VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 190/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2016 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC NGÀY 14 THÁNG 7 NĂM 2016 VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Ngày 14 tháng 7 năm 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, đã làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về công tác cải cách hành chính. Cùng dự có lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đi thăm Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm. Sau khi nghe lãnh đạo thành phố Hà Nội báo cáo và phát biểu của các cơ quan của thành phố về công tác cải cách hành chính, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Biểu dương Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội trong thời gian qua đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung công tác cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của Thủ đô. Lãnh đạo thành phố đã quan tâm chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ; ban hành Kế hoạch cải cách hành chính, triển khai các đề án, chỉ đạo của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đã tổ chức các hội nghị tiếp xúc, đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra cải cách hành chính được thực hiện tốt.
2. Chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội được cải thiện rõ rệt, thể hiện sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành của Thủ đô.
3. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thành phố triển khai đồng bộ theo hướng công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân và doanh nghiệp. Cơ chế một cửa trong việc cung cấp dịch vụ công tại một số doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố đã được thực hiện thí điểm.
4. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công đã được quan tâm đẩy mạnh theo hướng xây dựng chính quyền điện tử.
5. Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính còn một số hạn chế cần khắc phục:
a) Việc rà soát, đánh giá tác động của thủ tục hành chính còn chậm, hình thức; chưa chủ động kiến nghị cơ quan có thẩm quyền loại bỏ hoặc thay thế những thủ tục hành chính không hợp lý;
b) Việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn bất cập, còn đòi hỏi nộp thêm các giấy tờ ngoài thành phần hồ sơ theo quy định. Thủ tục cấp, tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm được thực hiện trong nhiều năm do tình trạng một số dự án quy hoạch “treo”, làm ảnh hưởng xấu tới đời sống của người dân, gây nhiều bức xúc trong dư luận;
c) Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2015 của Hà Nội chưa cao, trong đó chỉ số thành phần tiếp cận đất đai và gia nhập thị trường còn thấp;
d) Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, vẫn còn một bộ phận công chức, viên chức nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính, vi phạm quy định về kỷ luật lao động và văn hóa công vụ;
đ) Việc ứng dụng công nghệ thông tin tuy đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến còn hạn chế. Các phần mềm quản lý chuyên ngành còn thiếu.
Nhất trí với nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính của thành phố Hà Nội trong báo cáo; trong đó lưu ý một số công việc sau đây:
1. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thiết thực, hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
2. Đẩy mạnh rà soát, trình cấp có thẩm quyền đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp (tập trung vào nhóm các thủ tục hành chính phục vụ hội nhập quốc tế, khởi nghiệp doanh nghiệp và trong các lĩnh vực: đất đai, đầu tư, xây dựng, du lịch, hạ tầng kỹ thuật đô thị, lưu thông hàng hóa và tiêu dùng...). Xử lý dứt điểm yêu cầu giải quyết thủ tục đất đai liên quan tới quy hoạch, dự án nhà chung cư để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
3. Tiến hành rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan theo hướng gọn, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
4. Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ; xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao; tạo dựng hình ảnh người công chức, viên chức Thủ đô: Liêm chính, trách nhiệm, năng động, chuyên nghiệp...
5. Đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; triển khai xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ.
Các bộ, ngành nghiên cứu các kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ xử lý các nội dung sau:
1. Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về triển khai thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Hướng dẫn các chuẩn cấu trúc dữ liệu dùng chung và chuyên ngành để phục vụ cho việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống. Nghiên cứu cải thiện, nâng cao chất lượng, bổ sung chức năng cho Hệ thống thông tin Đăng ký kinh doanh Quốc gia (NBRS) theo hướng tiện ích, dễ tích hợp, dễ tác nghiệp, nhiều tính năng hơn, đáp ứng yêu cầu về cung cấp dịch vụ công và quản lý nhà nước theo chức năng của các đơn vị; tiếp tục hỗ trợ xây dựng phần mềm kết nối dữ liệu giữa Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư với hệ thống quản lý đầu tư nước ngoài của thành phố Hà Nội;
b) Phối hợp với Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ bãi bỏ các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp; thực hiện công bố đầy đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp.
3. Bộ Tài chính nghiên cứu việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh cho phù hợp.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo để thống nhất với Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ: Nội vụ; Tư pháp; Thông tin và Truyền thông; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; - HĐND, UBND thành phố Hà Nội; - VPCP: BTCN, PCN Kiều Đình Thụ, Trợ lý TTg, Tổng GĐ Cổng TTĐT; các Vụ: TH, KTTH, KTN, KGVX, V.III; - Lưu VT, TCCV. NĐ Hào, 26b. | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM Mai Tiến Dũng |