Cơ sở đào tạo lái xe ô tô là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng đào tạo nghề lái xe ô tô. Để được đào tạo nghề lái xe, cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải có giấy phép. Tuy nhiên, trường hợp nào giấy phép này phải cấp lại? Thủ tục thực hiện thế nào?
Trường hợp nào phải cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô?
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 65/2016/NĐ-CP, cơ sở đào tạo lái xe ô tô sẽ phải làm thủ tục cấp lại giấy phép trong 02 trường hợp:
- Cơ sở đào tạo bị mất, bị hỏng, có sự thay đổi liên quan đến nội dung khác.
- Cơ sở đào tạo điều chỉnh hạng xe đào tạo, lưu lượng đào tạo.
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện cấp lại giấy phép
Điều 15 Nghị định 65 nêu rõ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đào tạo lái xe ô tô cũng là cơ quan thực hiện việc cấp lại giấy phép này, gồm:
- Với cơ sở đào tạo thuộc cơ quan Trung ương do Bộ Giao thông Vận tải giao: Do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp lại giấy phép;
- Với cơ sở đào tạo do địa phương quản lý: Do Sở Giao thông Vận tải cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô.
Hồ sơ cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô
1/ Trong trường hợp bị mất, bị hỏng, có sự thay đổi liên quan đến nội dung khác
Thành phần hồ sơ trong trường hợp này được quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 65/2016/NĐ-CP gồm văn bản đề nghị cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô. Lưu ý, tại văn bản này, cơ sở đào tạo phải nêu rõ lý do hỏng, mất hoặc nội dung cần thay đổi.
Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).
2/ Trong trường hợp điều chỉnh hạng xe đào tạo, lưu lượng đào tạo
Thành phần hồ sơ trong trường hợp này được nêu tại điểm khoản 1 Điều 15 Nghị định 65/2016/NĐ-CP gồm:
- Văn bản kèm báo cáo đề nghị cấp giấy phép đào tạo lái xe theo mẫu;
- Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực);
- Giấy đăng ký xe (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực).
Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).
2 trường hợp phải cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô (Ảnh minh họa)
Thủ tục cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô chi tiết nhất
1/ Trong trường hợp bị mất, bị hỏng, có sự thay đổi liên quan đến nội dung khác:
Căn cứ tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 65/2016/NĐ-CP, thủ tục cấp lại giấy phép trong trường hợp này như sau:
Bước 1: Nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hồ sơ cấp lại Giấy phép đào tạo lái xe ô tô tại cơ quan có thẩm quyền.
Bước 2: Giải quyết thủ tục cấp lại Giấy phép đào tạo lái xe ô tô
- Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô cho cơ sở đào tạo.
- Trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2/ Trong trường hợp điều chỉnh xe đào tạo, lưu lượng đào tạo
Thủ tục này được thực hiện theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 65/2016/NĐ-CP gồm các bước sau:
Bước 1: Cơ sở đào tạo nộp hồ sơ cấp lại Giấy phép đào tạo lái xe ô tô đến Sở Giao thông vận tải hoặc Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Bước 2: Giải quyết thủ tục cấp lại Giấy phép đào tạo lái xe ô tô
- Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phối hợp cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp tổ chức kiểm tra thực tế cơ sở đào tạo và lập biên bản theo mẫu;
- Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô cho cơ sở đào tạo.
- Trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Nộp hồ sơ cấp lại giấy phép đào tạo lái xe bằng cách nào?
- Trực tiếp tại Bộ phận một cửa của Sở Giao thông Vận tải của tỉnh, thành phố thuộc Trung ương nơi cơ sở đào tạo thành lập.
- Gián tiếp qua trang thông tin điện tử hoặc đường bưu chính của tỉnh, thành phố thuộc Trung ương nơi cơ sở đào tạo thành lập.
Lệ phí và kết quả là gì?
- Mức lệ phí: Không có.
- Kết quả thực hiện thủ tục
+ Giấy phép đào tạo lái xe ô tô.
+ Văn bản ghi rõ lý do về việc không cấp.
Trên đây là thủ tục cấp lại Giấy phép đào tạo lái xe ô tô nhằm mục đích kiểm soát việc đào tạo lái xe ô tô, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hành khách và hàng hóa dễ dàng hơn. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
>> Giấy phép lái xe các hạng: 10 thông tin quan trọng cần biết