Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Thông báo 200/TB-VPCP 2023 buổi làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Thông báo 200/TB-VPCP
Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 200/TB-VPCP | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo | Người ký: | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Ngày ban hành: | 01/06/2023 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Hành chính |
tải Thông báo 200/TB-VPCP
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 200/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 01 tháng 6 năm 2023 |
THÔNG BÁO
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với hội khuyến học Việt Nam
_________
Ngày 25 tháng 5 năm 2023, tại trụ sở Hội Khuyến học Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam (Hội). Cùng tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; đại diện các cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp. Sau khi nghe Hội báo cáo tình hình công tác, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận như sau:
1. Trong những năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho nhất là trong thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 03 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và Kết luận 49-KL/TW ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW trong giai đoạn 2021 - 2030 và các Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đơn vị, xây dựng mô hình công dân học tập… Với tâm huyết, tinh thần cống hiến và lực lượng đông đảo, Hội có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo; đóng vai trò tiên phong liên kết, phối hợp các lực lượng xã hội trong thực hiện nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, nâng cao dân trí, phát triển con người, xây dựng xã hội học tập trong những năm qua. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những đóng góp của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cùng các cấp Hội đã có những đóng góp quan trọng trong những năm qua.
2. Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao dân trí, phát triển con người, tạo động lực mới cho phát nhanh, bền vững đất nước, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và xu thế phát triển của thời đại. Cần tiếp tục đổi mới tư duy, chính sách trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, lấy con người làm trung tâm, nhân tài làm động lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, cùng với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
a) Hội Khuyến học Việt Nam:
- Phát huy trí tuệ, tâm huyết của đông đảo hội viên, các cấp hội trong tham gia hoàn thiện, đổi mới các chủ trương, chiến lược và phát triển triết lý giáo dục, đào tạo phù hợp với truyền thống văn hóa, yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới và xu thế phát triển của thời đại. Đóng góp, phản biện, xây dựng đồng bộ chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo; tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình Tổng kết Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 29-NQ/TW) và các vấn đề đang được xã hội quan tâm như chính sách học phí, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, phổ cập giáo dục cho trẻ em mầm non, xã hội hóa giáo dục, vấn đề phân luồng và định hướng nghề nghiệp,…
- Tiếp tục thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp với các tổ chức, lực lượng xã hội tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Phát triển các phong trào khuyến học, khuyến tài với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập để tổng kết nhân rộng các mô hình hiệu quả.
- Chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục vận động Nhân dân tích cực học tập, học tập suốt đời, nâng cao dân trí, năng suất lao động; tham gia vào hoạt động đổi mới quản lý giáo dục, xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng các cơ sở giáo dục một cách khoa học, độc lập, dựa trên đánh giá từ doanh nghiệp, người dân, người đi học, đồng thời hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế.
- Phối hợp xây dựng kế hoạch, dự án nhiệm vụ cụ thể giai đoạn 2023 - 2025. Triển khai nhiệm vụ theo đặt hàng của Nhà nước.
- Phát triển Quỹ khuyến học theo hướng đa dạng, hiệu quả để hỗ trợ học sinh, sinh viên vượt khó vươn lên trong học tập, tiếp cận giáo dục chất lượng cao, giáo dục đại học.
b) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định của pháp luật thể chế hóa các chủ trương của Đảng về giáo dục toàn dân, xây dựng xã hội học tập, bảo đảm có sự đồng bộ, liên thông giữa các bậc học, loại hình giáo dục, đào tạo (phổ thông, dạy nghề, cao đẳng, đại học, sau đại học) nhằm khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho người học có được cơ hội học tập suốt đời; sử dụng hiệu quả và phát huy tối đa những nguồn lực sẵn có, tránh lãng phí, gây khó khăn cho người học.
c) Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện nhiệm vụ đặt hàng với Trung ương Hội khuyến học Việt Nam trong tổng kết Nghị quyết số 29-NQ/TW đề xuất các chủ trương, chính sách đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và xu thế của toàn cầu; xây dựng nội dung, chương trình phù hợp với đối tượng, lứa tuổi học tập.
d) Các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có cách tiếp cận mới, chủ động triển khai công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; quan tâm, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển các thiết chế, môi trường cho xã hội học tập, phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số tạo điều kiện để người dân có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống tri thức mở, linh hoạt với nhiều mô hình, từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực tự học tập, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.
3. Về các đề xuất của Hội Khuyến học Việt Nam
a) Về tổ chức, mô hình của Hội và chính sách có liên quan đối với cán bộ hội các cấp: giao Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính theo chức năng nhiệm vụ được giao rà soát quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 và các Thông tư quy định chi tiết, đánh giá thực tiễn, nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, sâu sắc các văn bản của Đảng, Nhà nước để tham mưu đầy đủ, rõ ràng, minh bạch về mô hình tổ chức bộ máy, nhân sự, chế độ chính sách của các cấp hội ở Trung ương, địa phương phù hợp với đặc thù của Hội khuyến học, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2023.
b) Về đề xuất chọn ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (ngày 11/6) để phát động phong trào khuyến học, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập: giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nghiên cứu, đề xuất chủ đề phát động phù hợp, phối hợp với Bộ Nội vụ, Ban Thi đua khen thưởng ban hành các tiêu chí để làm cơ sở để đánh giá, tôn vinh. Trình cấp có thẩm quyền quyết định ngày phát động phong trào toàn dân xây dựng xã hội học tập.
c) Về việc tổ chức Lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình triển khai Phong trào: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức Lễ phát động bảo đảm thiết thực, hiệu quả theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3447/VPCP-KGVX ngày 16 tháng 5 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ.
d) Về việc bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ của Hội: Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Hội Khuyến học Việt Nam rà soát các nhiệm vụ của Hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại các Chương trình, Đề án lựa chọn một số nhiệm vụ, dự án cụ thể có tính khả thi để thống nhất bố trí kinh phí kịp thời cho Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện đến năm 2025.
đ) Về việc thành lập lại Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập ở Trung ương: Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Hội Khuyến học Việt Nam nghiên cứu, đề xuất phù hợp với quy định về thành lập tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành và các chỉ đạo khác có liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |