Thủ tục cấp thẻ đi lại của doanh nhân APEC

Thẻ đi lại của doanh nhân APEC (được viết tắt là ABTC) là loại giấy tờ được cấp cho doanh nhân các nước APEC nhằm phục vụ hoạt động đi lại của đối tượng này giữa các nước và vùng lãnh thổ.  Thủ tục xin cấp thẻ ABTC sẽ được thể hiện dưới đây.

Giới thiệu về thẻ ABTC

Thẻ ABTC là một loại giấy tờ thuộc Chương trình thẻ đi lại của doanh nhân APEC, do cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia tham gia chương trình này cấp cho doanh nhân của mình để tạo thuận lợi cho việc đi lại thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ; tham dự các hội nghị, hội thảo và các mục đích kinh tế khác tại các nước và vùng lãnh thổ thuộc APEC.

Thẻ ABTC chỉ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh (tức có giá trị thay thế thị thực) khi người mang thẻ xuất trình kèm theo hộ chiếu hợp lệ. Mỗi lần nhập cảnh, người mang thẻ ABTC được các nước và vùng lãnh thổ thành viên cấp chứng nhận tạm trú theo thời hạn quy định của các nước hoặc vùng lãnh thổ đó.

Thẻ ABTC có giá trị sử dụng trong 03 năm, kể từ ngày cấp và không được gia hạn. Khi thẻ ABTC hết thời hạn sử dụng, nếu người được cấp thẻ vẫn còn nhu cầu đi lại trong khối APEC, thì làm thủ tục đề nghị cấp lại thẻ mới theo Điều 2 Quyết định 54/2015/QĐ-TTg sửa đổi quy chế về cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC kèm theo Quyết định 45/2006/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành.


Đối tượng được cấp thẻ ABTC

Theo quy định tại Điều 6 Quy chế về cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC ban hành kèm theo Quyết định 45/2006/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 54/2015/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành, doanh nhân Việt Nam thuộc đối tượng cấp thẻ ABTC bao gồm:

  • Doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước:
  • Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm;
  • Thành viên Hội đồng thành viên; Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc; Giám đốc, Phó giám đốc các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; Giám đốc, Phó giám đốc các ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng;
  • Kế toán trưởng, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, ngân hàng; Trưởng chi nhánh của doanh nghiệp hoặc chi nhánh ngân hàng.
  • Doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam:
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty;
  • Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc hợp tác xã hoặc liên hợp tác xã;
  • Kế toán trưởng, Trưởng phòng trong các doanh nghiệp; Trưởng chi nhánh của các doanh nghiệp và các chức danh tương đương khác
  • Cán bộ, công chức, viên chức có nhiệm vụ tham gia các hoạt động của APEC
  • Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp, hội nghị và các hoạt động về hợp tác, phát triển kinh tế của APEC;
  • Cán bộ, công chức, viên chức có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của APEC;
  • Trưởng đại diện, Phó đại diện cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ thành viên APEC.

Ngoài các đối tượng kể trên, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công an có thể xem xét cấp thẻ ABTC cho đối tượng không thuộc diện trên theo đề nghị của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tục cấp thẻ đi lại của doanh nhân APEC

Thẻ ABTC - tấm giấy thông hành của các doanh nhân APEC


Điều kiện được cấp thẻ ABTC

  • Là người từ 18 tuổi trở lên; người không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không bị mất năng lực hành vi dân sự.
  • Có hộ chiếu còn giá trị sử dụng (thời hạn sử dụng còn trên 24 tháng).
  • Đang làm việc tại các doanh nghiệp có các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư và dịch vụ với các đối tác trong các nền kinh tế thành viên tham gia thẻ ABTC được thể hiện thông qua các hợp đồng kinh tế, thương mại, các dự án đầu tư và các hợp đồng dịch vụ cụ thể, được thể hiện bằng hợp đồng lao động, quyết định bổ nhiệm chức vụ và tham gia đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ tại doanh nghiệp đang làm việc. Các doanh nghiệp này đã phát sinh hoạt động từ 06 (sáu) tháng trở lên và chấp hành tốt pháp luật về thương mại, thuế, hải quan, lao động và bảo hiểm xã hội.
  • Không thuộc các trường hợp chưa được phép xuất cảnh quy định tại Điều 10 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 45/2006/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC.
  • Doanh nghiệp có trụ sở tại thành phố Hà Nội phải có doanh thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ hoặc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với đối tác nước ngoài tham gia chương trình thẻ đi lại của doanh nhân APEC tối thiểu 10 tỉ đồng Việt Nam trong 02 năm gần nhất.


Hồ sơ cấp thẻ ABTC

  • Văn bản đề nghị của doanh nghiệp do đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký tên và đóng dấu.
  • Bản sao một trong các loại giấy tờ: thư mời, hợp đồng ngoại thương, hợp đồng liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng cung cấp dịch vụ hoặc các chứng từ xuất nhập khẩu khác (L/C, vận đơn, tờ khai hải quan, hóa đơn thanh toán) không quá 01 năm tính đến thời điểm xin cấp thẻ ABTC với các đối tác thuộc nền kinh tế thành viên APEC tham gia chương trình thẻ ABTC (kèm bản chính các giấy tờ trên để đối chiếu). Nếu các văn bản bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt kèm theo;
  • Bản sao hộ chiếu;
  • Bản sao quyết định bổ nhiệm chức vụ;
  • Bản sao có chứng thực văn bản xác nhận doanh nhân đã nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc tại doanh nghiệp đề nghị cấp thẻ trong thời gian ít nhất 01 năm (có thể là sổ bảo hiểm xã hội);
  • Bản sao chứng thực các báo cáo doanh thu;
  • Bản lý lịch tự khai có xác nhận của chính quyền địa phương
  • 05 ảnh mới chụp, cỡ 3cm x 4cm, đầu để trần, mặt nhìn thẳng, không đeo kính màu, phông nền màu trắng;


Thủ tục cấp thẻ ABTC

Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Quy chế cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC ban hành kèm theo Quyết định 45/2006/QĐ-TTg được sửa đổi bởi khoản 5, Điều 1, Quyết định 54/2015/QĐ-TTg , việc cấp thẻ ABTC được thực hiện như sau:

Bước 1: Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ ABTC tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Cục quản lý xuất nhập cảnh trao đổi dữ liệu nhân sự của doanh nhân với cơ quan có thẩm quyền của các nước và vùng lãnh thổ thành viên.

Các nước và vùng lãnh thổ thành viên xem xét, trả lời (đồng ý hay không đồng ý cấp thẻ) trong thời hạn tối đa là 21 ngày, kể từ ngày Cục Quản lý xuất nhập cảnh trao đổi dữ liệu nhân sự với các nước và vùng lãnh thổ thành viên.

Lưu ý, khi hết thời hạn 21 ngày, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ cấp thẻ ABTC cho doanh nhân, kể cả trường hợp chưa nhận được đủ ý kiến của các nước và vùng lãnh thổ thành viên.

Ngoài ra, Cục Quản lý xuất nhập cảnh có thể cấp thẻ ABTC trước khi hết thời hạn 21 ngày trong những trường hợp sau:

- Khi có ý kiến trả lời của tất cả các nước và vùng lãnh thổ thành viên;

- Khi có một số nước và vùng lãnh thổ thành viên trả lời đồng ý cấp thẻ, bản thân doanh nhân có văn bản đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp thẻ ABTC mà không chờ kết quả trả lời của tất cả các nước và vùng lãnh thổ thành viên.

Khi cấp thẻ ABTC, Cục Quản lý xuất nhập cảnh ghi lên thẻ tên các nước và vùng lãnh thổ thành viên đã trả lời đồng ý cấp thẻ cho doanh nhân.

Bước 3: Doanh nhân nhận thẻ ABTC tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc thông qua doanh nghiệp bưu chính.


Lệ phí thực hiện

Theo quy định tại Thông tư 219/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành ngày 10/11/2016, lệ phí cấp thẻ ABTC là 1.200.000 VND/lần.


