẻ CCCD gắn chip, trong đó, chip điện tử được gắn ở mặt sau thẻ CCCD.

Tại phần hướng dẫn về hiệu lực thi hành của Thông tư này quy định, thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định (khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi); nếu công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ thẻ Căn cước công dân được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành (thẻ CCCD mã vạch) thì vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

Như vậy, nếu thẻ CCCD mã vạch vẫn còn thời hạn sử dụng thì người dân không bắt buộc đi đổi sang thẻ CCCD gắn chip.

Tuy nhiên, với việc lệ phí đổi CCCD đang được giảm một nửa đến hết ngày 30/6/2021 và những lợi ích mà CCCD gắn chip mang lại, người dân nên đi đổi sang CCCD gắn chip trước 01/7/2021.

Theo Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014, trường hợp đổi CCCD mã vạch sang gắn chip dù do hết hạn hay do yêu cầu của công dân đều thuộc trường hợp cấp đổi thẻ CCCD.

doi cccd ma vach sang cccd gan chip
Thủ tục đổi CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip (Ảnh minh họa)

Thủ tục cấp đổi thẻ CCCD mới nhất

Hiện nay, thủ tục cấp đổi thẻ CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 24 Luật Căn cước công dân 2014, Thông tư 07/2016/TT-BCA , Thông tư 40/2019/TT-BCA.

Đổi sang thẻ CCCD gắn chip ở đâu?

Theo Điều 26 Luật CCCD 2014, công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:

- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;

- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;

- Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Điều 16 Thông tư 07/2016/TT-BCA, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành hoặc chưa thu thập đầy đủ thông tin về công dân thì thực hiện phân cấp giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:

- Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện và đơn vị hành chính tương đương tiếp nhận hồ sơ giải quyết các trường hợp cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú tại địa phương đó.

- Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó; các trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân do hư hỏng, do hết hạn và cấp lại thẻ Căn cước công dân đối với công dân có nơi đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.

Như vậy, hiện nay, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia chưa hoàn thành, nếu CCCD mã vạch hết hạn hoặc hư hỏng, công dân có thể đổi sang CCCD gắn chip ở Công an cấp tỉnh của bất cứ tỉnh, thành nào. Nếu không thuộc 02 trường hợp trên, công dân phải đổi tại Công an cấp huyện nơi thường trú.

Đi đổi sang thẻ CCCD gắn chip cần mang giấy tờ gì?

Khi đi đổi thẻ CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip, người dân cần có:

- Kê khai vào Tờ khai căn cước công dân theo mẫu (nếu không kê khai trực tuyến) hoặc in Tờ khai căn cước công dân đã kê khai trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến (ký, ghi rõ họ, chữ đệm và tên).

- Trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong Tờ khai căn cước công dân như Sổ hộ khẩu. Trường hợp thông tin trên Sổ hộ khẩu chưa đầy đủ hoặc không thống nhất với thông tin công dân khai trên Tờ khai Căn cước công dân thì yêu cầu công dân xuất trình Giấy khai sinh hoặc các giấy tờ hợp pháp khác về những thông tin cần ghi trong Tờ khai Căn cước công dân;

- Thẻ CCCD mã vạch (thẻ này sẽ bị thu lại sau khi cấp CCCD gắn chip theo khoản 3 Điều 24 Luật Căn cước công dân).

Sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, đầy đủ, cán bộ chịu trách nhiệm thu nhận thông tin thu nhận vân tay của công dân: Thu nhận vân tay chụm của 4 ngón bàn tay phải; vân tay chụm của 4 ngón bàn tay trái; vân tay của 2 ngón cái; Chụp ảnh chân dung của công dân; Thu lệ phí và trả giấy hẹn lấy kết quả.

Lưu ý: Nơi trả thẻ Căn cước công dân là nơi làm thủ tục cấp thẻ; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì công dân ghi cụ thể địa chỉ nơi trả thẻ tại Tờ khai căn cước công dân (qua bưu điện).

Đổi CCCD mất bao nhiêu tiền?

Theo Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC, nếu đổi thẻ CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip có lệ phí là 50.000 đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 112/2020/TT-BTC, giảm lệ phí đổi CCCD còn một nửa đến hết ngày 30/6/2021.

Như vậy, nếu đổi thẻ CCCD trước 01/7/2021, lệ phí chỉ còn 25.000 đồng.

Đổi CCCD mất bao lâu?

Theo Điều 25 Luật Căn cước công dân, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý căn cước công dân phải đổi lại thẻ Căn cước công dân cho công dân trong thời hạn sau đây:

- Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc;

- Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc;

- Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc.

Hiện nay, Bộ Công an đã đề xuất thủ tục mới khi đổi sang thẻ CCCD gắn chíp tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết Nghị định 137/2015/NĐ-CP và Luật Căn cước công dân (lần 02). Tuy nhiên, hiện nay, dự thảo này vẫn chưa được thông qua. LuatVietnam sẽ cập nhật ngay đến bạn đọc khi nào dự thảo này chính thức được thông qua và có hiệu lực.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(3 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?

Gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?

Gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?

Gian lận về giá là một hành vi xảy ra khi doanh nghiệp cố tình tăng giá, khai báo sai giá trị hoặc sử dụng các thủ thuật không minh bạch để trục lợi từ người tiêu dùng. Vậy gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp có hành vi gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?