1. Xin cấp lại giấy chứng sinh đã mất để làm khai sinh được không?
Căn cứ khoản 3 Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BYT, giấy chứng sinh là loại giấy tờ có thể được cấp lại. Theo đó, có hai trường hợp được cấp lại giấy chứng sinh là:
- Sau khi được cấp mà phát hiện có nhầm lẫn.
- Giấy chứng sinh bị mất, rách, nát sau khi được cấp.
Như vậy, nếu mất giấy chứng sinh, cha mẹ hoàn toàn có thể xin cấp lại giấy chứng sinh theo thủ tục nêu tại điểm b khoản 3 Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BYT như sau:
1.1 Hồ sơ cần chuẩn bị
Đơn đề nghị cấp lại giấy chứng sinh (ban hành tại Phụ lục 03 Thông tư 17/2012/TT-BYT). Trong đơn này phải có xác nhận của Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân số về việc sinh và việc gia đình đang sinh sống tại địa bàn khu dân cư.
1.2 Nơi nộp hồ sơ
Cơ sở khám, chữa bệnh đã cấp giấy chứng sinh cho trẻ lần đầu.
1.3 Thời gian giải quyết
- 02 ngày làm việc kể từ ngày cơ sở khám, chữa bệnh nhận được đơn đề nghị cấp lại giấy chứng sinh.
- Không quá 03 ngày làm việc nếu việc cấp lại giấy chứng sinh phải xác minh.
1.4 Lệ phí cấp lại giấy chứng sinh
Theo Thông tư 17 cũng như các văn bản khác của Bộ Y tế, không có quy định nào đề cập đến lệ phí cấp lại giấy chứng sinh. Do đó, khi xin cấp lại giấy chứng sinh, cha mẹ hoặc người thân thích khác của trẻ sẽ không phải nộp khoản phí nào.
2. Ngoài giấy chứng sinh, dùng giấy tờ khác khai sinh được không?
Về thủ tục đăng ký khai sinh, người đi khai sinh phải thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Điều 16 Luật Hộ tịch quy định hồ sơ cha mẹ hoặc người có quyền đi khai sinh cho trẻ phải nộp gồm:
- Tờ khai đăng ký khai sinh (có mẫu).
- Giấy chứng sinh (bản chính). Nếu không có giấy chứng sinh thì có thể nộp một trong các loại giấy tờ sau đây:
+ Văn bản có người làm chứng xác nhận về việc trẻ được sinh ra,
+ Giấy cam đoan về việc sinh con.
- Biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi nếu làm khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi (biên bản này phải do cơ quan có thẩm quyền lập).
- Văn bản chứng minh việc mang thai hộ nếu khai sinh cho trẻ được sinh ra do mang thai hộ.
Như vậy, có thể thấy, ngoài giấy chứng sinh thì người đi làm khai sinh cho trẻ còn có thể sử dụng một trong hai loại văn bản (văn bản có người làm chứng xác nhận hoặc giấy cam đoan về việc sinh) để thay thế.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên, người đi khai sinh có thể nộp hồ sơ tại cơ quan sau đây:
- Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã: Khai sinh cho trẻ ở Việt Nam thì đến UBND cấp xã nơi cha hoặc mẹ cư trú (thường trú + tạm trú) hoặc của nơi trẻ đang sinh sống thực tế (nếu không xác định được nơi cư trú của cha mẹ).
- UBND cấp huyện: Nếu khai sinh cho trẻ có yếu tố nước ngoài.
Bước 3: Giải quyết cấp giấy khai sinh
Sau khi nhận đủ hồ sơ, công chức tư pháp hộ tịch có thẩm quyền sẽ kiểm tra, xác minh hồ sơ, đối chiếu thông tin và tính hợp lệ của các giấy tờ trong hồ sơ đã nhận được do người yêu cầu làm giấy khai sinh nộp, xuất trình.
Theo đó, nếu hồ sơ đầy đủ thì tiếp nhận, báo cáo Chủ tịch UBND, lấy số định danh cá nhân, cấp giấy khai sinh cho người có yêu cầu. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, thiếu sót hoặc sai sót thì yêu cầu người đi đăng ký khai sinh bổ sung, hoàn thiện.
Trên đây là giải đáp về thủ tục cấp lại giấy chứng sinh bị mất để đăng ký khai sinh cho trẻ. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.