Trách nhiệm của doanh nghiệp khi có doanh nhân được cấp thẻ ABTC

  • Doanh nghiệp có trách nhiệm định kỳ hàng năm (hạn chót vào ngày 31 tháng 12 hàng năm) phải báo cáo tình hình sử dụng thẻ ABTC của doanh nhân thuộc doanh nghiệp mình gồm các nội dung ban hành kèm theo Quy chế này.
  • Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin kê khai trong báo cáo và cam kết chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật cũng như các quy định của các nước và vùng lãnh thổ thành viên APEC áp dụng đối với người mang thẻ ABTC.
  • Trường hợp doanh nghiệp không báo cáo hoặc báo cáo không đúng hạn xem như doanh nghiệp vi phạm quy chế và các doanh nhân trong doanh nghiệp sẽ được các cơ quan có thẩm quyền, nơi doanh nghiệp nộp hồ sơ xin phép cho sử dụng thẻ ABTC trình Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định và thông báo đến Cục Quản lý Xuất nhập cảnh về việc thẻ ABTC không còn giá trị sử dụng.
  • Đối với doanh nhân của doanh nghiệp đã chuyển công tác, thôi giữ chức vụ hoặc đã nghỉ việc, doanh nghiệp phải có trách nhiệm giữ lại thẻ và báo cáo ngay với các cơ quan có thẩm quyền, nơi doanh nghiệp nộp hồ sơ xin phép cho sử dụng thẻ ABTC để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định thẻ không còn giá trị sử dụng, liên hệ và nộp lại thẻ đã cấp cho doanh nhân để Cục Quản lý Xuất nhập cảnh – Bộ Công an quản lý.
  • Đối với trường hợp doanh nghiệp bị phát hiện giới thiệu không đúng người của doanh nghiệp hoặc người của doanh nghiệp nhưng không đúng tiêu chí, điều kiện xét cho phép sử dụng thẻ ABTC, thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và những doanh nhân được đề nghị cho phép sử dụng thẻ của doanh nghiệp sẽ được các cơ quan có thẩm quyền, nơi doanh nghiệp nộp hồ sơ xin phép cho sử dụng thẻ ABTC trình Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định và thông báo đến Cục Quản lý Xuất nhập cảnh về việc thẻ ABTC không còn giá trị sử dụng và chịu những chế tài khác của pháp luật.


Các quốc gia tham gia chương trình thẻ ABTC

Úc, Brunei, Chile, Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.


Các khuyến cáo liên quan đến thẻ ABTC

  • Khi sử dụng thẻ ABTC bạn nên nhập cảnh đúng với mục đích kinh doanh theo quy định vì vậy bạn cần phải có địa chỉ làm việc của các cơ quan đối tác, các hợp đồng kinh doanh.
  • Mặt khác khi được hỏi về mục đích nhập cảnh, bạn phải trả lời mục đích chuyến đi là kinh doanh và không trả lời các mục đích khác như: du lịch, thăm thân, thăm quan…có thể bạn bị các cơ quan chức nhập cư nước sở tại đề nghị xin thị thực mới để phù hợp với mục đich chuyến đi.
  • Bạn nên lưu trú đúng với thời hạn cho phép. Trong trường hợp bạn ở lại quá thời hạn cho phép, cơ quan nước sở tại có quyền tịch thu lại thẻ của bạn và trục xuất bạn ra khỏi nước họ.
  • Thực tế một số nước đã đề nghị can thiệp về việc sử dụng thẻ ABTC để ở lại quá thời hạn. Vì vậy bạn nên sử dụng thẻ ABTC đúng với các quy định và mục tiêu của thẻ này.

Trên đây là thủ tục cấp thẻ đi lại của doanh nhân AFEC, nếu có băn khoăn về các quy định cấp thẻ hoặc có nhu cầu về dịch vụ này, vui lòng liên hệ: 1900.6192. 
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Phí chuyển Căn cước gắn chip qua bưu điện chính xác là bao nhiêu?

Phí chuyển Căn cước gắn chip qua bưu điện chính xác là bao nhiêu?

Phí chuyển Căn cước gắn chip qua bưu điện chính xác là bao nhiêu?

Khi làm Căn cước công dân gắn chip, ngoài khoản phí cấp/đổi thẻ, người dân còn phải đóng thêm một khoản phí khác để nhận thẻ ngay tại nhà. Thế nhưng, không phải ai cũng biết khoản phí này chính xác là bao nhiêu tiền, do mỗi nơi có một mức thu khác nhau.

4 thay đổi lớn từ 01/7/2021 ảnh hưởng đến người đang thuê nhà

4 thay đổi lớn từ 01/7/2021 ảnh hưởng đến người đang thuê nhà

4 thay đổi lớn từ 01/7/2021 ảnh hưởng đến người đang thuê nhà

Ngày 01/7/2021 tới đây là thời điểm có hiệu lực của Luật Cư trú 2020. Luật này tác động mạnh tới đông đảo người dân, do trực tiếp điều chỉnh vấn đề thường trú, tạm trú, tạm vắng…, trong đó có những người đang thuê nhà ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

Thủ tục xin Giấy phép đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất

Thủ tục xin Giấy phép đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất

Thủ tục xin Giấy phép đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất

Sản xuất, kinh doanh hóa chất là ngành nghề kinh doanh có điều kiện căn cứ theo Luật Đầu tư 2020. Vì vậy, khi cá nhân, doanh nghiệp muốn hoạt động trong lĩnh vực hóa chất thì phải đăng ký kinh doanh và phải làm thủ tục xin Giấy phép đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất.